| Hotline: 0983.970.780

Cảnh báo trồng mắc ca phong trào

Thứ Sáu 06/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Với tên gọi “cây trồng tỷ đô” hay “nữ hoàng hạt khô”, thời gian qua, cây mắc ca đang khiến nông dân nhiều địa phương sôi sục mở rộng diện tích./ Cảnh giác "hoàng hậu" mắc ca

Tuy nhiên, các chuyên gia tường tận về mắc-ca cảnh báo: Việc trồng mắc-ca tự phát theo phong trào và kỳ vọng quá lớn về giá trị cây trồng này là điều vô cùng nguy hiểm!

Trao đổi với NNVN, GS.TS Lê Đình Khả (ảnh), người từng gắn bó với cây mắc-ca từ những ngày đầu du nhập vào Việt Nam và có nhiều công trình nghiên cứu về cây trồng này khuyến cáo: Thời gian qua, đã có nhiều thông tin thiếu thực tế, tâng bốc thái quá về giá trị của cây mắc-ca, trong đó đặc biệt nguy hiểm khi nhiều nơi có dấu hiệu tung hô mở rộng trồng mắc-ca với mục đích bán giống.

16-55-55_dsc_0182

 Trên thực tế, mắc-ca là cây trồng vô cùng khó tính, không phải nơi nào cũng có thể trồng được. Bên cạnh đó, việc thời gian cho thu hoạch rất dài, đầu tư lớn sẽ khiến rủi ro trong việc trồng mắc-ca rất cao, chứ hoàn toàn không dễ làm giàu như nhiều người lầm tưởng.

Thưa GS, ông nói lo lắng vì thời gian qua, nhiều thông tin đã tung hê thái quá về giá trị kinh tế của cây mắc-ca, vì sao vậy?

Tôi rất giật mình khi nhiều thông tin đại chúng rêu rao mỗi kg mắc-ca có giá bán tới 200 nghìn đồng, hay mỗi ha mắc-ca có thể cho lãi “trong tầm tay” tới 500-600 triệu đồng/năm, điều này là vô cùng nguy hiểm khiến nông dân lầm tưởng.

Việc mỗi kg mắc-ca có giá 200 nghìn đồng có chăng chỉ là giá bán sau chế biến, ở nơi tiêu thụ cuối cùng, chứ thực tế để tính giá cho nông dân thì phải tính giá bán tại vườn.

Bởi theo các số liệu ở hai cường quốc về mắc-ca là Australia và đảo Hawaii (Mỹ)  thì giá trị cây mắc-ca không phải là quá hấp dẫn.

Cụ thể lợi nhuận cây mắc-ca ở hai nơi này thế nào?

Australia là quê hương của mắc-ca và hiện là nước SX mắc-ca lớn nhất thế giới với hơn 1.700 ha (năm 2013). Một thống kê tại vựa mắc-ca New South Wales của Australia cho thấy ở năm thứ 15 sau trồng, 1 ha mắc-ca cho quả sung sức nhất bình quân chỉ 3,5 tấn/ha, giá hạt khô (cả vỏ) bán tại vườn trung bình khoảng 2,5 UAD/kg (tiền Australia), cho tổng thu nhập khoảng 8.750 UAD/ha, trong khi đó tổng chi là khoảng 4.475 AUD/ha, lãi gộp tính ra là 4.274 AUD/ha, tương đương khoảng hơn 78 triệu đồng Việt Nam/ha/năm.

Giá hạt mắc-ca ở các trang trại trên thế giới tuy có thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng nhìn chung chỉ xoay quanh từ 30 – 50 nghìn đồng/kg, chứ không thể có chuyện tới 200 nghìn đồng/kg hay lợi nhuận tới 500-600 triệu đồng/ha. Giá mắc-ca thế giới trong nhiều chục năm gần đây cũng tương đối ổn định và không có nhiều chênh lệch ở các nước, chứ không có dấu hiệu tăng nhiều như nhiều người kỳ vọng.

Cụ thể tại Australia, theo thống kê, giá hạt mắc-ca (nguyên vỏ) trong vòng 20 năm gần đây chưa bao giờ vượt quá 3,6 UAD/kg, tương đương thấp nhất là khoảng 27.500 đồng/kg, cao nhất khoảng gần 70 nghìn đồng/kg. Cụ thể, trong giai đoạn 1990-1999 chỉ dao động từ 1,6 đến 3 UAD/kg; giai đoạn 2000-2009 là 1,5 đến 3,6 UAD/kg; giai đoạn 2010-2013 trung bình là 3,1 UAD/kg.

Tại Hawaii, giá hạt mắc-ca (nguyên vỏ) ở các trang trại trong 30 năm qua (từ năm 1993 đến năm 2014) cũng chỉ biến động trong khoảng 1,34 đến 1,98 USD/kg (tương đương 30.400 – 42.000 đồng/kg).

Vậy bài toán kinh tế đối với mắc-ca ở Việt Nam thì sao, thưa ông?

Tôi không rõ hiện nông dân bán hạt mắc-ca giá bao nhiêu. Tuy nhiên, khảo nghiệm giống mắc-ca OC là giống cho năng suất cao nhất tại huyện Krông Năng (Đăk Lăk) đối với mắc-ca trồng năm 2004, đến năm 2013 (9 năm tuổi) cho thu hoạch khoảng trên 21 kg/cây/năm.

Với mật độ trồng mắc-ca khoảng 200 – 300 cây/ha, năng suất tạm tính cao nhất khoảng 5 tấn/ha. Nếu tính theo giá mắc-ca thế giới hiện khoảng 2 USD/kg, thì tổng thu 1 ha chỉ khoảng 200 triệu đồng. Nếu trừ chi phí, lợi nhuận của mắc-ca sẽ không phải quá hấp dẫn.

Bên cạnh đó, mắc-ca cũng là cây trồng có năng suất và sản lượng không ổn định, và giá cả trên thế giới cũng liên tục diễn biến theo kiểu “được mùa, mất giá” chứ không phải liên tục tăng.

Tại Australia, cứ sau 4-6 năm mắc-ca tăng giá thì lại xen kẽ 3-4 năm giảm giá, thường thì cứ liền sau năm tăng giá cao nhất thì năm tiếp theo là năm tụt giá thấp nhất. Tại Hawaii (hiện đứng thứ 2 về diện tích mắc-ca thế giới với gần 7.000 ha), số liệu trong 30 năm gần đây cũng cho thấy cứ năm nào năng suất cao thì giá lại hạ.

GS.TS Lê Đình Khả khuyến cáo, chỉ nên trồng mắc-ca diện tích lớn khi đã có khảo nghiệm kỹ

Việt Nam, thực tế tại nhiều vùng trồng khảo nghiệm cũng cho thấy không phải năm nào mắc-ca cũng cho quả đạt năng suất cao, và không phải nơi nào cũng trồng được mắc-ca cho năng suất đạt yêu cầu. Điều này cho thấy mắc-ca là cây trồng không dễ tính và rất rủi ro.

Ông có thể nêu một số dẫn chứng về sự bấp bênh và khó tính của mắc-ca?

Mắc-ca có tính thích nghi theo tiểu vùng tự nhiên rất cao. Khảo nghiệm của nhiều nhóm tác giả và đề tài khoa học trên hàng chục giống mắc-ca những năm qua cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa các giống ở các vùng khác nhau.

Chẳng hạn như cùng một giống mắc-ca 849, trồng ở Ba Vì (Hà Nội) năm 2002, đến năm 2012-2013 cho quả năng suất chỉ đạt 2,9 kg/cây/năm; nhưng trồng ở Krông Năng (Đăk Lăk) lại cho quả tới 8,7 kg/cây/năm, thậm chí trồng ở Mai Sơn (Sơn La) từ năm 2004 nhưng đến nay lại không ra quả.

Sẽ là tai họa nếu việc phát triển mắc-ca theo phong trào ồ ạt, đặc biệt là việc kiểm soát nguồn giống. Chỉ nên trồng mắc-ca bằng giống cây ghép, có mắt ghép từ nguồn giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia hoặc giống tiến bộ kỹ thuật. Tuyệt đối không trồng giống mắc-ca bằng cây con gieo từ hạt, bởi năng suất chỉ bằng ¼ đến ½ so với trồng bằng cây ghép. (GS.TS Lê Đình Khả)

Tương tự, giống mắc-ca OC trồng ở Ba Vì năm 2002, đến năm 2001 cho 6 kg/cây/năm, tới năm 2012 chỉ cho 4 kg/cây/năm, nhưng năm 2013 lại cao vọt lên 8,6 kg/cây/năm. Trong khi đó, giống OC trồng tại Krông Năng từ năm 2004, đến năm 2011 trở lại đây đều cho thu hoạch quả năng suất tăng dần đều từ 8,1 kg/cây/năm năm 2011 lên 11,3 kg/cây/năm năm 2012 và 21,5 kg/cây/năm vào năm 2013....

Cá biệt, khảo nghiệm nhiều giống mắc-ca tại Quảng Trị suốt từ năm 2003 đến nay, năng suất lại chỉ xoay quanh 3-4 kg hạt/cây/năm, không có hiệu quả kinh tế, thậm chí không cho quả.

Vậy nơi nào ở Việt Nam có thể trồng tốt mắc-ca, nơi nào không thể? Lời khuyên nào trước thực trạng mắc-ca đang có nguy cơ phát triển ồ ạt theo phong trào?

Trong các năm 2011 và 2013, Bộ NN-PTNT đã công nhận khoảng 10 giống mắc-ca để phát triển vào SX tại Krông Năng (Đăk Lăk) và Ba Vì (Hà Nội), tiêu biểu có giống OC đã được đánh giá có khả năng thích ứng khá rộng và năng suất cao, ổn định.

Tuy nhiên đối với mỗi giống, quyết định của Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ rõ giống nào áp dụng cho vùng nào, ví dụ giống OC chỉ dành cho vùng Krông Năng và các vùng có điều kiện sinh thái tương tự. Việc xác định nơi nào có điều kiện sinh thái tương tự Krông Năng là điều vô cùng phức tạp.

 Vì vậy đối với mắc-ca, cách duy nhất để tránh rủi ro là trước khi quyết định mở rộng trên diện tích lớn vẫn là buộc phải trồng khảo nghiệm thí điểm trên lập địa có tính đại diện cao kết hợp với tìm hiểu kỹ về kỹ thuật trồng. Chỉ khi nào có kết quả đạt yêu cầu thì mới nên mở rộng diện tích.

Mắc-ca là cây lâm nghiệp dài ngày, phải sau 6-7 năm mới có thể có kết quả xem nó thành hay bại, đầu tư lại rất lớn nên không thể mạo hiểm mở rộng diện tích, đặc biệt tại các vùng rủi ro, chưa có đánh giá về sự phù hợp.

Hiện tại, các nhà khoa học đã khẳng định các vùng rủi ro cao, không thể trồng được mắc-ca bao gồm những vùng quá nóng, có nhiệt độ trung bình năm trên 25oC như các tỉnh Nam Trung bộ, Nam bộ hoặc những vùng quá lạnh như các tỉnh vùng núi cao phía Bắc hoặc các vùng có gió Lào hoạt động mạnh trong mùa xuân – hè như Bắc Trung bộ, một số vùng Tây Bắc.

Xin cảm ơn giáo sư!

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.