| Hotline: 0983.970.780

Khoa học kỹ thuật trợ lực cho sản phẩm công nghiệp nông thôn

Thứ Năm 23/05/2024 , 09:00 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn được khuyến khích đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng.

Thời gian qua, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đã quan tâm, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và chủ thể sản xuất đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, địa phương đã có hàng chục sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp.

Toàn huyện Đồng Hỷ đã có 30 lượt sản phẩm được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 8 lượt sản phẩm được công nhận cấp khu vực và 5 lượt sản phẩm được công nhận cấp quốc gia.

HTX chè Tuyết Hương đã có 3 lượt sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 1 lượt cấp khu vực phía Bắc và 2 lượt cấp quốc gia. Ảnh: Phạm Hiếu.

HTX chè Tuyết Hương đã có 3 lượt sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 1 lượt cấp khu vực phía Bắc và 2 lượt cấp quốc gia. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lần đầu được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014, đến nay, HTX chè Tuyết Hương (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ) đã có 3 lượt sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 1 lượt sản phẩm cấp khu vực phía Bắc và 2 lượt sản phẩm cấp quốc gia. Đặc biệt, năm 2017, sản phẩm của HTX đã được Ban tổ chức Hội nghị APEC Việt Nam lựa chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ và đại diện đến từ 21 nền kinh tế thành viên.

Theo bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chè Tuyết Hương, hiện nay HTX đang tạo việc làm cho 17 hộ thành viên và 50 hộ dân liên kết với thu nhập trung bình từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng. Thời gian qua, bên cạnh nỗ lực của các thành viên và hộ dân liên kết, HTX đã nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện của các cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương.

“Quan trọng hơn cả, bà con đã được nhà nước hỗ trợ kinh phí mua máy hút chân không, tôn sao điện để phục vụ sản xuất, chế biến chè. Cùng với đó, bà con cũng được tham gia vào các mô hình sản xuất chè VietGAP, được cấp mã số vùng trồng… Qua đó góp phần giúp HTX tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”, bà Tuyết chia sẻ.

Tương tự HTX chè Tuyết Hương, HTX miến Việt Cường (thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) không chỉ tận dụng tối đa nguồn lao động giàu kinh nghiệm của làng nghề mà còn chủ động ứng dụng nhiều máy móc tiên tiến vào sản xuất như dây chuyền phơi miến bán tự động chạy bằng ròng rọc, máy khuấy bột, máy ép thủy lực, máy cắt miến… 

HTX miến Việt Cường ứng dụng nhiều máy móc vào sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

HTX miến Việt Cường ứng dụng nhiều máy móc vào sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường, từ nguồn vốn của trung ương và địa phương, HTX đã được hỗ trợ gần 500 triệu đồng để mua máy vắt bột, máy lọc bột ly tâm. Nhờ đó khâu sản xuất có thể rút ngắn thời gian lọc sạn, làm sạch bột và điều chuyển, tận dụng nhân công sang bộ phận khác.

“Năm 2023, doanh thu của HTX đã đạt gần 16 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm trước. HTX cũng đang tạo việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Chất lượng sản phẩm của bà con đã đủ điều kiện và được xuất khẩu đi nhiều thị trường quốc tế”, ông Ba phấn khởi.

Theo ông Phạm Văn Hiến, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Hỷ, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị, ngành của tỉnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận cơ chế, chính sách về phát triển sản xuất và xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn.

Đồng thời, huyện cũng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện dần tăng lên cả chất và lượng.

“Tính từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn các cấp đã hỗ trợ 3,7 tỷ đồng cho nhiều HTX, hộ sản xuất trên địa bàn huyện Đồng Hỷ mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”, ông Hiến thông tin.

Huyện Đồng Hỷ đã khuyến khích các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Huyện Đồng Hỷ đã khuyến khích các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, thời gian tới, để các sản phẩm công nghiệp nông thôn phát triển hơn nữa, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, nâng cao năng lực, tay nghề cho người lao động để chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

“Cùng với đó, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX về vốn, kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, cũng như nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có thế mạnh của địa phương”, ông Huy cho biết.

Chỉ trong riêng năm 2023, trong số 5 sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, có 3 sản phẩm của huyện Đồng Hỷ gồm: Nhất diệp hảo trà của HTX chè an toàn Nguyên Việt; Hương sơn trà của HTX Tuyết Hương; miến tỏi đen Việt Cường của HTX miến Việt Cường.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ mới có 9 trang trại đáp ứng 100% điều kiện chăn nuôi

Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Thọ có 1.093 trang trại chăn nuôi và 233.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 145.000 con trâu, bò; 749.000 con lợn và trên 15,7 triệu gia cầm.

Phòng, chống dịch bệnh gia súc thời điểm chuyển mùa

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã có khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh cho gia súc thời điểm chuyển mùa.

Gia Lai phát triển vùng chuyên canh cây trồng chủ lực

Tỉnh Gia Lai đang tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực quy mô lớn gắn với chế biến sâu, hướng đến phát triển bền vững.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm