| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới - động lực phát triển vùng biên

Cầu thông, đường thoáng giúp biên giới Tây Ninh phát triển

Thứ Năm 06/07/2023 , 14:05 (GMT+7)

Từ chương trình NTM, những cây cầu, con đường hình thành, người dân thoát cảnh qua 'sông phải phải lụy đò', kinh tế vùng biên Tây Ninh phát triển.

Thoát cảnh "qua sông phải lụy đò”

Dòng sông Vàm Cỏ Đông chảy qua chia thị xã Trảng Bàng thành hai cánh Đông và Tây, trong đó cánh Tây của thị xã là khu vực biên giới gồm Phước Chỉ và Phước Bình. Đây là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế để phát triển thương mại - dịch vụ, kinh tế cửa khẩu.

Khác với hình ảnh một thị xã trẻ đầy sôi động, nhiều năm qua, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông và thường chịu thiệt bởi “sông ngăn, cách chợ”. Thế nhưng, từ khi bắt tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, khi các cầu bắc qua sông Vàm Cỏ được hình thành, đã gỡ “nút thắt” lưu thông, giúp vùng quê nơi đây ngày càng khởi sắc.

Người dân các xã cánh Tây với thị xã Trảng Bàng thoát cảnh 'sông ngăn, cách chợ' khi cầu An Phước chính thức được thông xe. Ảnh: Lê Bình.

Người dân các xã cánh Tây với thị xã Trảng Bàng thoát cảnh “sông ngăn, cách chợ” khi cầu An Phước chính thức được thông xe. Ảnh: Lê Bình.

Những chiếc phà ngang trên sông Vàm Cỏ Đông nối liền các xã cánh Tây với thị xã Trảng Bàng hiện chỉ còn trong ký ức của người dân Tây Ninh. Đơn cử, được khởi công vào tháng 7/2019, với tổng vốn đầu tư hơn 399 tỷ đồng, cầu An Phước chính thức được thông xe sau 2 năm khẩn trương thi công.

Đây là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Vàm Cỏ Đông. Cầu và đường dẫn vào cầu có tổng chiều dài hơn 6,2km. Cầu An Phước giúp khoảng cách được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa. Ngoài việc tạo động lực phát triển kinh tế cho xã Phước Chỉ và xã Phước Bình, cầu An Hòa còn có ý nghĩa bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới.

Ông Sáu bên cánh đồng khóm rộng hàng chục ha của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Sáu bên cánh đồng khóm rộng hàng chục ha của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Là nông dân xuất sắc của Việt Nam năm 2021 và gần như gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất thị xã Trảng Bàng, hơn ai hết, ông Nguyễn Văn Sáu hiểu được nỗi khó khăn vất vả của bà con nơi đây. Tiếp chúng tôi bên cánh đồng khóm rộng hàng trăm ha tại xã biên giới Phước Bình, ông Sáu cho biết, đất khu vực cánh Tây thị xã rất trũng thấp, hầu hết nông dân nơi đây đều trồng lúa, đời sống vật chất lẫn tinh thần người dân không cao. Dù đã chuyển sang canh tác khóm với thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Sáu vẫn bị ám ảnh chuyện khó khăn khi vượt sông để thu hoạch nông sản mỗi khi vào vụ.

“Do vận chuyển khó khăn, bình quân mỗi ha sản xuất nông nghiệp nơi đây cao hơn 10 - 15 triệu đồng/ha, trong khi đó giá bán nông sản thấp hơn nhiều so với các huyện, thị khác. Nếu đi bằng phà ngang thì tốn nhân lực vận chuyển nông sản lên, xuống, đi bằng đường bộ thì phải đi đường vòng rất xa”, ông Sáu chia sẻ.

Đây cũng là lý do dễ hiểu khi cầu An Hòa được thông xe, đôi bờ sông Vàm Cỏ Đông được nối liền là niềm vui không chỉ của riêng ông Sáu, mà còn của rất nhiều bà con ở 2 xã Phước Chỉ và Phước Bình.

Người dân các xã biên giới cánh Tây thị xã Trảng Bàng thoát cảnh 'qua sông phải lụy đò'. Ảnh: Trần Trung.

Người dân các xã biên giới cánh Tây thị xã Trảng Bàng thoát cảnh "qua sông phải lụy đò". Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phước Bình cho biết thêm, phà Lái Mai đã nhiều năm đưa người, phương tiện qua lại hai bờ sông Vàm Cỏ. Nay, khi cầu An Hòa được thông xe, phà Lái Mai chính thức chấm dứt “sứ mệnh lịch sử” của mình và trở thành ký ức của người dân 2 xã Phước Chỉ và Phước Bình. 

“Từ gần 10 năm trở lại đây, chương trình phát triển nông thôn mới đã tạo điều kiện đổi thay bộ mặt nông thôn rất nhiều. Điểm nhấn là cây cầu An Hòa sẽ giúp cho người dân đi lại thuận tiện. Hai xã cánh Tây của Trảng Bàng sẽ có cơ hội nhiều hơn để phát triển, trách nhiệm của địa phương là tập trung cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, xứng đáng với sự đầu tư của tỉnh, góp phần cùngthị xã Trảng Bàng vững bước tiến lên thành phố Trảng Bàng trong tương lai”, ông Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Lưỡng dụng đường vành đai biên giới

Cùng với những cây cầu, hệ thống giao thông được Tây Ninh quan tâm đầu tư đồng bộ, với sự tham gia của Bộ Quốc phòng, hiện hầu hết các tuyến đường vành đai biên giới được cứng hóa. Điều này vừa phục vụ công tác giữ gìn an ninh trật tự nội ngoại biên, vừa giúp cư dân biên giới phát triển kinh tế.

Người dân xã biên giới Phước Chỉ phơi nông sản trên tuyến đường vành đai biên giới. Ảnh: Lê Bình.

Người dân xã biên giới Phước Chỉ phơi nông sản trên tuyến đường vành đai biên giới. Ảnh: Lê Bình.

Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020, quân khu 7 được giao phối hợp cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện 130km đường tuần tra biên giới tỉnh Tây Ninh đi qua các huyện Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng. Đến nay, tiến độ thi công hoàn thành 100% tổng khối lượng các hạng mục.

Tuyến đường vành đai dọc biên giới như dải lụa mềm uốn lượn qua những cây cầu, những vùng đất khô cằn, vùng sâu heo hút, sình lầy. Hiện biên cương hôm nay không còn xa xôi, cách trở khi điện đã thắp sáng trên những mái ấm, khi đường giao thông về đến tận xã, ấp để tương lai không xa nơi đây sẽ là các xã, thị trấn phát triển đẹp giàu của biên giới Tây Nam.

Đường sá thông thoáng, bà con đưa cơ giới hóa vào tận đồng ruộng để tăng gia sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Đường sá thông thoáng, bà con đưa cơ giới hóa vào tận đồng ruộng để tăng gia sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Đưa chúng tôi đi trên con đường tuần tra trải bê tông rộng 6m thuộc Đồn biên phòng Phước Chỉ quản lý, Trung tá Nguyễn Văn Hậu - Chính trị viên phó Đồn biên phòng Phước Chỉ chia sẻ: “Đồn quản lý 14,3km đường biên. Trước đây, việc đi tuần tra rất khó khăn, vất vả, nhất là khi vào mùa mưa, nay rất thuận tiện, việc cơ động tuần tra, kiểm soát của anh em cũng nhanh chóng và thuận lợi hơn”.

Ông Lê Văn Tiền ngụ ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ phấn khởi cho biết thêm, gia đình ông sở hữu hơn 1ha lúa cạnh đường tuần tra. Trước đây, khi vào vụ thu hoạch, việc vận chuyển nông sản rất khó khăn, con cái đến trường cũng vất vả, nay có đường rộng thênh thang, người dân nơi đây không ngừng tăng gia sản xuất. “Đặc biệt, đường thông, hè thoáng, lực lượng biên phòng ở đây đi tuần liên tục, hầu hết người dân nơi đây tối ngủ chẳng cần đóng cửa”, ông Lê Văn Tiền phấn khởi.

Phóng viên Báo NNVN ghi nhận phong trào xây dựng NTM trên tuyến biên giới Tây Nam. Ảnh: Lê Bình.

Phóng viên Báo NNVN ghi nhận phong trào xây dựng NTM trên tuyến biên giới Tây Nam. Ảnh: Lê Bình.

Đi dọc theo tuyến đường tuần tra, sức sống vùng biên đang hiện rõ trên những cánh đồng lúa vàng trĩu bông, những ruộng mía, rừng cao su bạt ngàn, đâu đâu cũng tràn ngập sắc xanh của cây trái, những cánh mai rừng chớm nở khoe sắc. Một diện mạo mới, một sức sống mới đang hiện hữu trên vùng biên cương của Tổ quốc.

Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: Đường tuần tra biên giới kết hợp với mạng lưới giao thông của các địa phương, nhất là các đoạn qua cửa khẩu, khu đông dân cư góp phần đẩy mạnh việc giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân... Đường tuần tra biên giới là con đường góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên; là con đường hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia láng giềng. Các tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đề ra.

“Việc xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã góp phần to lớn trong việc bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Đường tuần tra biên giới tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn ở khu vực biên giới, rút ngắn thời gian đi lại giữa các khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện đưa dân ra biên giới hình thành các khu dân cư mới, tạo thế trận vững chắc về quốc phòng - an ninh vùng biên giới, giúp địa phương hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.