| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng lớn tăng kỷ lục, hơn 1 triệu tấn lúa được liên kết tiêu thụ

Thứ Tư 06/12/2023 , 18:28 (GMT+7)

KIÊN GIANG Năm 2023, Khuyến nông Kiên Giang đã tổ chức sản xuất được 1.334 cánh đồng lớn với sản lượng hơn 1 triệu tấn lúa được liên kết tiêu thụ, mang lại hiệu quả cao.

Cánh đồng lớn tăng từng năm

Với đặc thù có 3 vùng sinh thái khác nhau, mỗi năm nông dân Kiên Giang sản xuất 4 vụ lúa gồm vụ mùa (trên nền đất nuôi tôm), đông xuân, hè thu và thu đông với tổng diện tích gieo trồng khoảng 700.000ha. Sản lượng lúa toàn tỉnh bình quân hàng năm đạt khoảng 4,4 - 4,5 triệu tấn, đóng góp gần 20% sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL.

Cán bộ khuyến nông cộng đồng của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cùng nông dân thăm đồng, tư vấn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa ở cánh đồng lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ khuyến nông cộng đồng của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cùng nông dân thăm đồng, tư vấn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa ở cánh đồng lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã xây dựng các chương trình, dự án, tổ chức sản xuất cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, xây dựng quy trình sản xuất an toàn, bền vững. Từ năm 2016 đến nay, diện tích sản xuất cánh đồng lớn của tỉnh không ngừng tăng lên, từ 12.860ha năm 2016 lên trên 33.250ha (năm 2019).

Ông Phạm Văn Ẩn, Phó Trưởng phòng Khuyến nông - Trồng trọt và Chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang) cho biết, năm 2021, đơn vị đã chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng được 783 cánh đồng lớn với diện tích gần 75.000ha. Trong đó, số cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ là 651 cánh đồng với diện tích gần 53.500ha. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao ngày càng tăng. Năm 2016, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao chiếm khoảng 70% thì đến năm 2021 đã tăng lên gần 94% tổng diện tích gieo trồng.

Hình thành vùng sản xuất lúa tập trung

Nhằm tổ chức sản xuất đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã hướng dẫn và nâng cao nhận thức cho nông dân thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất từ sạ dày sang sạ thưa, bón phân cân đối, giảm thuốc BVTV, góp phần giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế.

Khuyến nông Kiên Giang cũng hỗ trợ triển khai thực hiện các cánh đồng lớn có diện tích tối thiểu từ 50ha trở lên và thực hiện cùng 1 loại giống trên cùng cánh đồng, liên kết các cánh đồng để hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh liên kết tiêu thụ phù hợp với xu hướng của thị trường, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã tạo điều kiện cho các hợp tác xã và doanh nghiệp chủ động chọn giống sản xuất đảm bảo về chất lượng hạt giống.

Chương trình cánh đồng lớn sản xuất lúa tại tỉnh Kiên Giang đang có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi với các hình thức liên kết khá đa dạng. Ảnh: Trung Chánh.

Chương trình cánh đồng lớn sản xuất lúa tại tỉnh Kiên Giang đang có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi với các hình thức liên kết khá đa dạng. Ảnh: Trung Chánh.

Các hợp tác xã cam kết thực hiện theo quy trình kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và doanh nghiệp, gieo sạ mật độ thưa (dưới 100kg lúa giống/ha), khuyến khích cấy máy, sạ cụm với lượng giống 60kg/ha. Sử dụng gói sản phẩm hữu cơ vi sinh trong canh tác để giảm lượng phân bón vô cơ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Quá trình thực hiện được cán bộ kỹ thuật kiểm gia, giám sát chặt chẽ để đảm bảo nông dân và doanh nghiệp thực hiện đúng quy trình kỹ thật. Việc các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ trong cánh đồng đã được chọn lọc và là các doanh nghiệp có uy tín, gắn kết lâu dài với nông dân.

Các cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa tập trung các giống chủ lực đang có thị trường tiêu thụ tốt như Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM18,, OM5451, ĐS1, ST24, ST25, Hương Châu 6. Hiện chương trình cánh đồng lớn sản xuất lúa tại tỉnh Kiên Giang đang có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi, gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Công ty TNHH Lương thực Angimex, Công ty TNHH Nguyễn Kim Cương, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam, Công ty Hợp Mùa, Công ty Hiệp Tài, Công ty Nông Phát Đạt…

Các hình thức liên kết cũng khá đa dạng như hợp đồng chốt giá đầu vụ; hợp đồng đưa ra giá sàn, khi giá lúa cuối vụ tăng hoặc giảm thì giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ thỏa thuận chia đôi phần chênh lệch so với giá thị trường; hợp đồng mua theo giá thị trường, 2 bên cùng thỏa thuận chốt giá khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch... Doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư đầu vào, tư vấn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm theo giá thỏa thuận…

Từ đó, các tổ chức nông dân luôn có nhiều lựa chọn, tìm hiểu về nhu cầu chủng loại giống của từng doanh nghiệp để tổ sản xuất cho phù hợp và có thương thảo chính sách, hình thức, giá thu mua để ký kết hợp đồng liên kết sản xuất theo phương châm đảm bảo đôi bên cùng có lợi và hợp tác bền vững.

2023 là năm đánh dấu sự thành công lớn trong chương trình cánh đồng lớn sản xuất lúa của tỉnh Kiên Giang. Vụ mùa và đông xuân 2022 - 2023, Kiên Giang đã xây dựng được 717 cánh đồng lớn; vụ hè thu và thu đông năm 2023 xây dựng được 617 cánh đồng lớn. Cả năm, toàn tỉnh đã tổ chức sản xuất được 1.334 cánh đồng lớn, tổng diện tích trên 167.200ha, tăng 641 cánh đồng và gần 57.900ha so với năm 2022, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn lúa hàng hóa. Trong đó, có 1.026 cánh đồng lớn có liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 120.700ha.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.