Các ngư dân cho biết, nhờ cách trang trí lưới mà có phiên đánh được 4,5 tấn mực ống, thu về hơn 500 triệu đồng.
Bí mật sắc màu
Một sợi dây thừng được bện bằng 2 màu vàng và xanh được các ngư dân rút xuống tàu cá. Ở một tàu khác, có ngư dân còn phối cả 3 màu cho một sợi dây để buộc vào phần miệng lưới. Bên cạnh đó là vô số các tua lưới có màu sặc sỡ được quấn vào trục. Hình ảnh này khiến tôi không khỏi ngạc nhiên, vì lần đầu tiên nhìn thấy. Ngư dân tên Trung kéo tôi ra và nói nhỏ “bí quyết mới, năm mới làm ăn có tài là nhờ cách làm này, làm hết cả giàn lưới, lẫn trục tời là khoảng 500 triệu”.
Ở Quảng Ngãi, các ngư dân truyền miệng nhau về việc làng chài bể nợ là xã Nghĩa An đang áp dụng cách đánh bắt mới, nhờ đó mà có tiền chia cho ngư dân đi bạn và bắt đầu tính tới việc thanh toán nợ nần cho ngân hàng. Cách làm đó là gì?
Tôi đi xuống làng chài này và vẫn thấy đập vào mắt khung cảnh tiêu điều - vài chiếc tàu tróc sơn, lột cả số tàu nằm dọc theo làng chài; ở một góc khác là vài chiếc tàu được xích chặt cửa, báo hiệu con tàu đã yên nghỉ từ lâu.
Hóa ra, cái bí quyết để cứu những chiếc tàu làm nghề giã cào cao tốc của làng chài này, đó chính là cách phối màu vào lưới. Nhưng các ngư dân không mang tàu về quê để gia công lại giàn lưới, chèn màu sắc vào các đoạn lưới đánh cá, mà làm việc này tại một địa phương, trong đó phần nhiều lại tại âu tàu Thọ Quang của TP Đà Nẵng. Vào những tháng cuối năm 2020, việc phối màu vào lưới diễn ra khẩn trương. Các ngư dân phải kéo toàn bộ phần dây nằm dưới lưới ra để thay đổi bằng dây màu. Hình ảnh này khiến ai cũng không khỏi tò mò, vì từ trước đến nay, ngư dân đánh cá bằng lưới cước màu trắng, lưới nilon màu xanh, sau này có thêm màu đỏ tươi.
Nếu đi ngược thời gian, nghiên cứu về phối màu vào lưới để đánh bắt cá thì không phải là chuyện mới. Những cụ già ở các làng biển miền Trung kể lại, cách đây gần 100 năm về trước, người dân làng chài ra biển đánh bắt cá bằng lưới gai. Đây là lưới được dệt từ vỏ cây gai, se sợi, bện thành lưới. Nhưng lưới gai có màu trắng bạc, lẫn màu đen xạm, nên khi đánh bắt cá biển ít đạt hiệu quả. Thời đó chưa có màu công nghiệp, nên người dân đã mua huyết bò khô về nấu chung với lưới, cộng với dầu bóng để tạo ra loại lưới có màu đỏ sậm; ngư dân ở Đà Nẵng thì lấy nhựa quả dủ dẻ, trộn với nhựa thông để tẩm màu cho lưới.
Từ khoảng năm 1970 thì lưới cước bắt đầu được lưu hành rộng rãi, sau đó là lưới ni lông có màu xanh. Nhưng theo các ngư dân làm nghề giã cào ở xã Nghĩa An, loại lưới được phối màu hiện nay được chèn các loại màu rất nổi, khi xuống nước biển sẽ tạo ra màu phản quang, vì vậy thu hút được mực và tạo ra những mẻ lưới căng tròn so với trước đây.
Thần tài vào lưới?
Giữa tháng 8/2019, báo chí đồng loạt đưa tin về tình cảnh thê thảm của làng chài tỷ phú là xã Nghĩa An. Chính quyền Quảng Ngãi ước tính, có khoảng 1.000 ngư dân lâm cảnh nợ nần, không có khả năng chi trả; dư nợ các ngân hàng thương mại của ngư dân là khoảng 800 tỷ đồng; toàn xã có 4.700 hộ dân, chiếm khoảng 95% người dân làm nghề biển. Những năm trước đây, cứ vào dịp cuối năm thì các ngư dân lại nói về những con số tiền tỷ.
Còn nhớ, một ngư dân tên Bình, 32 tuổi, nói với giọng tư lự “năm nay dư có 1,2 tỷ, mấy chiếc kia thì chủ tàu dư vài tỷ”. Còn giờ đây thì ngư dân chỉ nói chuyện nợ. Trong suốt 2 năm qua, ngư dân ở Nghĩa An thường hỏi nhau “con đường nào để thoát nợ?”. Có ngư dân dừng hoạt động của cặp tàu giã cào, chỉ sử dụng 1 tàu để làm nghề kéo lưới giã chiếc để kiếm sống qua ngày. Nhưng đến thời điểm hiện nay, cách thức đánh bắt phối màu vào lưới đã mang lại những hiệu quả nhất định cho người dân làng chài.
Đi dọc các cầu cảng ở Cảng cá Thọ Quang, TP Đà Nẵng, khi hỏi các ngư dân làm nghề giã cào về thu nhập thì vấn đề này trở thành chuyện có vẻ nhạy cảm. Các chủ tàu cho câu trả lời chung chung “chỉ kiếm đủ ăn, kiếm sống qua ngày…”. Nhưng các ngư dân đi bạn thì có câu trả lời rõ ràng hơn. Ngư dân Lê Văn Hùng, đi bạn trên một tàu làm nghề giã cào cao tốc cho biết “ông chủ tàu này vay nợ ngân hàng 3 tỷ, gần 1 năm đứng bánh trả nợ không nổi, còn hiện nay có cách làm mới nên năm 2020 bắt đầu có khả năng trả nợ, phần anh em đi bạn đã được chia phần 120 triệu đồng/người”.
Ngư dân Trần Văn Trọng giải thích hiệu quả của việc phối màu vào lưới. Đó là lưới giã cào khi xuống nước thì giống như một chiếc túi kéo là là sát đáy biển. Hai tàu kéo miệng lưới đi song song và nhờ có màu lấp lánh dưới nước nên mực chạy nhiều hơn, sau đó lọt vào miệng của lưới.
Nhưng để cho mực chạy, bên cạnh việc phối màu vào lưới, tạo ra ánh sáng ngời ngời khi lưới di chuyển dưới nước biển, các ngư dân còn xen kẽ thêm các đoạn tua giống như đuôi sóc trên các dây kéo, các chùm đuôi sóc này sẽ đánh động đàn mực đang ẩn trong rong rêu và bùn.
Cải hoán tàu cá
Ngư dân Nguyễn Thành chỉ vào các tàu cá Quảng Ngãi đang neo tại cảng cá Thọ Quang, đang làm lại trục quấn dây, như tàu QNg 92543 TS, 92540 TS, 97525 TS… Ngư dân này cho biết, tàu cá làm nghề giã cào có thể dễ dàng nhận dạng được từ xa ở các đặc điểm - có giàn kéo dây hình chữ A trước mũi tàu, trên boong tàu có trục quấn dây và ngư dân gọi là trục rơi. Nhưng hiện nay, khi ngư dân phối màu vào dây lưới thì trục rơi này phải được thiết kế lại, to hơn trước, nên thời gian thu dây lưới lâu hơn.
Anh Thành so sánh 2 chiếc tàu đứng gần nhau và cho biết, tàu bên kia thì toàn bộ dây, lưới đều có màu xanh, đen xám xịt; còn tàu phối màu vào giàn lưới thì sáng rõ hẳn lên; có tàu thậm chỉ còn thay đổi hẳn bộ dây kéo lưới thành màu xanh lá cây, có tàu sử dụng màu vàng tươi. Ngư dân này chia sẻ, phần lớn các tàu cá đều thiếu nợ ngân hàng, vì vậy các chủ tàu rất ngại khi nói về thu nhập. Nhưng nhìn chung là khoảng 70% tàu cá chèn màu sắc vào lưới làm ăn có lãi, địa bàn hoạt động của các tàu là dọc bờ biển các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định.
Vài hôm sau, tôi trở lại điểm neo đậu tàu cá và trong vai một ngư dân kiếm tàu để đi biển, các chủ tàu ánh mắt đăm chiêu, nhưng cũng đã có nụ cười khi nói về triển vọng đi bạn được chia phần 70, 80, 100 triệu. Tôi hiểu rằng, có thể, thần tài đã trở lại với làng chài từng lún trong nợ nần. Các chủ tàu cho biết, “nếu bạn trên tàu mà đồng thanh thì đi biển xuyên tết để sớm trả hết nợ ngân hàng. Có chủ tàu dự tính “nếu hết nợ, xét cần thì chia tay nghề đánh lưới giã cào để chuyển sang nghề đánh bắt bền vững hơn trước”.