Ban chủ tọa giải đáp những thắc mắc của người dân |
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, cam, bưởi, quýt nằm trong top 15 loại cây trồng có diện tích lớn nhất (trên 10 nghìn ha) và cho sản lượng lớn nhất (trên 100 nghìn tấn/năm).
Đối với vùng trung du, miền núi phía Bắc, diện tích cam, quýt, bưởi có khoảng 43,5 nghìn ha, chiếm 23,5% diện tích cây ăn quả toàn vùng (184,4 nghìn ha), chiếm 60% diện tích cam, quýt, bưởi phía Bắc (72,6 nghìn ha) và bằng 27,6 diện tích cam quýt, bưởi cả nước (157,4 nghìn ha).
Tại Yên Bái, đã hình thành nên một số vùng trọng điểm, những trang trại với trên 8.000ha cây ăn quả, sản lượng đạt 30.941,83 tấn. Riêng cây ăn quả có múi là 2.846,41ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, trong đó có những giống có chất lượng ngon nổi tiến như bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên, cam đường Canh Văn Chấn…
Mục tiêu đến 2020, toàn tỉnh hình thành vùng trồng cây ăn quả có múi trên 4.000ha. Trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hỗ trợ trồng mới, cải tạo 2.300ha cam, quýt, bưởi tại các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình... Đầu tư thâm canh, để nâng cao năng suất cây ăn quả có múi từ 45 tạ/ha hiện nay, lên trên 60 tạ/ha vào năm 2020. Đưa tổng giá trị sản phẩm cây ăn quả các loại đạt trên 300 tỷ đồng/năm.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Ngọc Lin, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả) cho biết, cây có múi yêu cầu tương đối khắt khe về đất trồng, đất phải có tầng canh tác sâu trên 70cm, đất thoáng nước tốt, mực nước ngầm sâu, pH thích hợp từ 5,5 - 6,5; đất có độ mùn cao, kết cấu tốt…
Trong SX hiện nay có rất nhiều loại giống cây có múi được nghiên cứu tuyển chọn trong tập đoàn quỹ gen bằng phương pháp lai hữu tính, bằng xử lý đột biến và nhập nội. Tùy theo điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác, khả năng tiêu thụ sản phẩm mà lựa chọn giống cây trồng phù hợp. Đối với giống mới cần tuân thủ quy trình khảo nghiệm tính thích ứng trước khi mở rộng diện tích.
“Việc sử dụng bộ giống chín sớm như cam March, cam CS1; cam chín chính vụ như cam Xã Đoài, cam sành; cam chín muộn V2 sẽ góp phần giảm áp lực cho vấn đề tiêu thụ sản phẩm và lao động”, ông Lin cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó trưởng Bộ môn Bệnh cây (Viện Bảo vệ thực vật), cây ăn quả có múi được trồng rộng khắp hầu hết các tỉnh trong cả nước, tuy nhiên SX cây ăn quả có múi không ổn định do sự gây hại của nhiều chủng loại sâu bệnh đặc biệt là bệnh Greening, các bệnh virus và các bệnh hại trong đất gây ra.
Bà Ngọc khuyến cáo, để duy trì và phát triển nền SX cây ăn quả có múi trong bối cảnh nhiều loại sâu bệnh hại đang lan rộng thì chiến lược sử dụng cây giống sạch bệnh, áp dụng các biện pháp thâm canh và quản lý tổng hợp sâu bệnh hại để chống tái nhiễm bệnh trên đồng ruộng cần được tuyên truyền rộng rãi và áp dụng ở các vùng cây có múi trên cả nước.
Đoàn đại biểu tham quan mô hình trồng bưởi nhà ông Nguyễn Văn Định |
Trước đó, đoàn đại biểu đã đi tham quan mô hình trồng bưởi của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đông và ông Nguyễn Văn Định, cùng ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái. Ông Nguyễn Văn Đông cho hay, gia đình ông có hơn 2ha bưởi với trên 400 cây, trung bình mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Cây bưởi rất dễ trồng và quả khi cắt khỏi cây cũng để được lâu mà chất lượng không bị giảm. |
Chia sẻ về kinh nghiệm SX cam theo hướng an toàn, ông Trịnh Văn Hưng (thôn 6, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, Yên Bái) cho hay: Để SX sản phẩm cam an toàn, chất lượng việc cần làm trước tiên là phải lựa chọn giống cam có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm SX ra an toàn; thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, cách phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản; lập hồ sơ, ghi chép lại những căn cứ để chứng minh sản phẩm của mình là an toàn.
“Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc cam theo quy trình VietGAP nên cam nhà tôi được nhiều người biết đến. Năm 2016, với 3ha cam, gia đình thu được khoảng 600 triệu đồng”, ông Hưng vui mừng.
Tại diễn đàn, Ban chủ tọa cùng với các chuyên gia tư vấn đã giải đáp những thắc mắc của người dân về các vấn đề như: Chính sách trong việc chuyển đổi cây có múi, giống cây mới, phương pháp nhân giống, các loại sâu bệnh hại cây…
“Đối với những cây bị già cỗi, chết, chúng tôi muốn chặt bỏ thay thế cây mới thì có được hỗ trợ không?”, chị Nguyễn Thị Châm (thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Yên Bái) có hỏi.
Ông Trần Đức Lâm, PGĐ Sở NN-PTNT Yên Bái giải đáp: “Chúng tôi sẽ tập hợp lại những ý kiến của người dân để đề xuất lên tỉnh. Khi nào tỉnh đồng ý hỗ trợ cho những trường hợp như gia đình chị thì chúng tôi sẽ triển khai. Còn những trường hợp trồng mới theo quy hoạch cây ăn quả có múi thì mỗi 1ha sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng…”.
Bác Đặng Đình Tài (xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái) có hỏi: “Cam sen đến thời kỳ thu hoạch thì bị rụng quả hàng loạt. Biểu hiện trên quả bị thâm cứng lại, một phần lá bị rụng. Hiện tượng này năm nay gia đình tôi mới gặp. Cho tôi hỏi đây là bệnh gì, nguyên nhân và cách khắc phục?”. “Đây chính là bệnh do nấm phytophthora gây ra, để khắc phục bệnh này nên làm sạch vườn, tiêu thoát hết nước đọng trong đồng ruộng, vứt bỏ những quả đang có biểu hiện thối, thâm và phun trừ một số loại thuốc đặc trị bệnh này”, Ban cố vấn giải đáp. “Có mấy phương pháp nhân giống ở cây có múi?”, anh Nguyễn Văn Chi (Tuyên Quang) hỏi. “Hiện có 3 phương pháp nhân giống như chiết, ghép, giâm cành. Trong đó, phương pháp sử dụng tốt nhất là ghép, vì tận dụng được ưu thế của gốc ghép nên cây sẽ sinh trưởng tốt”, chuyên gia tư vấn. |
Ông Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sự phát triển cây ăn quả có múi tiềm ẩn nhiều rủi ro, tính bền vững chưa cao, SX nhỏ nhẻ, manh mún. Cần triển khai đồng bộ về quy hoạch, rà soát quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng SX tập trung; liên kết SX, tiêu thụ; kỹ thuật và công nghệ; phát triển công nghiệp chế biến; mở rộng thị trường tiêu thụ... |