| Hotline: 0983.970.780

Cặp vợ chồng Australia biến ngôi trường bỏ hoang thành lớp học

Thứ Bảy 06/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Thấy bọn trẻ nhà nghèo đi học phải đóng khoản tiền lớn, vợ chồng cựu binh người Australia sửa sang trường học mẫu giáo để thu hút các em đến trường. Ngôi trường có đầy đủ tiện nghi cho hàng chục phụ huynh gửi trẻ.

Lòng tốt lan tỏa

Đã trở thành thông lệ, cứ vài ngày bà Phan Thu Lan (49 tuổi) ở Phường Cẩm Châu (TP Hội An, Quảng Nam) lại đến Trường mầm non Trúc Xanh (xã Cẩm Kim). Bà mang theo một số đồ như sữa, pho mai, thức ăn nhẹ… và rau xanh cho bọn trẻ. Khi bàn giao xong cho các giáo viên để phát cho các em, bà Lan chơi đùa với học sinh. Sau 30 phút, bà đảo quanh khuôn viên và kiểm tra trang thiết bị của trường.

14-56-36_nh_1
Trường mầm non Trúc Xanh trước đây bỏ hoang nhưng được vợ chồng bà Lan sửa sang

Khi mọi việc đã xong, bà Lan có chút thời gian rảnh kể chuyện. Bà Lan là người Sài Gòn chính gốc, lớn lên làm việc ở đây. Năm 2003, bà quen ông Roy Erle Hornsby (70 tuổi, quốc tịch Australia) - nguyên là lính Australia tham chiến ở Việt Nam năm 1969 đến 1970, đóng quân ở Bà Rịa Vũng Tàu.

Cuộc chiến qua đi, ông quay lại Việt Nam làm giảng viên thiết kế web, lập trình viên… ở Đại học Quốc tế RMIT, quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Và năm 2010 bà Lan và người đàn ông ngoại quốc nên duyên vợ chồng và về Australia định cư.

Tuy nhiên, sau hai năm ở đây họ thấy cuộc sống "không phù hợp" nên quay lại Việt Nam. Cặp vợ chồng này đã đặt chân đến nhiều vùng đất như Sài Gòn, Đà Lạt, Đà Nẵng… tìm chỗ dừng chân nhưng chưa ưng ý được nơi nào. Khi họ đến Hội An thì bị mảnh đất này níu chân giữ lại.

“Tôi và chồng đều rất thích, rất yêu nơi này. Hội An không ồ ã như TP. Hồ Chí Minh, không quá lặng lẽ và cô đơn như Đà Lạt, ở nơi này đủ bình yên để tôi và chồng sống một cuộc sống nhẹ nhàng, được làm những điều mình thích”, bà Lan tâm sự.

Năm 2014, hai vợ chồng Việt kiều mua mảnh đất ở phường Cẩm Châu xây nhà. Bà dành một căn phòng mở tiệm nail (làm móng tay, móng chân); còn chồng làm công việc thiết kế trang web. Ngày bà Lan làm nhà thì có nhiều người phụ nữ ở xã Cẩm Kim đến làm phụ hồ. Trong đó có một người thường xuyên nghỉ việc nhưng không biết lý do nên bà Lan hỏi chuyện. Người này trả lời rằng có đứa con nhỏ nên thường xuyên nghỉ việc ở nhà để trông giữ.

Biết chuyện, bà Lan tự tìm đến nhà người phụ nữ này và thấy trong thôn cuộc sống nhiều gia đình nghèo khổ. Bà hiểu ra lý do rằng trong lúc gửi con đến trường để đi làm thì phải đóng số tiền lớn. Có nhiều người đi làm nhưng không đủ tiền đóng học phí cho con đến nhà trẻ.

Trong lúc tìm hiểu bà phát hiện có một điểm trường với hai phòng học ở thôn Trung Châu bị bỏ hoang. Bà có suy nghĩ nếu khôi phục lại thành trường mầm non thì sẽ chia sẻ những khó khăn cho người dân. Bà gặp chính quyền và biết được trước đây bọn trẻ theo học nhưng trường không có bếp nấu ăn và cơ sở vật chất thiếu thốn. Các em học xong đến buổi ăn cơm phải đến điểm trường chính cách gần 1 km hoặc học đến trưa cha mẹ đón về, chiều đưa đến trường. Do đó phụ huynh không gửi con và ngôi trường đóng cửa.

14-56-36_nh_2
Vợ chồng bà Lan trong một lần trao quà Tết cho học sinh ở xã Cẩm Kim

Vợ chồng Lan đến gặp chính quyền đặt vấn đề cho phép mở lại ngôi trường bằng nguồn kinh phí bỏ ra. Trước lời đề nghị này, xã Cẩm Kim đồng ý và tạo điều kiện cho hai vợ chồng thực hiện. Đầu tiên, bà Lan kết nối với sinh viên về dọn dẹp cỏ cây mọc um tùm xung quanh. Bà gặp những người biết vẽ, sơn đến sửa lại tường, trần nhà. Hệ thống bếp nấu ăn và dụng cụ cùng các thiết bị được bà bỏ tiền ra mua về lắp đặt. “Ngôi trường mầm non Trúc Xanh đầu tư 215 triệu đồng, trong đó vợ chồng tôi đóng góp phần chính, phần còn lại kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ”, bà chia sẻ.

Lớp học có 18 trẻ từ 1 đến 3 tuổi với hai cô giáo chăm sóc. Quanh ngôi trường được trang trí nhiều bức tranh vẻ, các thiết bị quạt điện, bóng đèn. Mỗi em đều có một giường nằm ngủ, nước uống đều qua máy xử lý. Khuôn viên trường rộng lớn, bà thuê người dọn dẹp và trồng rau canh cung cấp cho bọn trẻ.

“Hàng tháng tôi cấp gần 30 kg gạo và mua thêm thực phẩm bổ sung bữa ăn, trang thiết bị hư hỏng hoặc còn thiếu tôi sẽ khắc phục bằng được”, bà Lan nói và cho hay học sinh ở thành phố có gì thì trẻ ở đây sẽ có như vậy.

Theo bà Lan, trước việc làm của vợ chồng, nhiều người bạn đã không đứng ngoài cuộc. Nhất là những bạn của chồng bà sống ở Australia đã đến trường tham quan và đóng góp tiền của để sửa chữa. Ngoài ra tất nhiều đoàn khách nước ngoài đến trường, khi họ chứng kiến sự còn thiếu thốn thì nhiều vị khách chung sức để trang bị những cái còn thiếu.

Ngoài ngôi trường này, bà Lan bỏ tiền và kêu gọi nhiều nơi giúp đỡ đầu tư đồ dùng vui chơi giải trí cho các nhà văn hóa trên địa bàn xã Cẩm Kim. Trong đó, khuôn viên nhà văn thôn Phước Thắng đã đầu tư 15 triệu đồng để lắp đặt các dụng cụ vui chơi cho trẻ em; nhà văn hóa thôn Trung Châu bà Lan hỗ trợ 50 triệu đồng và kêu gọi một trường đại học ở Canada và trường đại học ở Hà Nội đầu tư 52 triệu đồng để xây dựng khuôn viên, lắp đặt thiết bị vui chơi giải trí.
 

"Hạnh phúc của tôi chính là nụ cười con trẻ"

"Hạnh phúc của tôi chính là nụ cười con trẻ. Tôi không muốn chứng kiến trẻ phải đến trường trong điều kiện khó khăn. Những điều tôi làm xuất phát từ tấm lòng với mong muốn sẽ truyền thông điệp tích cực đến với mọi người để cùng chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cháu", bà Lan trải lòng.

14-56-36_nh_3
Bà Lan cùng một em bé theo học ở Trường mầm non Trúc Xanh

Đặc biệt tại trường tiểu học Cẩm Kim thiếu dụng cụ để học sinh học bán trú, cá nhân bà giúp đỡ 15 triệu đồng mua chén bát, xong nồi giúp nhà trường nấu ăn cho học sinh ăn.

“Tương lai tôi sẽ đầu tư một bể bơi di động cho một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật ở xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn. Bể bơi đã mua và đang chờ hoàn thành mặt bằng sẽ lắp đặt”, bà chia sẻ và cho biết khoản chi tiêu từ công việc của chồng, còn khoản thu của bà sẽ dành hết cho bọn trẻ.

Ông Roy cho biết từng tham gia một tổ chức từ thiện bên Úc nên khi về sống ở Việt Nam ông vẫn muốn duy trì những công việc thiện nguyện. “Với tôi, vợ làm gì cho bọn trẻ tôi đều hỗ trợ hết mình vì trẻ em nơi đây còn nhiều thiếu thốn, chúng xứng đáng nhận được những điều tuyệt vời hơn", ông nói.

Trưởng thôn Trung Châu ông Huỳnh Ngọc Dũng cho biết xã Cẩm Kim nghèo nhất Hội An. Khi được bà Lan hỗ trợ sửa chữa trường đã giúp cho những người có thu nhập thấp thuận lợi gửi con. “Ngôi trường đã giảm gánh nặng cho những gia đình nghèo, bởi họ đưa con đến gửi đã bớt được khoản tiền so với các sở khác. Trường chỉ thu tiền học phí trả cho giáo viên, tiền ăn, không phải đóng nộp tiền xây dựng cơ sở vật chất như các trường khác”, ông nói.

Bà Hồ Thị Kim Liên, hiệu trưởng trường mầm non Cẩm Kim cho biết nhóm trẻ ở trường Trúc Xanh đa số đều thuộc diện hộ nghèo. Ngôi trường được bà Lan tài trợ cơ sở vật chật, đồ chơi, đồ dùng… Mỗi ngày bà Lan hỗ trợ thêm gạo, thực phẩm để nấu cho em; vệ sinh xung quanh ngôi trường thuê người dọn dẹp.

“Ngôi trường nhận được sự giúp đỡ như vậy thì phụ huynh không phải đóng tiền để mua, giảm bớt được kinh phí khi cho con đến học. Phần nữa bữa ăn đầy đủ nên bậc làm cha, làm mẹ yên tâm đi làm”, cô Liên cho hay.

14-56-36_nh_4
Giường của học sinh Trường mầm non Trúc Xanh được bà Lan bỏ tiền ra đưa về cho các em nằm

(Kiến thức gia đình số 14)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.