| Hotline: 0983.970.780

'Cao sơn Ngọc Quế' chờ doanh nghiệp đầu tư

Thứ Tư 10/08/2022 , 08:47 (GMT+7)

QUẢNG NAM Quảng Nam có loài quế ở huyện Nam Trà My nổi tiếng với cái tên 'Cao sơn Ngọc quế' với chất lượng và giá trị rất cao. Nhiều cây quế cổ thụ hàng trăm tuổi.

Thương hiệu "Cao sơn Ngọc quế"

Huyện Nam Trà My (Quảng Nam) được xem là thủ phủ của cây quế không chỉ bởi quy mô về diện tích mà còn ở chất lượng. Đây cũng là cây trồng truyền thống ở huyện này và là nguồn thu nhập chính của đồng bào Cadong, Xê đăng, BHnoong từ bao đời nay.

Quế Trà My được biết đến với cái tên “Cao sơn Ngọc Quế”, là loại quế được thế giới ưa chuộng nên có giá trị cao so với các loại quế khác. Cây quế ở đây đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thương, một sản phẩm giá trị về kinh tế và tinh thần, ngày càng làm đẹp thêm dải đất hùng vĩ nằm bên dãy Trường Sơn huyền thoại.

Ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn còn rất nhiều rừng quế với những cây cổ thụ có tuổi thọ từ vài chục đến cả trăm năm tuổi. Ảnh: Lê Khánh.

Ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn còn rất nhiều rừng quế với những cây cổ thụ có tuổi thọ từ vài chục đến cả trăm năm tuổi. Ảnh: Lê Khánh.

Việc trồng quế không những tăng thu nhập cho đồng bào mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ nước cho những vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, cây quế truyền thống ở đây phải chịu cảnh bấp bênh do giá cả không ổn định và sự du nhập ồ ạt của nhiều loại quế giống mới từ nơi khác đến.

Bên cạnh đó, phương pháp trồng, chăm sóc của người dân chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian, theo hướng tự phát, diện tích nhỏ lẻ, phân tán trên các địa hình đồi núi phức tạp. Điều này dẫn đến việc khó khăn trong khai thác, vận chuyển cũng như chưa phát huy được hết tiềm năng đất đai, khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Nam Trà My, hiện nay trên địa bàn huyện có 10/10 xã trồng quế với diện tích trên 7.200ha và không ngừng tăng lên qua các năm. Sản lượng quế vỏ mỗi năm của huyện đạt khoảng 150 tấn. Những năm gần đây, thị trường quế sôi động trở lại, giá bán các sản phẩm từ quế có sự cải thiện, nhờ vậy người dân có thể sống được từ cây quế.

Cây quế cổ thụ hơn 100 năm tuổi được người dân giữ dìn bảo vệ rất tốt ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: Đăng Lâm.

Cây quế cổ thụ hơn 100 năm tuổi được người dân giữ dìn bảo vệ rất tốt ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: Đăng Lâm.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế trên địa bàn huyện Nam Trà My chưa được thực hiện tốt. Hầu như chưa có đơn vị thu mua, chế biến quy mô tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Các hộ gia đình chủ yếu vẫn bán các sản phẩm thô với giá cả lên xuống thất thường khiến họ không yên tâm đầu tư cho cây quế.

Thực tế hiện nay cho thấy, quế là loại cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao, tất cả các bộ phận của cây quế như thân, cành, lá, vỏ đều được sử dụng trong sản xuất và đời sống. Sản phẩm chính của cây quế là vỏ quế và chiết xuất tinh dầu quế được dùng trong công nghiệp, y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, chăn nuôi…

Ngoài ra, quế còn được sử dụng để làm gia vị, hương liệu cho các loại bánh kẹo, rượu và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm của quế không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà còn là mặt hàng xuất khẩu, được thế giới ưa chuộng. Nếu khai thác được hết những tiềm năng này, có thể nói, giá trị của cây quế sẽ rất cao.

Sản phẩm quế Trà My từ lâu được biết đến với tên gọi là 'Cao sơn Ngọc Quế' được thị trường thế giới rất ưa chuộng. Ảnh: Lê Khánh.

Sản phẩm quế Trà My từ lâu được biết đến với tên gọi là "Cao sơn Ngọc Quế" được thị trường thế giới rất ưa chuộng. Ảnh: Lê Khánh.

“Thế nhưng, ở huyện Nam Trà My do vẫn chưa có một doanh nghiệp nào lớn để thu mua, chế biến sản phẩm từ cây quế nên đến nay, sản phẩm thu hoạch chủ yếu của loại cây này vẫn chủ yếu là vỏ cây. Còn cành, lá, thân hầu như vẫn chưa được sử dụng.

Thêm vào đó, giao thông đến các vùng trồng quế rất khó khăn, người dân mất rất nhiều công sức để khai thác, vận chuyển nên giá trị cây quế mang lại chưa được như kỳ vọng”, ông Trịnh Minh Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Trà My chia sẻ.

Đồng bào các dân tộc ở huyện Nam Trà My có tập tục rất hay. Khi con cái dựng vợ, gả chồng, của hồi môn mà cha mẹ để lại cho con chính là các vườn quế. Do đó, dù trải qua bao thăng trầm nhưng hàng năm người dân vẫn không phá bỏ mà còn trồng thêm một số diện tích quế. Nhờ thế, nguồn gen quý của giống quế Trà My vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay.

Đánh thức tiềm năng quế xứ Quảng

Từ tiềm năng, thế mạnh hiện có của cây quế, cũng như vực dậy truyền thống của vùng đất quế, huyện Nam Trà My đã phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam xây dựng dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Trà My cho sản phẩm quế của tỉnh Quảng Nam” thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Bộ KH-CN.

Những cây quế tự nhiên ở Nam Trà My cho chất lượng rất tuyệt hảo. Ảnh: Đăng Lâm.

Những cây quế tự nhiên ở Nam Trà My cho chất lượng rất tuyệt hảo. Ảnh: Đăng Lâm.

Dự án này chính là cơ sở để cây quế Trà My hồi sinh ở xứ Quảng. Để thực hiện dự án, huyện Nam Trà My đã tập trung nhiều nguồn lực, quy hoạch lại vùng nguyên liệu, hỗ trợ quế giống; khuyến cáo người dân thu hẹp và loại dần những giống quế du nhập từ các tỉnh khác vào, tìm mọi cách để nhân rộng các nguồn gien quý từ cây quế Trà My.

Ngay sau khi tái lập huyện (năm 2003) đến nay, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nam Trà My đều đưa chỉ tiêu phát triển cây quế vào nghị quyết, coi đây là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế ở địa phương. Huyện này cũng đã xây dựng vườn ươm giống quế, mỗi năm cung cấp từ 1 – 1,5 triệu cây quế phục vụ nguồn giống cho cho nhân dân phát triển vùng chuyên canh. Đồng thời, cung cấp cho các địa phương, doanh nghiệp khi có nhu cầu.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng thường xuyên vận động người dân mở rộng diện tích vườn ươm tại hộ gia đình để giữ nguồn gen quý. Đây được xem là điều kiện cần thiết để huyện Nam Trà My tiến đến việc giảm nghèo bền vững, hỗ trợ cho các hộ gia đình trên địa bàn vươn lên làm giàu. 

Quảng Nam đang từng bước mở rộng diện tích trồng quế ở các địa phương. Ảnh: Lê Khánh.

Quảng Nam đang từng bước mở rộng diện tích trồng quế ở các địa phương. Ảnh: Lê Khánh.

“Khoảng 2 năm trở lại đây, giá quế trên thị trường là rất cao, trung bình khoản 65.000 đồng/kg. Với giá trên, nông dân rất vui mừng và có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao. Với giá trị như vậy, hiện tại, ngoài huyện Nam Trà My, cây quế Trà My còn được nhân rộng ra các huyện như Bắc Trà My, Phước Sơn và Tiên Phước”, ông ông Trịnh Minh Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Trà My cho biết.

Cùng với huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng rất chú trọng đến vấn đề phát huy giá trị của cây quế. Điều này được cụ thể hóa trong Nghị quyết 40 của HĐND tỉnh Quảng Nam về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn đến 2030.

Theo Nghị quyết này, tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ trên 13 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho các hoạt động: Chăm sóc, bảo vệ cây trội để thu hái hạt giống; chuyển hóa rừng giống, phát triển trồng mới cây quế Trà My; hỗ trợ giống cây trồng xen canh và vật tư thiết yếu; công tác tuyên truyền, tập huấn.

Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện theo Nghị quyết 40, đến nay, Quảng Nam đã hỗ trợ trồng được 1.583,7ha (1.023,2ha tập trung, 560,6ha trồng phân tán); công nhận được 110 cây trội (năm 2021 còn 92 cây do bão ngã 18 cây) với tổng kinh phí là 5.870 triệu đồng/8.197 triệu đồng kế hoạch phân bổ.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng mới, việc bảo tồn, bảo vệ giống quế bản địa quý của Quảng Nam cần được chú trọng. Ảnh: Đăng Lâm.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng mới, việc bảo tồn, bảo vệ giống quế bản địa quý của Quảng Nam cần được chú trọng. Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng theo ông Út, từ những kết quả đã đạt được, dự kiến tới đây, đơn vị này sẽ tham mưu đề xuất UBND tỉnh, HĐND tỉnh tiếp tục mở rộng cơ chế, chính sách hỗ trợ về phát triển cây quế như: Hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, hỗ trợ doanh nghiệp có liên kết với người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây quế, hỗ trợ lãi suất vay… để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Mặc dù vậy, trở ngại, khó khăn lớn nhất ở Quảng Nam trong việc thu hút các doanh nghiệp để nâng cao giá trị cây quế là diện tích quế trồng tập trung còn thấp, dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu sản phẩm đầu vào cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh; chưa tạo được nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; chất lượng nguồn giống chưa được người dân quan tâm.

Cùng với đó, đặc tính cây quế Trà My sinh trưởng, phát triển chậm hơn nhiều so với cây quế ở các tỉnh phía Bắc, suất đầu tư lớn...

“Thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung vào công tác chọn tạo giống, hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm quế đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước; khuyến khích mở rộng vùng trồng mới ra các huyện ngoài 4 huyện đã trồng (Bắc Trà My, Tiên Phước, Nam Trà My, Phước Sơn). Đồng thời, hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị; xúc tiến hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, HTX về trồng và chế biến các sản phẩm về cây quế”, ông Trần Út thông tin.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Gỡ vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Theo TS. Nguyễn Linh Ngọc, việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt mang lại lợi ích lâu dài, nhưng hiện là bài toán khó ở cả thành thị và nông thôn.