| Hotline: 0983.970.780

'Rừng quế, rừng vàng' ở ATK Định Hóa

Thứ Tư 25/05/2022 , 08:05 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Rừng chiến khu Định Hóa (Thái Nguyên) bây giờ ngát lừng hương quế bởi một đề án đột phá nhằm phát triển rừng, đồng thời nâng cao thu nhập cho đồng bào rẻo cao ATK.

LTS: Cây đa mục đích không chỉ có giá trị về môi trường rừng và lấy gỗ, mà còn có thể khai thác đa dạng sản phẩm như cành, lá, vỏ, quả, nhựa, tinh dầu.. Đây là hướng đi rất hiệu quả nhằm khai thác đa giá trị cho ngành lâm nghiệp và nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng hiện nay. 

"Kiến trúc sư" của chương trình trồng quế

Định Hóa là vùng an toàn khu (ATK), là vùng đất chiến khu, được coi là phên dậu “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Địa bàn huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, có tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng, song do việc quy hoạch chưa hợp lý, người dân chưa được hưởng lợi nhiều từ rừng nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Dự án trồng quế là biểu tượng của ý Đảng lòng dân tại vùng chiến khu ATK Định Hóa. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Dự án trồng quế là biểu tượng của ý Đảng lòng dân tại vùng chiến khu ATK Định Hóa. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Từ hàng chục năm trước, cây quế đã được người dân tại một số xã trên địa bàn huyện Định Hóa đưa vào trồng rải rác với diện tích khoảng 200ha. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên cây quế sinh trưởng, phát triển rất tốt và có hàm lượng tinh dầu cao. Chủ trương trồng quế ở Định Hóa đã được nhen nhóm từ cách đây cả thập kỷ, từ những năm 2010.

Ông Lương Văn Lành (nguyên Bí thư huyện ủy huyện Định Hóa) được coi là "kiến trúc sư" của chương trình đưa cây quế vào ATK (an toàn khu) Định Hóa. 

Trải qua cả một nhiệm kỳ, huyện đã cắt cử nhiều đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại vùng quế Yên Bái. Về địa phương, cùng với mời gọi doanh nghiệp, các phòng chức năng và cả đội ngũ chuyên gia lâm sinh đã cùng bắt tay trồng thử, cùng nhau đúc rút, khảo nghiệm, cẩn trọng dò từng bước với quan điểm "chậm nhưng chắc".

Cây quế theo đó từng bước bén rễ đất chiến khu. Quá trình sinh trưởng và phát triển, cây quế đặc biệt phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại đây. Các chuyên gia phân tích còn khẳng định, các chỉ số hàm lượng, số lượng tinh dầu ở từng thời điểm, từng giai đoạn phát triển của cây rất tốt, thậm chí còn cao hơn các vùng trồng khác ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Từ thực tế đánh giá sự phù hợp của cây quế với thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Định Hóa nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định đẩy mạnh phát triển cây quế và chế biến các sản phẩm từ quế với mục tiêu đưa cây quế trở thành cây lâm nghiệp chủ lực. Mỗi năm, huyện chỉ đạo thực hiện trồng trên 500 ha quế, phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện trồng được 10.000 ha quế, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2025, song song với đẩy mạnh thực hiện dự án trồng quế và chế biến các sản phẩm từ quế.

"Cánh rừng mẫu lớn" cây quế

UBND huyện Định Hóa đã xây dựng nhiều chính sách, dự án hỗ trợ phát triển cây quế trên địa bàn. Để khuyến khích người dân tham gia dự án, huyện đã trích ngân sách trên 10 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân tham gia chương trình.

Nếu như ở miền xuôi giai đoạn qua có chương trình "cánh đồng mầu lớn" thì huyện Định Hóa đã lồng ghép thực hiện Đề án "cánh rừng mẫu lớn", xây dựng dự án đầu tư và phát triển rừng huyện Định Hóa giai đoạn đến năm 2030, thực hiện việc hỗ trợ 50 thôn bản vùng đệm các khu rừng đặc dụng trên địa bàn phục vụ các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

'Cánh rừng mẫu lớn' cây quế là một chủ trương độc đáo, đột phá để thay đổi diện mạo sản xuất lâm nghiệp của vùng ATK Định Hóa. Ảnh: Toán Nguyễn.

"Cánh rừng mẫu lớn" cây quế là một chủ trương độc đáo, đột phá để thay đổi diện mạo sản xuất lâm nghiệp của vùng ATK Định Hóa. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đặc biệt, huyện Định Hóa đã phối hợp với Công ty TNHH Vũ Hoa (trụ sở tại Thị trấn Chợ Chu) hỗ trợ toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu (gồm cây giống, phân bón) và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế cho người dân. Công ty TNHH Vũ Hoa cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm quế của người dân sau khi thu hoạch để phục vụ nhà máy chế biến tinh dầu tại địa phương.

Ông Phạm Văn Vũ (Giám đốc Công ty TNHH Vũ Hoa) cho biết, Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm quế đến các nước thuộc khu vực Trung Đông, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... Để đáp ứng nhu cầu thu mua ngày càng lớn của khách hàng, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các hộ dân để triển khai xây dựng vùng quế nguyên liệu đạt các yêu cầu chất lượng của thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, Công ty có xưởng sản xuất, chế biến quế với công suất tối đa 50 tấn cành lá/ngày. Do diện tích quế trên địa bàn huyện Định Hóa hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nguyên liệu cho hoạt động nên Công ty hiện vẫn đang phải thu mua cành, lá, thân, vỏ quế từ các địa phương lân cận về huyện để chế biến. May mắn là các cơ quan chức năng của địa phương đã đôn đốc sát sao việc khai thác của người dân để cung ứng hết sản lượng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các phòng ban chức năng cũng giúp đỡ doanh nghiệp các thủ tục thu mua nguyên liệu cũng như xuất khẩu được thuận lợi nhất. Để đảm bảo những cam kết với địa phương cũng như lộ trình phát triển, sắp tới, Công ty đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến, chiết xuất tinh dầu quế tại địa bàn huyện Định Hóa.

Với quyết tâm và nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như người dân, đến nay, dự án trồng quế đã được triển khai rộng khắp tại 24/24 xã/thị trấn của huyện Định Hóa với hơn 3.000 ha cây quế đã được trồng. Một số diện tích quế 5 năm tuổi được trồng theo Dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa thưa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con

Trồng quế, cái gì bán cũng ra tiền

Không chỉ phát triển tốt do hợp thổ nhưỡng, cây quế đã sớm khẳng định hiệu quả kinh tế. Ông Bùi Văn Hanh (54 tuổi, ở xóm Hồng Lương, xã Trung Lương, huyện Định Hóa) cho biết, gia đình ông có 4 ha cây quế. Những cây quế trồng đợt đầu tiên nay đã có chu vi thân lên tới 30 - 40cm, cây to có thể bóc ngày được 2 - 3 tạ vỏ. Vỏ tươi được thu mua với giá 27 - 28 nghìn đồng/kg. Cành lá tươi phát tỉa cũng bán được 1.500 đồng/kg. Mà lá quế nặng lắm, cành con con cũng được mấy cân.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng quế, ông Hanh khẳng định, bận nhất là 4 năm đầu. Từ năm thứ 5 trở đi bắt đầu có thu nhập ổn định từ tỉa thưa. Sau khoảng 15 năm chăm sóc, 1ha quế cho thu nhập không dưới 500 triệu đồng, cao gấp vài lần so với trồng keo, mỡ hay bạch đàn. Rừng quế có chu kỳ nhiều năm, cây càng to càng có giá trị. Có thể nói trồng quế "cái gì cũng bán được tiền", lại rất bền vững cả về thu nhập và giữ độ che phủ rừng.

Với mô hình trồng quế, ông Bùi Văn Hanh, xóm Hồng Lương, xã Trung Lương (Định Hóa) là gương nông dân phát triển sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Với mô hình trồng quế, ông Bùi Văn Hanh, xóm Hồng Lương, xã Trung Lương (Định Hóa) là gương nông dân phát triển sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Phạm Văn Giang (thôn Thâm Yên, xã Tân Thịnh), một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đưa cây quế về trồng tại địa phương) cho biết, gia đình ông có 5ha đất rừng sản xuất. Trước đây, ông chỉ trồng cây keo lai, sau khoảng 7 - 10 năm cây keo lai cho thu hoạch trung bình từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Từ năm 2015, thực hiện dự án trồng quế của huyện, ông đăng ký trồng thử 2ha. Gia đình được hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón và được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế.

Nhờ tích cực chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp, rừng quế của gia đình phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Hiện tại, gia đình đã tiến hành khai thác tỉa thân, cành, lá của một số cây to được trên 20 tấn sản phẩm. Doanh nghiệp đến tận nơi thu mua với giá 1.500 đồng/kg cành, lá tươi.

Theo tính toán của ông Giang, từ năm thứ 6 đến năm thứ 10, với 1ha quế, trung bình mỗi năm gia đình ông sẽ thu về khoảng 25 triệu đồng từ việc khai thác tỉa cành, lá và vỏ cây quế. Sau năm thứ 15, rừng quế sẽ cho khai thác trắng toàn bộ với giá trị khoảng 300 triệu đồng/ha. Nếu tính tổng thu nhập trong vòng 15 năm, 1ha quế sẽ đem lại giá trị kinh tế trên 550 triệu đồng.

Ông Nguyễn Minh Tú (Chủ tịch UBND huyện Định Hóa) cho biết, huyện đang hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà máy chế biến tinh dầu quế. Đó chính là cơ sở để phát triển bền vững mô hình liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của đất rừng, nâng cao khả năng phòng hộ, tăng thu nhập cho người dân. Đó chính là cơ sở to lớn để Định Hóa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm nay.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên cho biết, chủ trương trồng quế được của huyện Định Hóa đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đúc kết qua thực tiễn đã và đang khẳng định tính đúng đắn, thực sự là chủ trương lớn mang lại hiệu quả to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào. Muốn làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên để lưu giữ lại những giá trị lịch sử, thì người dân xung quanh, sống dựa vào rừng phải được hỗ trợ những chính sách hợp lý để phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm