| Hotline: 0983.970.780

Bàn thêm về giống mắc ca

Thứ Hai 26/01/2015 , 09:50 (GMT+7)

Cần có một Hội đồng cấp Nhà nước để đánh giá chính xác chất lượng của các giống mắc ca khác nhau trước khi cho phép đưa ra cho người dân trồng. Nếu chọn sai thì chỉ khổ cho bà con và gây ra hậu quả tai hại./ Đưa mắc ca thành "cây vua" ở Tây Nguyên

Cây mắc ca đang trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng cho nhiều vùng ở nước ta. Chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến của các đồng chí lãnh đạo địa phương, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý và đông đảo bà con sau khi NNVN đăng bài “Đưa mắc ca thành "cây vua" ở Tây Nguyên”.

Rất nhiều bạn tỏ ra hăng hái. Tôi lại lo, sự nhiệt tình pha lẫn sự nóng vội rất dễ dẫn tới sự thất bại. Vì vậy, xin mọi người hãy xem xét và cân nhắc kỹ các điều kiện về quỹ đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường sinh thái, nguồn nước… và cả vốn liếng trước khi quyết định trồng mắc ca.

Riêng về mặt cây giống, chúng ta cần hết sức thận trọng. Giống là yếu tố hàng đầu khi chúng ta trồng mắc ca. Đã chọn cây để trồng là giữ nó cả trăm năm! Vì vậy, các đơn vị khoa học, các doanh nghiệp và cả bà con chúng ta nữa, phải cân nhắc thật kỹ khi chọn giống mắc ca đem đi trồng.

Chúng ta đều biết hiện nay trên thế giới có rất nhiều giống mắc ca khác nhau. Tập đoàn giống mắc ca đó đã được đưa vào Việt Nam qua nhiều con đường. Việc thử nghiệm và bình chọn những giống thích ứng với điều kiện của ta nên được thực hiện nghiêm túc.

Cần có một Hội đồng cấp Nhà nước để đánh giá chính xác chất lượng của các giống mắc ca khác nhau trước khi cho phép đưa ra cho người dân trồng. Nếu chọn sai thì chỉ khổ cho bà con và gây ra hậu quả tai hại.

Một số đơn vị có xu hướng chỉ muốn quảng bá cho những giống mà mình đang có trong tay. Vì vậy, tính khách quan bị bỏ qua. Người ta chỉ "thổi phồng" các ưu điểm mà bỏ qua các nhược điểm của từng giống đó. Như vậy rất tai hại. Bà con ta không đủ thông tin để đánh giá, do đó dễ chỉ nghe một chiều. Hậu quả là… thua thiệt vẫn thuộc về nông dân!

Một vấn đề mà chúng ta cũng cần phải lưu tâm: Tôi thấy có những dự án đưa mật độ trồng mắc ca lên tới trên 1.000 cây/ha! Làm sao mà có thể trồng nó dày như trồng cây keo được! Mật độ cao nhất của mắc ca cũng chỉ nên 350 cây/ha. Phải chăng họ định nâng số lượng lên để thêm kinh phí trong các dự án! Xin đừng làm méo mó đi giá trị tuyệt vời của cây mắc ca.

Xin ví dụ, có đơn vị cho rằng, các giống H2 và OC là những giống có triển vọng tốt cho Tây Nguyên. Chúng tôi thấy phân vân và băn khoăn trong việc này nên đã trao đổi với Cty Vinamacca và một số nhà khoa học.

Họ cho biết, 2 giống này ở Úc và ở Mỹ đã bị loại bỏ khỏi bộ giống mắc ca của họ hoặc chỉ được dùng làm cây gốc ghép. Chúng có những ưu điểm nhưng cũng có những nhược điểm rất nên tránh.

Cụ thể là: Giống H2 có bộ rễ khỏe, giúp cây phát triển nhanh. Tuy nhiên, nó lại cho kích cỡ hạt không đồng đều, vỏ dày và tỷ lệ nhân/hạt chỉ đạt dưới 28%. Vì vậy, giống đó chỉ nên tận dụng làm cây gốc ghép mà thôi. Còn giống OC thì cũng phát triển rất tốt, tán rộng, cho nhiều cành thứ cấp nên năng suất cao, tỷ lệ nhân/hạt đạt tới 39%.

Tuy nhiên, nhược điểm chính của nó là trái không tự rụng được. 5 - 7 năm đầu, ta có thể hái bằng tay. Nhưng khi cây cao tới 10 m thì việc thu hoạch hết sức phức tạp. Nếu ta rung cây để quả rụng xuống thì rất dễ lẫn cả quả non. Quả non thì chưa tích đầy đủ dầu và các chất dinh dưỡng nên chất lượng sẽ kém.

Nếu để quả già trên cây thì thường lại bị nứt vỏ và càng làm cho giá trị dinh dưỡng suy giảm đi. Cây lại chín vàng vào mùa mưa nên việc trèo hái rất khó khăn. Mặt khác, quả mắc ca khi chín vẫn có vỏ màu xanh. Nó dễ lẫn với lá cây. Ta dễ bỏ sót quả trên cây…

Với những nhược điểm đó, theo chúng tôi, các đơn vị nên chọn những giống khác để nhân ra cho bà con. Hiện chúng ta đã có nhiều giống tốt hơn, hiệu quả hơn. Việc xây dựng vườn ươm giống các cây mắc ca đầu dòng tốt phải được đi trước một bước.

 Xin đừng nóng vội. Nên hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ càng về những giống mà chúng ta sẽ đưa ra cho bà con. Nhà nước nên kiểm soát nghiêm ngặt các đơn vị sản xuất giống mắc ca để việc trồng chúng sẽ đạt được kết quả cao nhất.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.