Những ngày đầu tháng 3 đến nay, nền nhiệt độ trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh luôn ở mức thấp, thấp hơn trung bình nhiều năm, mưa nhiều hơn và dự báo trong 10 ngày tới tiếp tục có không khí lạnh tăng cường khiến trời nhiều mây, ánh sáng yếu, ẩm độ cao.
“Hình thái thời tiết này trùng vào thời kỳ cây lúa phát triển mạnh về thân lá, hàm lượng đạm tích lũy trong cây cao, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, gây cháy lụi cục bộ một số diện tích nếu không phòng trừ kịp thời”, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cảnh báo.
Hiện đã có ít nhất 15 ha lúa bị nhiễm đạo ôn lá, tập trung trên các giống mẫn cảm với bệnh và diện tích gieo cấy lớn như giống P6, Thái xuyên 111, VNR20, NX30, ADI168…, tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%, cục bộ 20 - 30%; phân bố tại các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên, thị xã Hồng Lĩnh, …
Sau bài học mất mùa do bệnh đạo ôn cổ bông năm 2017, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động hơn rất nhiều trong công tác phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, trong hơn 6 năm qua, sản xuất lúa Hà Tĩnh thuận lợi, liên tục được mùa sẽ phần nào gây tâm lý chủ quan cho người sản xuất, do đó, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đề nghị các địa phương, đặc biệt lực lượng khuyến nông cơ sở tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo bà con theo dõi sát sao thời tiết, đồng ruộng để phát hiện, phun phòng trừ sớm bệnh đạo ôn lá. Bởi nếu không xử lý triệt để đạo ôn lá có thể dẫn đến giảm năng suất lúa, thậm chí mất mùa diện rộng.
Vụ xuân năm nay “vựa lúa” huyện Đức Thọ gieo cấy hơn 6.390 ha. Thời điểm này lúa đang đẻ nhánh rộ, sinh trưởng phát triển tốt. Sau tết, thời tiết ẩm ương nên đạo ôn lá phát sinh, gây hại trên diện tích khoảng 5ha, với các giống P6, Thái Xuyên 111. Diện tích nhiễm bệnh rải rác, cục bộ tại các xã Bùi La Nhân, Lâm Trung Thủy, Thanh Bình Thịnh, Tân Dân, An Dũng…
“Tuy diện tích nhiễm đang ít, cục bộ nhưng thời tiết năm nay dự báo bất lợi cho sản xuất lúa, sâu bệnh nhiều nên chúng tôi liên tục họp, ban hành các văn bản chỉ đạo, bổ cứu kỹ thuật để bà con chủ động theo dõi, phun phòng trừ kịp thời. Hiện nông dân đã ra quân phun phòng bệnh đạo ôn lá trên diện rộng”, ông Bùi Khắc Phong, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Thọ nói.
Gia đình anh An, xã Lâm Trung Thủy có 1 mẫu lúa gieo cấy giống P6 và Bắc Thịnh đang giai đoạn đẻ nhánh. Sau khi một số khóm lúa P6 xuất hiện vết bệnh đạo ôn lá, anh An mua thuốc BVTV phun phòng trừ toàn bộ diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã.
Lâm Trung Thủy là một trong những xã có diện tích gieo cấy lớn nhất huyện Đức Thọ với trên 900 ha, chủ yếu cơ cấu các giống lúa chất lượng cao như: Bắc Thịnh, Thái Xuyên 111, VNR 20 và Nếp 97, 98. Mặc dù năm nay bệnh đạo ôn lá phát sinh, gây hại muộn hơn so với năm ngoái, tuy nhiên điều kiện thời tiết và cây trồng năm nay thuận lợi cho bệnh phát triển, vì vậy bà con cần theo dõi sát sao khuyến cáo, phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhằm tránh thiệt hại vào cuối vụ.
“Khi phát hiện lúa bị nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm đạo ôn lá, khuyến cáo bà con sử dụng một trong các loại thuốc hóa học như: Beam 75WP, Kasoto 200SC, Angate 75WP, Flash 75WP, Kabim 30WP, Tricom 75WP, Filia 525SE, Bankan 600 WP, Grandgold 510WP, Bimson 750WP,.... để phun phòng trừ”, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV nhấn mạnh.
Ngoài phun thuốc, người dân nên cắt bỏ phần lá của những khóm lúa bị nhiễm đạo ôn, sau đó đốt hoặc chôn lấp để diệt trừ hiệu quả mầm bệnh, hạn chế mức độ lây lan, tái nhiễm bệnh.