| Hotline: 0983.970.780

Cầu nối thông tin thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT

Thứ Sáu 28/10/2022 , 16:59 (GMT+7)

Trong 5 năm hoạt động, Nhóm Nòng cốt đã có những đóng góp cho việc xây dựng kế hoạch hành động về truyền thông và công bố thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT.

Các đại biểu tại Hội thảo tổng kết 5 năm hoạt động của Nhóm Nòng cốt đa bên thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các đại biểu tại Hội thảo tổng kết 5 năm hoạt động của Nhóm Nòng cốt đa bên thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cầu nối thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT

Ngày 27/10, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo tổng kết 5 năm hoạt động của Nhóm Nòng cốt đa bên thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).

Tham gia hội thảo gồm có hơn 60 đại biểu là đại diện của các cơ quan gồm Tổng cục Lâm nghiệp, các tổ chức thành viên của Nhóm Nòng cốt, Tổ chuyên gia kỹ thuật chung (JEM) và Phái đoàn Liên minh châu Âu.

Trong 5 năm hoạt động, Nhóm Nòng cốt đã tổ chức 11 phiên họp và có những đóng góp cho việc xây dựng kế hoạch hành động truyền thông và công bố thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT; khung giám sát và đánh giá việc thực hiện VPA/FLEGT; văn bản quy phạm pháp luật và tuyên truyền, nâng cao năng lực...

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, trong thời gian tới, Nhóm Nòng cốt cần tập trung vào các lĩnh vực hoạt động. Đầu tiên là tăng cường tổ chức. Thứ hai là xác định các vấn đề, nội dung và chủ đề để thực hiện Hiệp định. Thứ ba là tham vấn và phản biện và cuối cùng là tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về quá trình thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Phạm Văn Điển phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Phạm Văn Điển phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

5 năm qua, một số tổ chức là thành viên của Nhóm Nòng cốt cũng cùng phối hợp xây dựng Bản tin Chính sách có nội dung chính là Hệ thống Phân loại doanh nghiệp của Việt Nam (ECS). Đây là bước tiến quan trọng trong tiến trình thiết lập hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS). Hệ thống này sẽ góp phần tăng giá trị thương mại, mở rộng thị phần và thị trường cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, đồng thời giảm tải việc xác minh và kiểm tra của các cơ quan chức năng trong tương lai sau khi hệ thống cấp phép FLEGT đi vào vận hành.

Ông Cao Chí Công, Đồng Chủ tịch Nhóm Nòng cốt nhận định, Bản tin Chính sách mà Nhóm Nòng cốt đã xây dựng và công bố đã cho thấy những bất cập và rủi ro tiềm ẩn trong việc thực hiện các quy định về hợp đồng lao động, bảo hiểm người lao động và an toàn lao động trong các doanh nghiệp gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ trong bối cảnh thực hiện VPA/FLEGT.

Còn theo bà Anja Barth, Cố vấn trưởng GIZ Việt Nam, sau quá trình đàm phán, đến nay Hiệp định đã chuyển sang giai đoạn thực hiện. Trọng tâm trong phối hợp giữa các đối tác đã chuyển sang đảm bảo tính nhất quán giữa khung pháp luật của Việt Nam với những điều khoản hai bên đã thống nhất trong Hiệp định cũng như tiến hành các biện pháp tăng cường năng lực và hỗ trợ sự tham gia tích cực của nhiều bên liên quan vào tiến trình.

Trong 5 năm hoạt động, Nhóm Nòng cốt đã tổ chức 11 phiên họp và có những đóng góp cho việc xây dựng kế hoạch hành động về truyền thông và công bố thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong 5 năm hoạt động, Nhóm Nòng cốt đã tổ chức 11 phiên họp và có những đóng góp cho việc xây dựng kế hoạch hành động về truyền thông và công bố thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT. Ảnh: Phạm Hiếu.

"Nhóm Nòng cốt đóng vai trò hết sức quan trọng đối với thành công của tiến trình thực hiện Hiệp định. Tôi tin rằng cả hai bên ký kết Hiệp định đều công nhận và thể hiện sự trân trọng đối với sự đóng góp và tham gia tích cực của Nhóm", bà Anja Barth nhấn mạnh.

Hội thảo tổng kết 5 năm hoạt động cũng tạo cơ hội để các bên cùng góp ý và xây dựng ý tưởng cho các hoạt động chung của Nhóm trong thời gian tới. Phiên thảo luận các nội dung kỹ thuật liên quan tới quá trình thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các thành viên nhằm xác định những hoạt động cần ưu tiên trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để các bên tham gia tìm hiểu những thực tiễn hiệu quả tại Việt Nam trong thực hiện Hiệp định và những đóng góp tích cực của Nhóm Nòng cốt vào tiến trình này cho đến nay.

Tại hội thảo, còn có Triển lãm trưng bày những ấn phẩm nêu bật những thông điệp và thực tiễn hiệu quả trong thực hiện VPA/FLEGT; đồng thời giới thiệu, quảng bá về hoạt động, thành quả và cam kết của các thành viên Nhóm Nòng cốt và doanh nghiệp trong “hợp tác đảm bảo gỗ hợp pháp” – khẩu hiệu của sự kiện này. Triển lãm cũng tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ, và thảo luận về những cơ hội hợp tác giữa các tổ chức trong tương lai.

Giải quyết các thách thức của ngành gỗ Việt Nam

Tháng 10/2018, Việt Nam và EU ký Hiệp định VPA/FLEGT. Mục tiêu của VPA/FLEGT là cải thiện quản trị rừng và khung pháp lý quy định các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam nói chung và dành cho xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu.

Nhằm đảm bảo thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT hiệu quả và thành công, Nhóm Nòng cốt đa bên về VPA/FLEGT đã được thành lập với mục đích cung cấp diễn đàn để các bên liên quan phối hợp và tham gia triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT.

Tính đến nay, Nhóm Nòng cốt đa bên về VPA/FLEGT đã có sự tham gia tích cực và hiệu quả của hơn 40 thành viên đại diện cho 6 nhóm tổ chức khác nhau, bao gồm khu vực tư nhân, các hiệp hội ngành gỗ, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, đối tác phát triển quốc tế hỗ trợ các dự án Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) và các cơ quan xác minh.

Cả nước hiện có gần 14.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc và các sản phẩm khác từ gỗ với quy mô khác nhau. Ảnh: TL.

Cả nước hiện có gần 14.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc và các sản phẩm khác từ gỗ với quy mô khác nhau. Ảnh: TL.

Gỗ và sản phẩm từ gỗ là các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này ngày càng gia tăng trong suốt thập kỷ qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng từ 3,4 tỷ USD trong năm 2010 lên đến 14,5 tỷ USD trong năm 2021, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới.

EU là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ năm của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt trên 1,03 tỷ USD, chiếm 9,2% thị phần xuất khẩu.

Cả nước hiện có gần 14.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc và các sản phẩm khác từ gỗ với quy mô khác nhau, tạo ra hơn 500.000 việc làm dài hạn cho người lao động. Kết quả này góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững.

Mặt khác, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức toàn cầu liên quan đến nạn khai thác và buôn bán gỗ trái phép. Vì vậy, cần có giải pháp quyết liệt và toàn diện để đảm bảo ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng bền vững và hợp pháp, đồng thời thúc đẩy quản trị rừng tốt.

Sau 6 năm đàm phán, Hiệp định VPA/FLEGT đã có hiệu lực kể từ tháng 6/2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 102 vào tháng 9/2020 nhằm quy định những nội dung chính của hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam.

Khi hệ thống cấp phép FLEGT đi vào vận hành, Việt Nam sẽ chỉ xuất khẩu sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT hoặc giấy phép CITES vào thị trường EU. Phía EU cũng sẽ chỉ cho phép gỗ Việt Nam vào EU nếu gỗ đó có giấy phép FLEGT hoặc giấy phép CITES có hiệu lực.

Xem thêm
Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.