Tới xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) thăm mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) theo hướng hữu cơ sau trận mưa giông lớn từ đêm hôm trước, ai cũng tấm tắc khen “sao bông lúa chắc khỏe thế, không giống mấy sào ở đầu xã, đổ hết rồi”.
Đại Cường là xã thuần nông nằm ở phía nam của huyện Ứng Hòa, SRI đã được áp dụng tại xã nhiều năm nay và được người dân tiếp cận, áp dụng. Tuy nhiên, vẫn còn một số nông dân chưa được tiếp cận với quy trình kỹ thuật này nên vẫn còn cấy mạ già, bón phân không cân đối, nhiều đạm… khiến cây lúa yếu, dễ nhiễm sâu bệnh, tăng sử dụng thuốc BVTV ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sinh thái.
Để thu hút sự tham gia nhiều hơn nữa của bà con nông dân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội phối hợp với UBND xã Đại Cường, HTX Nông nghiệp Đại Cường tổ chức mô hình thâm canh lúa cải tiến theo hướng hữu cơ với sự tham gia của 200 hộ dân trên quy mô canh tác khoảng 50ha. Đến nay, mô hình đã hoàn thành các nội dung và đạt được một số kết quả nhất định.
Theo đó, áp dụng SRI theo hướng hữu cơ trong vụ xuân 2023 tại xã Đại Cường giúp tiết kiệm 40% lượng giống. Cụ thể, lượng giống của ruộng mô hình SRI chỉ cần 0,6kg/sào (360m2), thấp hơn 0,4kg/sào so với ruộng ngoài mô hình. Đặc biệt, trong bối cảnh việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội gặp nhiều khó khăn, áp dụng SRI giúp việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ tiết kiệm được từ 2 - 3 lần tưới/vụ.
Ruộng mô hình SRI năng suất đạt gần 80 tạ/ha, tăng 7,8% so với ruộng ngoài mô hình. Nhờ đó, lợi nhuận ruộng mô hình SRI đạt trên 43,7 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với ruộng ngoài mô hình (chỉ 32,8 triệu đồng/ha).
Với gần 8 năm áp dụng SRI và đang tham gia mô hình SRI theo hướng hữu cơ tại xã Đại Cường, bà Tạ Thị Nhiễu khẳng định, SRI là phương pháp canh tác tối ưu nhất cho nông dân tại địa phương với nhiều ưu điểm vượt trội.
"Ban đầu khi cán bộ nông nghiệp hướng dẫn canh tác theo hướng gieo cấy thưa, bón ít phân, hạn chế thuốc trừ sâu... chúng tôi không tin đâu, bởi theo thói quen của bà con là phải tận dụng tối đa đất cấy, bón thật nhiều phân. Nhưng sau khi thấy lúa của những hộ áp dụng SRI khỏe hơn, ít sâu bệnh, năng suất vượt trội thì bà con đồng loạt áp dụng. Quả thực lúa tốt thật, ai nhìn bông lúa cũng thích", bà Tạ Thị Nhiễu chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã Đại Cường, qua theo dõi, mô hình đem lại hiệu quả rõ rệt, diện tích mạ và lượng giống gieo cấy giảm nhiều so với trước đây, rút ngắn được thời gian gieo cấy.
"Xã Đại Cường có 3 thôn thì có 2 thôn bón phân hóa học. Riêng thôn Giang Triều áp dụng mô hình SRI theo hướng hữu cơ, cây lúa phát triển đồng đều, óng khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, đẻ nhánh tập trung, lúa trỗ và chín đều, tôm, cua, cá sinh sống và phát triển tốt", ông Thế Anh cho hay.
Ông Ngô Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa chia sẻ, vụ xuân 2023, huyện Ứng Hòa gieo cấy gần 8.400ha lúa, trong đó lúa chất lượng cao chiếm hơn 82%. Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện đang triển khai nhiều mô hình canh tác lúa chất lượng cao, trong đó mô hình thâm canh lúa cải tiến theo hướng hữu cơ tại xã Đại Cường nổi lên là cánh đồng tiêu biểu, cho năng suất và chất lượng rất cao.
Lãnh đạo huyện Ứng Hòa đề nghị các hộ dân tham gia mô hình không sử dụng bừa bãi thuốc BVTV để chuyển đổi sang hướng hữu cơ, hướng đến mô hình cánh đồng lớn "nói không" với sử dụng thuốc BVTV.
Đánh giá về kết quả triển khai SRI trên địa bàn xã Đại Cường, bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, nhờ bà con tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa của các hộ tham gia mô hình đạt gần 80 tạ/ha. Đây là kết quả rất tuyệt vời và có ý nghĩa rất lớn trong việc nhân rộng mô hình SRI theo hướng hữu cơ tới nhiều hơn các hộ dân trồng lúa.