| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác những 'chiêu lừa' qua mạng

Thứ Bảy 27/06/2020 , 09:01 (GMT+7)

Không phủ nhận về tiện ích của mạng xã hội, giúp việc giao dịch dễ dàng, rút ngắn không gian, thời gian, nhưng nó cũng mang lại vố số phiền toái và trò lừa đảo...

Nhiều người tiêu dùng vẫn quen sử dụng mạng xã hội để mua hàng hóa online và đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh: Minh Vương.

Nhiều người tiêu dùng vẫn quen sử dụng mạng xã hội để mua hàng hóa online và đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh: Minh Vương.

Dùng mạng ảo, mất tiền thật

Có thể nói, các mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo, Skype, Twitter… đang trở thành một phần không thể thiếu của mọi giới tuối và trong cuộc sống hiện đại.

Nhiều dịch vụ nhờ thực hiện giao dịch qua mạng có thể giải quyết rất nhanh gọn. Hay, các hình thức mua bán online cũng được tận dụng triệt để việc giao dịch, chuyển tiền khá thuận tiện.

Tuy nhiên, MXH cũng là môi trường giúp những đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin, nhẹ dạ của không ít khách hàng cộng đồng để lừa đảo.

Thời gian gần đây có rất nhiều người bị lừa trên mạng chỉ vì mất cảnh giác và tin vào lời quảng cáo qua mạng ảo.

Chị Đoàn Thanh M., một nhân viên văn phòng ở quận 2 (TP.HCM) bức xúc kể: “Có lần làm công việc xong, tôi ngồi lướt mạng, tò mò vào xem quảng cáo bán hàng trên mạng online, tôi chọn đăng ký mua thử một chiếc đồng hồ đeo tay với giá hơn 1 triệu đồng.

Khoảng vài ngày sau, có nhân viên đến giao hàng, khi thu tiền xong mở cho tôi kiểm tra thì phát hiện chiếc đồng hồ bị lỗi bung giây đeo. Nhân viên lập tức “alô” về cho công ty xin ý kiến rồi hẹn ngày mai sẽ quay lại giao chiếc đồng hồ khác cho tôi.

Để làm tin, nhân viên này đã đưa cho tôi một tờ phiếu xác nhận của công ty đã thanh toán tiền, rồi lý do phải đi giao hàng tiếp nên nhanh chóng phóng vút đi”.

Hôm sau chị M. nghe điện thoại của công ty bán hàng gọi đề nghị chị cầm phiếu lên tận văn phòng công ty tại quận Tân Bình để nhận hàng. Do bận công việc khiến vài ngày sau chị M. mới tìm đến công ty để lấy hàng mua, thế nhưng nghe nhân viên bảo vì chị không đến đúng ngày hẹn nên hàng trong kho đã hết.

Tiếp tục lấy lí do hẹn vài ngày có hàng sẽ giao tận nơi, chị M. đành phải ra về. Tuy nhiên, ít ngày sau khi chị M. điện thoại hỏi thì văn phòng công ty bán hàng này đã…cao chạy xa bay, chỉ nghe chủ nhà cho biết họ đã dọn đi khỏi đây.

Lúc này chị M. mới té ngửa mình đã bị lừa, vừa mất tiền, vừa tốn thời gian, lại còn mất công đi lấy hàng. Chẳng biết mua hàng qua mạng thuận tiện thế nào nhưng với chị đã bị chiêu lừa mất cả chì lẫn chài.  

Hay các chiêu lừa khác, bằng những thủ đoạn không mới như giả danh nhà mạng báo tin trúng thưởng, gửi qua tin nhắn qua Zalo, Facebook...các đối tượng hướng dẫn “con mồi” muốn nhận thưởng thì phải nộp tiền để làm hồ sơ, nộp thuế.

Để săn các “con mồi”, kẻ lừa đảo thường sử dụng chứng minh nhân dân giả để làm thẻ ATM hoặc mua lại thẻ của sinh viên, học sinh, sử dụng sim điện thoại rác, tài khoản Facebook ảo để liên lạc.

Số tiền lừa đảo sau khi được chuyển vào tài khoản sẽ bị rút sạch tức khắc, nếu trình báo Công an thì cũng rất khó khăn trong quá trình điều tra, giống kiểu “tìm kim đáy biển”.

Tìm mua hàng trên mạng, không tìm hiểu kỹ nhiều người đã dính 'chiêu lừa' của các đối tượng xấu. Ảnh: Minh Vương.

Tìm mua hàng trên mạng, không tìm hiểu kỹ nhiều người đã dính "chiêu lừa" của các đối tượng xấu. Ảnh: Minh Vương.

Mới đây, chị Phan Thanh B., quận Bình Thạnh, nhận được tin nhắn qua Messenger của người em trai đang làm việc tại Áo. Em trai chị báo là sẽ chuyển về gia đình số tiền 50 triệu  đồng để cùng lo chi phí chữa bệnh cho cha.

Qua tin nhắn, người em trai yêu cầu chị B. ghi rõ các thông tin về số tài khoản, số điện thoại, số chứng minh nhân dân để chuyển tiền qua e-banking.

Đúng là nhà chị B. đang phải chăm sóc điều trị bệnh cho cha thật nên việc chuyển tiền từ em trai về không hề làm chị nghi ngờ.

Chị đã làm theo yêu cầu trong tin nhắn và sau đó chị cũng nhận được 1 tin nhắn dạng SMS gửi đến số điện thoại. Nội dung tin nhắn và hình thức giống tin nhắn từ ngân hàng, yêu cầu chị truy cập vào hệ thống (là một đường link) để nhận tiền. Chị nhấn vào link và sau đó, điền các thông tin theo hướng dẫn trên đường link này.

Vậy nhưng, thay vì nhận được số tiền 50 triệu đồng từ người em trai của mình gửi về thì toàn bộ tiền trong tài khoản của chị lại bị rút sạch!

Khi phát hiện ra tiền trong tài khoản mình bị… không cánh mà bay, mất sạch, chị đã gọi trực tiếp cho người em trai ở Áo thì được biết tài khoản Facebook của em mình đã bị hack từ mấy ngày qua. Kẻ gian đã mạo danh người em trai để liên lạc với chị và bản thân chị đã dính chiêu lừa khi gia đình đang gặp khó lại càng khó khăn hơn...

"Tin tặc" tung chiêu lừa tinh vi

Không ít người dùng tài khoản Facebook đều đã gặp những tin nhắn qua Messenger, như thông báo trúng thưởng, hay người quen nhờ mua dùm card điện thoại, rồi năn nỉ cho mượn tiền gấp; cũng có thể là nhắn nhắc việc có người thân quen nhờ mua dùm mật ong rừng “chất lượng” giao với giá rẻ; hoặc hù dọa, đánh cắp thông tin, đánh vào tâm lý tình cảm…

Sau khi dùng mọi cách đã moi thành công tiền của “khổ chủ”, các đối tượng lại tiếp tục nhắn tin rất khéo léo để yêu cầu chuyển khoản thêm nhiều nữa.

Với kiểu tin nhắn trên mạng xã hội này đánh vào tâm lý khiến người ham lợi là dính chiêu lừa của các đối tượng xấu. Ảnh: Minh họa.

Với kiểu tin nhắn trên mạng xã hội này đánh vào tâm lý khiến người ham lợi là dính chiêu lừa của các đối tượng xấu. Ảnh: Minh họa.

Nếu với những ai cảnh giác thì bỏ qua, nhưng gặp người còn hạn chế về công nghệ, chưa có kinh nghiệm và nhẹ dạ thì tưởng thật và nhanh chóng cho mượn, hoặc giúp đỡ ngay thì đều trúng kế lừa của bọn “tin tặc”. Đa phần những vụ việc này, khi người bị hại báo cáo cho cơ quan công an, cho ngân hàng thì đã quá muộn. Kẻ xấu đã kịp xóa được dấu vết, rất khó điều tra.

Thời gian qua, số lượng các vụ lừa đảo không ngừng gia tăng. Hình thức các vụ lừa đảo ngày càng tinh vi và đa dạng.

Những đối tượng lừa qua MXH không chỉ ở trong nước mà còn là các phần tử xấu quốc tế. Các vụ lừa đảo ấy không dễ giải quyết và ngày càng đòi hỏi sự cảnh giác cao của mọi thành viên, sự nỗ lực ngăn chặn của nhiều cơ quan chức năng.

Mặc dù đối với loại tội phạm này, pháp luật cũng có những hình thức hết sức nghiêm khắc, nhưng điều tra và xử lý các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn vì kẻ lừa đảo giỏi công nghệ thông tin và sử dụng tài khoản ảo, tài khoản của người dùng mà chúng đánh cắp để liên lạc, nên rất khó tìm.

Thậm chí, có đối tượng lợi dụng tình hình giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, chúng tăng cường chiêu thức giả danh cán bộ cơ quan chức năng, điều tra viên, kiểm sát viên thông báo gia đình có liên quan đến vụ án hình sự và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ điều tra, nếu muốn được an toàn.

Trao đổi với PV KTGĐ, Đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Có rất nhiều người dân đã bị mất tiền tỷ từ các cuộc gọi điện thoại đề nghị chuyển tiền vào tài khoản của tội phạm lừa đảo.

Các đối tượng “tin tặc” này thường ẩn danh, khiến các cơ quan điều tra xác định nhân thân lai lịch không dễ. Chúng ít để lại dấu vết nên hầu hết các vụ lừa đảo qua mạng sau khi nạn nhân báo lên cơ quan chức năng là đã quá muộn hoặc không rõ ràng.

Nhiều khách hàng quen mua hàng qua mạng trong mùa giãn cách vì đại dịch Covid-19, nếu không tìm hiểu kỹ sẽ bị đối tượng xấu tung chiêu lừa dễ dàng. Ảnh: Minh họa.

Nhiều khách hàng quen mua hàng qua mạng trong mùa giãn cách vì đại dịch Covid-19, nếu không tìm hiểu kỹ sẽ bị đối tượng xấu tung chiêu lừa dễ dàng. Ảnh: Minh họa.

Theo khuyến cáo của Đại tá Quang, để không bị lừa mất tài sản, mọi người nên cảnh giác, không nên tin những thông báo trúng thưởng gửi qua Zalo, Facebook hoặc mua bán hàng online; chỉ khi có thông tin chính xác mới chuyển tiền.

Không nên đưa nhiều hình ảnh và thông tin cá nhân, nhất là tài khoản, tên tuổi, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ cư trú của mình lên mạng xã hội.

Khi sử dụng tài khoản ngân hàng, nhất là các ngân hàng có giao dịch chuyển tiền quốc tế thì cần cẩn thận bảo mật dữ liệu tài khoản. Các thông tin về chính sách, pháp luật nên tìm hiểu ở các trang mạng chính thống, không nên suy diễn và tin theo những kẻ xuyên tạc, cắt ghép. 

“Quốc hội đã ban hành Luật an toàn thông tin mạng và Luật tiếp cận thông tin. Những kẻ cố tình lợi dụng hoặc lạm dụng mạng xã hội để có hành vi lừa đảo hoặc tuyên truyền chống phá sẽ bị trừng trị nghiêm minh. Tuy nhiên, trước khi chờ pháp luật xử lý thì mỗi người dân cộng đồng cần tự trang bị kiến thức để biết nguồn thông tin nào chính xác, nguồn thông tin nào sai trái nhằm tự bảo vệ mình, tránh được những chiêu lừa qua mạng xã hội”, Luật sư Trần Giáng Hương, Trưởng Văn Phòng Luật sư Tam Đa nói.

(Kiến thức gia đình số 26)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm