| Hotline: 0983.970.780

Cảnh báo ngập lụt cao tại ĐBSCL

Thứ Hai 27/08/2018 , 07:55 (GMT+7)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước sông Cửu Long đang lên. 

14-13-00_nh_1
Người dân cùng chính quyền địa phương gia cố miệng cống  thuộc tuyến đê bao ở ấp Vĩnh Phú, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn (An Giang)

Mực nước cao nhất ngày 25/8, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,81m, dưới báo động 2 là 0,19m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,33m, dưới BĐ2 0,17m. Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên.

Dự báo đến ngày 29/8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,12m, trên BĐ2 0,12m; tại Châu Đốc lên mức 3,65m, trên BĐ2 0,15m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức BĐ1 - BĐ2, có nơi trên BĐ2. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Lũ đang lên cao, ngày 25/8 nước lũ đã phá miệng cống thuộc tuyến đê bao ở ấp Vĩnh Phú, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn (An Giang) làm nước lũ trên kênh Vĩnh Tế tràn vào đồng ruộng của người dân. Rất may người dân đã phát hiện sớm nên báo với chính quyền địa phương để cứu hơn 150 ha lúa thu đông được gieo sạ hơn 55 ngày tuổi.

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết: Hiện người dân cùng lực lượng chức năng ở xã Lạc Quới đang khẩn trương lấp miệng cống bị vỡ để cứu hàng trăm ha lúa. Đây là miệng cống đôi và chịu áp lực nước từ kênh Vĩnh Tế chảy vào. Người dân và các lực lượng chức năng đang khẩn trương dùng cây, ván gỗ và bạt cao su để lấp lại miệng cống, cứu lúa. Chúng tôi hy vọng miệng cống sẽ được lấp hoàn chỉnh rồi sau đó tích cực bơm rút nước cứu lúa.

14-13-00_nh_2
Ảnh: L.H.V

Theo Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, trong vụ lúa thu đông, tính đến nửa tháng 8, toàn tỉnh đã xuống giống lúa 16.550ha đạt 9,89% so với kế hoạch trong đó diện tích xuống giống trong đê bao kiểm soát lũ triệt để 13.850ha và ngoài kế hoạch (ngoài đê bao) 10.271ha, lúa đang ở giai đoạn mạ đến đòng trổ tập trung các huyện Tri Tôn, Long Xuyên, Chợ Mới… Diện tích xuống giống ngoài đê bao chủ yếu ở Long Xuyên (350ha) và Tri Tôn (9.921ha), trong đó có 2.142ha lúa huyện Tri Tôn không bảo vệ được tập trung ở xã Lương An Trà (467ha) xã Vĩnh Gia (1089ha) và xã Lạc Quới (577ha).

Mới đây Sở NN-PTNT An Giang đã có công văn gửi các Sở NN-PTNT Kiên Giang và TP.Cần Thơ cùng 7 UBND huyện, thành phố trong tỉnh về vận hành mở đập Tha La và Trà Sư (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) - 2 đập có nhiệm vụ kiểm soát, điều tiết nước lũ trên sông Mê Kông.

Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: năm nay lũ lên nhanh và sớm hơn các năm trước, hiện mực nước bên ngoài đập Tha La khoảng 3,7m (cao hơn mực nước trong đập 1,71m), ngoài đập Trà Sư là 3,67m (cao hơn mực nước trong đập trên 1m) nên cần tiến hành xả đập sớm để kiểm soát lưu lượng nước lũ, làm giảm áp lực nước đối với vùng thượng nguồn cũng như mở đập cho phù sa tràn vào vùng Tứ giác Long Xuyên thau chua, rửa mặn... Dự kiến sẽ xả 2 đập nói trên vào ngày 3/9, sớm hơn năm 2017 khoảng 3 tuần.

14-13-00_nh_4
Đập Tha La và Trà Sư sẽ xả sớm khoảng 3 tuần, nhằm giảm áp lực nước đối với vùng thượng nguồn

Còn tại Đồng Tháp, trong 3 ngày qua, nước lũ lên nhanh đã tràn vào các cù lao thuộc huyện Thanh Bình gây ngập úng 60ha vườn cây ăn trái và hoa màu, làm một đoạn đê ở ấp Bình Lý, xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự bị sạt lở với chiều dài 10m, nước tràn vào khiến hơn 7 tấn cá tra và cá hô nuôi của hộ ông Nguyễn Ngọc Ẩn thoát ra sông, thiệt hại trên 300 triệu đồng.

Mới đây UBND tỉnh Đồng Tháp cũng ra công văn khẩn chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh và các ngành liên quan kết hợp các địa phương rà soát, xây dựng hoàn chỉnh các kịch bản ứng phó đỉnh lũ ở mức vượt báo động 2, báo động 3 và khi lũ vượt mức báo động 3; kịch bản khắc phục sạt lở bờ sông, di dời dân để trình UBND tỉnh phê duyệt.

14-13-00_nh_3
Nước lũ đang dâng cao đe dọa các diện tích lúa TĐ ở vùng trũng

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm