Vụ đông xuân này, huyện Hòa An gieo trồng 1.350 ha ngô, hơn 1.000 ha lúa, 1.600 ha thuốc lá...
Đến nay, huyện có 8 ha ngô bị nhiễm sâu keo tại các xã Hồng Việt, Đức Long, Đại Tiến và thị trấn Nước Hai được phun phòng dịch; 100 ha lúa bị ốc bươu vàng gây hại đã được xử lý; phun thuốc diệt trừ châu chấu non gây hại trên 7 ha cỏ dại tại xã Hồng Việt.
Bà Hoàng Thị Loan, thị trấn Nước Hai chia sẻ: Vụ này tôi cấy hơn 2.000 m2 lúa Khang Dân và Tam Nông. Lúa cấy chưa lâu thì đã xuất hiện ốc bươu vàng. Dù tỷ lệ chưa cao nhưng gia đình tôi đã ra ruộng kiểm tra, xử lý sớm để hạn chế ốc bươu vàng đẻ trứng lan rộng ra đồng ruộng.
Ngoài ốc bươu vàng thì đến nay chưa phát hiện sâu bệnh hại nào khác, gia đình đã bón phân thúc, phun phòng trừ và kiểm tra ruộng thường xuyên.
Tại huyện Nguyên Bình, các loại sâu bệnh hại cũng đã xuất hiện trên một số diện tích cây trồng. Ông Đinh Văn Duyệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nguyên Bình thông tin: Công tác phòng, trừ sâu bệnh trên cây trồng đã được huyện xây dựng kế hoạch ngay từ đầu vụ.
Theo đó, huyện đã dự báo được những loại sâu bệnh có thể phát sinh, phát triển theo từng thời điểm cụ thể. Do vậy, công tác phòng, trừ sâu bệnh tại các xã, thị trấn đều được chủ động.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, tỉnh Cao Bằng gieo cấy 3.229 ha lúa; 22.461 ha ngô; 3.138 ha thuốc lá; 609 ha đậu tương; 154 ha khoai tây... Đến thời điểm này, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh; cây ngô trong giai đoạn vun cao - xoáy nõn; cây đậu tương đang phân cành - ra hoa.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến nay, toàn tỉnh có 272 ha lúa đã xuất hiện ốc bươu vàng, mật độ phổ biến 1 - 2 con/m2, cao 3 - 8 con/m2; nhiều diện tích đã xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng, mật độ phổ biến 20 - 30 con/m2, cao 100 - 200 con/m2.
Đối với cây ngô, hơn 180 ha đã xuất hiện sâu keo mùa thu, sâu gai non, sâu gai trưởng thành, mật độ phổ biến 1 - 2 con/m2, cao 20 - 50 con/m2; hơn 50 ha ngô bị nhiễm bệnh khô vằn, gỉ sắt, tỷ lệ hại phổ biến 3 - 5%, cao 10 - 20%.
Ngoài ra, trên cây cỏ dại ở ven sông, rừng vầu tại nhiều địa phương xuất hiện châu chấu tre, mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2, cao 300 - 600 con non/m2. Đối với các loại cây trồng khác cũng bắt đầu xuất hiện các sinh vật và bệnh gây hại nhẹ như: sâu xanh, rệp, ruồi đục thân, sâu vẽ bùa, sâu cuốn lá, bệnh đốm mắt cua, đốm vòng, phấn trắng... nhưng với tỷ lệ ít.
Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng cho biết: Với điều kiện thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay rất dễ phát sinh đối tượng sâu bệnh gây hại bùng phát trên cây trồng vụ xuân, nhất là bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá…
Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố về việc chủ động phòng trừ phòng bệnh hại cây trồng vụ đông - xuân; Chi cục đã có văn bản hướng dẫn phòng, chống sâu bệnh hại cây trồng.
Chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân phun phòng trừ kịp thời trên những diện tích chớm xuất hiện. Khi phát hiện diện tích bị nhiễm, người dân cần tiến hành các biện pháp phòng trừ hiệu quả, sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng, thời điểm đối với các đối tượng gây hại.
"Đây là thời điểm mẫn cảm của nhiều loại cây trồng, trong khi các đối tượng sinh vật hại cây trồng tiếp tục phát sinh gây hại mạnh, rất có thể bùng phát thành dịch nếu không có giải pháp quản lý kịp thời, hiệu quả", ông Đạt cho biết thêm.