| Hotline: 0983.970.780

'Cay đắng, cùng cực' đè nặng hơn 3.000 công nhân thủy nông Hà Nội

Thứ Hai 22/01/2018 , 09:10 (GMT+7)

Kịch bản bị “treo lương” 4 – 5 tháng lại tiếp tục lặp lại với công nhân thủy nông Hà Nội. Thảm cảnh chạy ăn từng bữa của hàng ngàn người khiến dư luận dậy sóng những ngày qua. Những bức tâm thư “đẫm nước mắt”...

Những bức tâm thư “đẫm nước mắt” gửi đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; những bữa cơm 5.000 đồng và hàng trăm bài báo vẫn không thể mang đến tín hiệu mừng cho hơn 3.000 lao động.
 

Chúng tôi kiệt quệ rồi!

Cuối tuần, mùi xác động vật chết đọng ở bể hút trạm bơm An Mỹ (Xí nghiệp Đầu tư phát triển (ĐTPT) Thủy lợi Mỹ Đức, thuộc Cty TNHH MTV ĐTPT Thủy lợi Sông Đáy) khắm nồng nặc. Khắm đến mức khiến chúng tôi nôn ọe dù đứng cách đó cả chục mét.

14-19-08_2
14-19-08_4
Công nhân thủy nông Cụm Thủy nông An Mỹ đang vớt xác lợn chết tại bể hút trạm bơm

Dưới nước, 3 con lợn chết lúc nhúc ròi bọ đang phân hủy. Trên cạn, một đống rác rưởi, xác gà, xác vịt thối um mới được vớt lên bờ, nước còn chảy tong tỏng. 5 công nhân mặc áo xanh, cầm cào ba răng hì hụi vật lộn với những thứ cặn bã bẩn thỉu và ô nhiễm nhất trần đời. Không làm không được, bởi đây là thời kỳ cao điểm lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nếu rác không được vớt, bể hút bị tắc, máy bơm tê liệt, hàng ngàn hecta đất sẽ chết khát, hàng vạn nông dân sẽ khốn khó. Mỗi vụ đông xuân, cơ hội lấy nước chống hạn từ các hồ chứa thủy điện phía Bắc xả tăng cường chỉ đến khoảng 18 - 20 ngày (chia làm 3 đợt). Thế nên, máy phải hoạt động hết công suất 24/24, anh em chia ca, phân kíp để túc trực đêm ngày.

Vất vả, độc hại là thế, nhưng hai năm trôi qua, họ không được cấp một cái quần, áo mới; chẳng dám mơ công ty phát một cái găng tay hay đôi ủng. Mọi chế độ phúc lợi, bảo hộ lao động theo Luật Lao động gần như bị "tước" hết. Lương hàng tháng còn bị cắt, bị treo, bị trả chậm thì những ước muốn xa xỉ kia có nghĩa lý gì.

Ông Nguyễn Đức Bằng, tổ trưởng Tổ Công đoàn trạm thủy nông An Mỹ, buồn rầu: Cụm Thủy nông An Mỹ có 54 người, quản lý 20 trạm bơm lớn nhỏ, đảm bảo chống hạn chống úng cho 2.000 ha sản xuất nông nghiệp. Mặc dù luôn được đánh giá là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thế nhưng 11 tháng đầu năm 2016, chúng tôi chỉ nhận được 70% lương (tháng 12 công ty không hoặc chưa trả).

Gần như mọi thỏa ước lao động không được thực hiện. Dù thủy lợi là dịch vụ công ích, nhưng chúng tôi chẳng biết mình được trả lương theo chế độ chính sách gì. Năm 2017, trong 8 tháng đầu năm công nhân nhận được 80% lương, nhưng suốt 4 tháng qua không ai nhận được thêm một đồng, một cắc.

“Nhiều lúc, thằng lớn hỏi: ‘Sao bố không nghỉ việc đi. Làm bục mặt mà lương không có thì để làm gì?”. Nhưng người đã ngoài 40 tuổi như tôi thì biết làm gì để sống khi ruộng nương chẳng còn. Chúng tôi thật sự kiệt quệ, nhưng chỉ biết kêu lên rằng: “Anh "lương" đi vắng, anh "lương" đi xa quá”, anh Hào ngậm ngùi.

Được cùng nhau làm việc ở cụm thủy nông An Mỹ suốt hơn 20 năm qua là niềm tự hào của vợ chồng anh Trần Anh Hào (45 tuổi) và chị Nguyễn Thị Duyên. Nhưng giờ đây, niềm tự hào đã biến thành nỗi bức xúc dâng cao tột độ. Suốt 4 tháng nay, gia đình không có thu nhập. Để có tiền đóng học phí cho đứa con lớn đang học Đại học Thủy lợi và đứa nhỏ học lớp 11, hàng tháng anh phải vay lãi 5 triệu đồng với lãi suất 3%.
 

Gánh hàng trong đêm và bữa cơm 5.000 đồng

Chị Hoàng Thị Hằng (SN 1986 ở thôn Kênh Đào, xã An Mỹ) có đứa con trai 4 tuổi tên là Trần Mạnh Quân, từ đầu năm đến nay vẫn nợ học phí (3 triệu đồng). Cô giáo gọi điện bảo “nếu không có tiền đóng học thì thôi để năm sau học lại”. Chị Hằng ê mặt quá không dám gửi con đến trường nữa, nay gửi người này chăm, nay nhờ người kia giữ để đi cắt cỏ, vớt rác ở kênh mương.

Chị Bùi Thị Lĩnh (36 tuổi) ngồi bên cạnh nghe thấy thế cũng ứa lệ, giọng nghẹn ngào xen lẫn uất ức: “Hai năm nay tôi khổ tâm lắm. Tiền chưa về đến nhà đã hết. Con ốm, xin mẹ hộp sữa cũng chẳng có. Đi mua chịu nhiều quá rồi, hứa với người ta hết tháng có lương sẽ trả nhưng chờ mãi mà lương không về. Chẳng ai dám bán chịu cho mình nữa”.

14-19-08_1
Chị Bùi Thị Lĩnh (công nhân Cụm thủy nông An Mỹ) bật khóc khi kể về cuộc sống khốn khó hiện tại

Người đàn bà liên tục đưa tay quệt nước mắt, rồi chị tiếp lời: "Tết sắp đến rồi. Tôi đi đường thấy người ta sắm sửa quần áo cho con mà cảm thấy xấu hổ, chẳng dám vác mặt ra chợ. Tôi cũng tính nước nghỉ việc để xin làm may, nhưng cũng chẳng ai nhận”.

Hoàn cảnh khó khăn nhất ở Cụm thủy nông An Mỹ là chị Nguyễn Thị Giang (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức). Chồng mất sớm, đứa con út chưa đầy 2 tuổi. 4 tháng nay chị làm việc vất vả ở trạm bơm nhưng công ty không trả lương. Ngày ngày chị phải dậy từ 3h sáng lấy hàng về làm đồ ăn chín; chiều tan ca ở công ty lại ra chợ bán hàng nhưng thu nhập cũng chỉ đủ cho 3 mẹ con rau cháo nuôi nhau. Cuốn sổ vay nợ đã lên tới 35 triệu đồng. Tiền học phí của con cũng chưa trả được.

“Cuộc sống khốn khó, tủi hổ đã khiến tôi muốn quỵ xuống. Tôi muốn khóc, nhưng nước mắt đã cạn rồi”, chị Giang thều thào trong lúc đứa con nhỏ khóc ngặt khóc nghẽo.

Hôm chúng tôi đến, bữa cơm trưa của 6 công nhân (trong một ca trực) trạm bơm An Mỹ là 5 bìa đậu phụ rán, một tô nước sốt cà chua và hai cây rau xà lách. Tổng chi phí chưa đến 30.000 đồng. Tôi hỏi sao phải ăn kham khổ như thế? Anh Nguyễn Tiến Vui bảo rằng: “Như thế cũng là may rồi!”.

14-19-08_5
Bữa cơm 5.000 đồng/suất của công nhân thủy nông Hà Nội
Cả một hệ thống thủy nông Hà Nội đồ sộ và hiện đại, được xây đắp bằng mồ hôi, công sức của nhiều thế hệ đang đứng trước nguy cơ tan dã. Nhiều công nhân dù đã phấn đấu cho sự nghiệp thủy lợi nửa đời người đã ngậm ngùi nghỉ việc. Ai, điều gì đã đẩy họ vào thế cùng lực kiệt như vậy?

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.