| Hotline: 0983.970.780

Khi sân trường vắng bóng cây xanh!

Thứ Bảy 13/06/2020 , 07:35 (GMT+7)

Từ khi xảy ra sự cố về cây phượng cổ thụ đổ gây thảm họa thương vong, rất nhiều nơi đã vội vã “trảm” cây phượng, cây xanh khiến nhiều người không khỏi xót xa…

Sẽ là mùa hè thiếu bóng hoa phượng trên sân trường. Ảnh: Anh Vũ.

Sẽ là mùa hè thiếu bóng hoa phượng trên sân trường. Ảnh: Anh Vũ.

Níu bóng cây sân trường

Thật bất ngờ mấy ngày gần đây, với bất cứ ai khi đi qua đoạn đường Công viên Thanh Đa, quận Bình Thạnh (TP.HCM) dài khoảng hơn 1km cũng bắt gặp hình ảnh hàng trăm cây phượng còn xanh mởn rợp bóng mát, thậm chí nhiều cây còn chưa kịp bung hoa, nhưng bỗng dưng bị “trảm” không thương tiếc.

Chứng kiến hình ảnh này, chị Phan Thị Hằng, một người dân sống gần khu vực công viên không khỏi xót xa chia sẻ: “Từ khi xây dựng công viên, những cây phượng, cây xanh mới được trồng để tạo mỹ quan và bóng mát. Người dân chúng tôi rất tự hào khi có được những con đường rợp bóng phượng che mát như thế. Ấy vậy mà, chẳng hiểu vì sao người ta lại vội chặt phá hàng loạt cây phượng này đi?”.

Theo chị Hằng, cả hàng phượng non bị cắt cành sát thân trơ trụi, sức sống của cây gần như không còn nữa, khiến những ngày qua công viên vắng tanh vì chẳng còn bóng phượng.

Nhiều cây phượng trên sân trường đang bị 'trảm' không thương tiếc. Ảnh: Anh Vũ.

Nhiều cây phượng trên sân trường đang bị "trảm" không thương tiếc. Ảnh: Anh Vũ.

Theo ghi nhận của PV KTGĐ, sau sự cố gốc phượng cổ thụ bị đổ làm một học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng (Q3, TP.HCM) bị thiệt mạng khiến nhiều gốc phượng hàng chục năm tuổi, gắn với tuổi đời của ngôi trường và nhiều thế hệ học sinh đang rộ hoa đỏ rực cũng bỗng chốc bị triệt hạ ngổn ngang.

Đồng thời, không chỉ riêng TP.HCM mà rất nhiều địa phương, công viên, đường phố, sân trường...khi phượng đang bung hoa, rợp mát cũng bị cắt tỉa trơ trụi hoặc “xóa sổ” chỉ trong vòng nửa ngày.

Ông Phạm Công Đích – một cán bộ làm việc lâu năm trong nghề cây xanh đô thị ở quận 1, TP.HCM cho rằng: “Có nhiều địa phương, trường học đã hiểu sai hoặc cố tình hiểu không đúng nội dung công văn chỉ đạo của ngành giáo dục về việc đồng loạt kiểm tra cây xanh, đảm bảo an toàn cây xanh trong các trường học, công sở.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh là cần thiết, nhưng không vì thế mà các trường học lại rộ lên phong trào “thà chặt nhầm hơn bỏ sót”, rồi cứ “tiền trảm hậu tấu” thì lúc đó đã quá muộn…”.

Theo ông Đích, để trồng được cây xanh cho bóng mát phải mất hàng chục năm, nhưng để phá nát chỉ trong vài giờ là sạch bóng cây.

Cây xanh, cây phượng không chỉ là nơi che bóng mát, gắn liền kỷ niệm tuổi học trò mà còn là “lá phổi xanh”, tạo được không gian xanh mát, điều hòa không khí và góp phần hạ nhiệt cho môi trường sống...

Chặt hạ, cách ly..., sau sự cố tai nạn, những cây phượng vô tình đã trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ của nhiều trường học.

Việc cắt tỉa hay đốn hạ đang là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều địa phương, trường học chỉ vì cho rằng việc đánh giá chất lượng cây xanh rất khó và nó không thuộc chuyên môn của trường học.

Trên sân trường ngổn ngang xác cây phượng vừa bị đốn hạ. Ảnh: Anh Vũ.

Trên sân trường ngổn ngang xác cây phượng vừa bị đốn hạ. Ảnh: Anh Vũ.

Đến nay chưa thể thống kê hết được những trường học, công sở có cây xanh, cây phượng và số cây đã bị “trảm” bởi nhiều nguyên nhân.

Tuy nhiên, nhiều người cho đây là hành động nóng vội, thiếu cân nhắc, thiếu hiểu biết của những người có trách nhiệm khi chặt đi hàng loạt cây hoa phượng “vô tội”.

Thậm chí, đâu chỉ riêng  trường học, nhiều cây xanh trên đường phố có tuổi đời hàng trăm năm, như những chứng nhân lịch sử cũng bị đốn hạ hoặc cắt tỉa cành nhánh trơ trụi chỉ vì một cây xanh nào đó bị ngã đổ sau trận mưa.

Kể cả nhiều cây xanh còn bị người dân “bức tử” bằng việc đổ chất độc, cạo vỏ cho cây chết dần; đổ bê tông hay lát xi măng quanh gốc để lấy mặt bằng kinh doanh…

Đối xử nhân văn với cây xanh

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công viên cây xanh, phượng là một cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng phượng không phải là cây duy nhất dễ bị sâu đục thân, dễ bị gãy đổ.

Việc chặt hạ cây xanh, cây phượng trong các trường học như hiện nay vô tình đã đánh mất cơ hội được sống trong môi trường xanh của học sinh.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nên giữ lại cây phượng, thì những loại cây như cây sấu, cây bàng lá nhỏ, cây dáng hương cũng là loại cây phù hợp để tạo môi trường xanh trong trường học. Trong một số vụ cây đổ, cây không hề có lỗi mà lỗi ở cách quản lý, chăm sóc nó thế nào.

Vì vậy, thay vì đốn cây, chặt nhánh, chúng ta nên thuê những đơn vị chuyên môn chăm sóc, kiểm tra định kỳ như cây xanh đường phố. Nếu chưa làm được việc này cũng nên tạm thời làm khung chống đỡ bằng sắt như một số nơi đã làm.

Một số trường học hiện nay đã làm khung chống đỡ cho cây bằng sắt khá kiên cố và đảm bảo an toàn. Ảnh: Anh Vũ

Một số trường học hiện nay đã làm khung chống đỡ cho cây bằng sắt khá kiên cố và đảm bảo an toàn. Ảnh: Anh Vũ

Điển hình như tại Trường tiểu học Kỳ Đồng, quận 3, TP.HCM, trong khuôn viên nhà trường có gần 20 cây xanh các loại. Từ hai bên cổng ra vào là hàng cây phượng và hàng cây gáo cổ thụ, những ngày qua nhà trường đã triển khai làm khung chống đỡ bằng sắt khá kiên cố và đảm bảo an toàn.

Ông Trần Thiện Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội công viên cây xanh Việt Nam cho rằng: “Không chỉ vì lý do gì mà vội vàng chặt phượng hay các loại cây xanh khác một cách tự phát như ở nhiều nơi đang làm.

Việc đốn hạ cây phải do đơn vị chuyên môn đảm nhiệm, nhà trường nên tăng cường khâu chăm sóc cây khi phát hiện có hiện tượng bất thường hãy báo ngay cho đơn vị chuyên môn để giám định và đưa ra quyết định chặt bỏ hay chỉ tỉa cành”.

Theo ông Hà, việc phát hiện dấu hiệu của cây xanh hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chỉ những người trong nghề mới hiểu được, nhưng cũng chỉ đúng ở mức tương đối chứ không chính xác hoàn toàn.

Những ngày qua dư luận đang đặt vấn đề nếu như không có sự cố cây phượng đổ ở Trường Bạch Đằng vừa qua liệu có chuyện ồ ạt chặt bỏ hàng loạt cây phượng, cây xanh hay không? Phượng vĩ, cái tên của một loài cây, loài hoa đẹp đã từng được thổi hồn vào rất nhiều tuyệt phẩm thơ ca, nhạc họa.

Cây phượng sân trường cũng là hình ảnh mang bao kỷ niệm đẹp trong mỗi thế hệ học sinh, sinh viên để nhớ mãi một thuở cắp sách đến trường và bao nhiêu điều thú vị khác. Xin đừng để mùa hè không có phượng, sân trường vắng tiếng ve kêu râm ran vì không còn bóng dáng hoa phượng!

“Sau câu chuyện đau lòng về việc một em học sinh không may thiệt mạng vì bị cây phượng đổ, một làn sóng lo ngại về vấn đề an toàn cây xanh trong trường học đã nổ ra khắp nơi. Ngay lập tức, nhiều địa phương, trường học đã đốn hạ cây xanh, cây phượng. Tuy nhiên, đây có thực sự là một giải pháp an toàn cho môi trường học tập của học sinh?”

“Thói quen của các đơn vị khi quản lý không được thì chặt bỏ. Cây xanh không có tội, trồng cây mà không chăm sóc theo dõi thường xuyên, quản lý không chặt chẽ, đụng chuyện là chặt, thể hiện việc thiếu giải pháp. Hãy đối xử nhân văn với cây xanh và như câu khẩu hiệu ở các trường học: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” liệu có còn nguyên giá trị?”, ông Trần Thiện Hà nhấn mạnh.

(Kiến thức gia đình số 24)

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.