| Hotline: 0983.970.780

Cây hàng hóa chiếm ưu thế

Thứ Tư 06/11/2013 , 10:03 (GMT+7)

Vụ đông 2013 toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng gần 18.000 ha, đến thời điểm này đã đạt trên 80% kế hoạch.

Vụ đông 2013, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung SX cây trồng chủ lực là ngô, đậu tương, khoai lang… Xây dựng một số mô hình SX hàng hóa như bí đỏ, su su, dưa chuột, thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao.

Vụ đông 2013 toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng gần 18.000 ha, đến thời điểm này đã đạt trên 80% kế hoạch. Bà Thiều Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc) cho biết, ngay từ đầu vụ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ nông dân SX. Với những cây trồng chủ lực như ngô, đậu tương hỗ trợ 900 nghìn đ/ha, tương đương 32,4 nghìn đ/sào. Quy mô hỗ trợ gồm 12.000 ha ngô và 4.000 ha đậu tương với tổng kinh phí trên 15 tỉ đồng.

Đến nay, gần như 100% diện tích trồng ngô được phủ kín, sinh trưởng, phát triển tốt. Đi khắp các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo đâu cũng thấy một màu xanh rì của cây ngô. Bà Trần Thị Tuyết, xã Đồng Ích (Lập Thạch) phấn khởi cho biết, vụ này nhà bà trồng 4 sào ngô, cây phát triển rất nhanh, ít bị sâu bệnh. Không chỉ hoàn thành, huyện Sông Lô còn gieo cấy vượt kế hoạch SX 15%. 1.200 ha ngô của huyện này đang xanh tốt bời bời.


Nông dân Tam Đảo chăm sóc su su

Tuy nhiên đầu vụ, do mưa lớn, kéo dài, nhiều diện tích lúa vụ mùa không giải phóng kịp khiến một số cây trồng chậm thời vụ. Điển hình như đậu tương, chậm nhất 5/10 phải trồng xong nhưng đất chưa kịp làm. Người dân đã phải chuyển đổi từ cây đậu tương sang trồng rau ăn lá.

Tương tự, theo thời vụ, cây đậu tương sẽ phải gieo trồng trước 20/10. Nhưng đến nay, nhiều diện tích người dân bỏ không vì đã chậm thời vụ. Tại TX Phúc Yên, diện tích trồng cây đậu tương gần như không thể triển khai. Hay như Tam Dương, Lập Thạch, diện tích gieo trồng đậu tương cũng chỉ đạt từ 5 - 10%.

Bên cạnh những cây trồng chủ lực, Vĩnh Phúc cũng tập trung đẩy mạnh các mô hình SX hàng hóa như bí đỏ, su su, dưa chuột và thanh long ruột đỏ. Tổng kinh phí hỗ trợ mô hình này là trên 8,2 tỉ đồng. Trong đó, cây bí đỏ được hỗ trợ 5,4 triệu đồng, bí xanh 6 triệu đồng, cà chua 7 triệu đồng, dưa các loại 6 triệu đồng, ớt 4 triệu đồng (ha/vụ)…

Riêng cây su su, người trồng được hỗ trợ phân bón vi sinh, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc với số tiền 8,5 triệu đồng/ha/năm. Quy mô SX cây hàng hóa lên tới cả ngàn ha. Tại Vĩnh Tường và Yên Lạc, nông dân tham gia trồng 500 ha bí đỏ,  Tam Đảo trồng 200 ha su su, Tam Dương 200 ha dưa chuột, Lập Thạch 100 ha thanh long ruột đỏ.

Về huyện Tam Dương dịp này, nhiều diện tích trồng dưa chuột đã cho thu hoạch. Anh Lê Văn Hồng, xã An Hòa cho biết, do thời tiết năm nay không thuận lợi, lợi nhuận từ cây dưa chuột chắc chắn không bằng năm ngoái. Mưa nhiều đã khiến cho cây bị tàn sớm, thời vụ cũng vì thế rút ngắn từ 5 - 7 ngày.

“Năm ngoái mỗi sào, nhà tôi phải thu được từ 2 - 3 tạ. Nhưng năm nay chắc không được, giỏi lắm 1 sào cũng chỉ trên dưới tạ rưỡi quả”, anh Hồng chia sẻ. Tính trung bình, mỗi sào, năng suất dưa chuột của mỗi hộ dân giảm xuống khoảng 1 tạ.

Trên cánh đồng thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn (Tam Đảo), diện tích su su trồng từ đầu tháng 10 đã bắt đầu lên giàn, xanh tốt. Chị Nguyễn Thị Minh vừa xới đất vừa cho biết, vụ này nhà chị trồng 5 sào su su, lấy giống từ Mộc Châu (Sơn La). Chị Minh bảo, cây su su trồng thì không khó nhưng đầu tư khá tốn kém.

“Giống chúng tôi phải mua 14 nghìn một cân, mỗi cân được 2 quả. Từ đầu vụ tới giờ, nào là bón phân gà, NPK, tưới đủ loại đạm lân nó mới tốt được như vậy đấy”, chị Minh tâm sự. Vụ năm ngoái, mỗi sào su su, gia đình chị thu về khoảng 4 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.

Anh Đặng Văn Tư (cùng thôn Làng Hà) cho biết, khoảng 4 năm về trước, su su đem lại cho người dân lợi nhuận khoảng 10 - 12 triệu đồng/sào. Nhưng nay giá cả bấp bênh, đầu tư tốn kém, mỗi vụ lãi được vài triệu đồng/sào. “Tuy vậy, so với trồng cây lúa hay rau màu khác, su su vẫn là cây trồng có giá. Chúng tôi trồng su su bao năm nay quen rồi, giá cả có lên xuống vẫn phải bám vào nó thôi”, anh Tư nói.

Anh Lâm Văn Quyền, chuyên viên Phòng NN-PTNT Tam Đảo cho biết, diện tích SX vụ đông toàn huyện cơ bản đã hoàn thành.

“Từ nay đến cuối vụ, Vĩnh Phúc sẽ cố gắng lấp đầy những diện tích không thể SX vì chậm thời vụ sang những loại cây trồng thích hợp. Đồng thời, Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị cấp huyện, xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời”, bà Thiều Thị Thu Hằng.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.