| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện kết nối ở một tỉnh địa đầu Tổ quốc

Thứ Hai 10/01/2022 , 11:11 (GMT+7)

Bằng nhiều giải pháp kịp thời, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã kết nối thị trường, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Đồng hành để gỡ khó

Để kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương tham mưu tỉnh Cao Bằng ban hành kế hoạch xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2025; chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình cung, cầu thị trường hàng nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực đang vào vụ thu hoạch để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Sản phẩm dưa lưới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Trường Anh có đầu ra ổn định. Ảnh: Công Hải.

Sản phẩm dưa lưới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Trường Anh có đầu ra ổn định. Ảnh: Công Hải.

Đẩy mạnh phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại như Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2021, Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP năm 2021 tại Trung tâm thương mại AEON MALL Long Biên (Hà Nội), Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP năm 2021 tại Trung tâm thương mại AEON MALL Hà Đông (Hà Nội), Hội chợ Đặc sản vùng, miền Việt Nam 2021 tại Hà Nội…

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) kết nối giao thương, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thương hiệu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển. Các doanh nghiệp, HTX tham gia được miễn phí tiền thuê gian hàng và hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển các nông sản, đặc sản…

Ông Phạm Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương Cao Bằng nhận xét, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đem đến cho doanh nghiệp, HTX, các tổ chức kinh tế nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm bạn hàng, tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua nhiều hình thức.

Sản phẩm vịt cỏ huyện Trùng Khánh được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Công Hải.

Sản phẩm vịt cỏ huyện Trùng Khánh được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Công Hải.

Nhiều doanh nghiệp, HTX mạnh dạn đứng ra làm đơn vị đầu mối để thu gom các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đem đến các hội chợ trong cả nước để quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Từ đó, khẳng định chất lượng của sản phẩm, được người tiêu dùng quan tâm; một số mặt hàng như lạp sườn, miến dong, nấm hương, bún ngũ sắc… hiện đã có tại các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối trong cả nước.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt mặt hàng nông sản là xu thế được nhiều người lựa chọn. Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, Sở Công thương Cao Bằng mời các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia “gian hàng Việt trực tuyến”. Khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, các thành viên được miễn tất cả các chi phí, hỗ trợ tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ, các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu… giúp doanh nghiệp, HTX hoạt động hiệu quả nhất.

Đẩy mạnh kết nối thị trường

Bánh Khẩu sli Nà Giàng (xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng) hay còn gọi là bánh gạo nếp nổ, bánh bỏng kẹp lạc, là một trong những loại bánh đặc sản địa phương mà người Cao Bằng thường dùng để mời khách khi đến chơi nhà. Khẩu sli Nà Giàng được chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao tỉnh Cao Bằng năm 2020, góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Cả xã Ngọc Đào hiện có khoảng 30 hộ làm nghề sản xuất Khẩu sli truyền thống. Trung bình mỗi hộ cho thu nhập từ vài chục triệu đồng, có hộ làm nhiều quanh năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nhờ Khẩu sli, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Nhiều gia đình ở xóm Nà Giàng, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng gìn giữ và phát triển nghề làm bánh Khẩu sli. Ảnh: Công Hải.

Nhiều gia đình ở xóm Nà Giàng, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng gìn giữ và phát triển nghề làm bánh Khẩu sli. Ảnh: Công Hải.

Bà Hoàng Thị Điệp, chủ cơ sở Khẩu sli Ngọc Hải, xóm Nà Giàng chia sẻ: Tôi đã có khoảng 20 năm kinh nghiệm làm bánh. Khoảng 2 tháng cuối năm, mỗi ngày gia đình tôi sản xuất 300 - 500 phong bánh, những ngày sát Tết Nguyên đán sản xuất khoảng 1.000 bánh/ngày. Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng sản phẩm Khẩu sli của cơ sở vẫn giữ ổn định đầu ra nhờ chất lượng sản phẩm đảm bảo, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Cao Bằng, do ảnh hưởng của biến động thị trường và các loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm qua gặp nhiều khó khăn; nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố trong nước bị đứt gãy.

Việc ký kết các hợp đồng mua bán nông sản, thủ tục xuất khẩu sang các nước gặp khó khăn, thời gian thông quan kéo dài làm gia tăng chi phí; sức tiêu thụ chậm, khiến sản phẩm nông nghiệp bị tồn đọng, giá cả nhiều mặt hàng giảm sâu. Trong khi đó, giá vật tư sản xuất, chi phí vận chuyển hàng hóa liên tục tăng (mức tăng từ 10 - 30%)…

Ông Nguyễn Ngọc Truân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng cho biết, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, nông sản ứ đọng vẫn diễn ra thường xuyên. Ngoài yếu tố khách quan do dịch bệnh thì vấn đề chính vẫn là do sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa xây dựng được nhiều vùng sản xuất quy mô lớn để phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Trong khi đó, doanh nghiệp, HTX và các hộ chăn nuôi, trồng trọt chưa thực sự chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế nên việc bị thương lái ép giá vẫn diễn ra phổ biến.

Sản xuất miến dong tại Hợp tác xã Nông sản Tân Việt Á. Ảnh: Công Hải.

Sản xuất miến dong tại Hợp tác xã Nông sản Tân Việt Á. Ảnh: Công Hải.

Ngay từ đầu năm, Sở chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo mối “liên kết - hợp tác” chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và nông dân, khắc phục điểm nghẽn của nền sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.

Định hướng cho chính quyền các địa phương triển khai hiệu quả “Đề án nông nghiệp thông minh”, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế, ưu tiên mở rộng diện tích trồng cây phục vụ chế biến có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Tập trung phát triển các loại cây trồng đặc sản, đặc hữu của địa phương, cải tạo diện tích già cỗi, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm…

Đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản qua địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của tỉnh như gỗ bóc, điều, ớt khô, thanh long, sắn khô…, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đặc biệt, một số mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh gồm gỗ bóc tăng 150%, thủy sản tăng 508%, các loại hoa quả đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Với sự vào cuộc của các ngành chức năng và sự chung tay, đồng lòng của người dân, các doanh nghiệp, HTX, tin tưởng rằng trong thời gian tới, những sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Cao bằng sẽ dần khẳng định được thương hiệu, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, ngày càng vươn xa rộng khắp các thị trường trong và ngoài nước, góp phần gỡ “nút thắt” về đầu ra cho sản phẩm nông sản của tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Truân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Felix đưa nông sản Ninh Thuận lên sàn thương mại điện tử

Ninh Thuận Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận và Công ty CP Giải pháp Công nghệ Felix ký kết ghi nhớ hợp tác hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử B2B.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.