Số lượng máy nông nghiệp tăng nhanh
Ngày 23/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên.
Những năm qua, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung, khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên nói riêng có nhiều khởi sắc và ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Cơ giới hóa nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.
Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương sớm thực hiện chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lại lao động ở khu vực nông thôn. Theo đó, tỉnh này đã thực hiện dồn điền đổi thửa và xây dựng được 287 cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 5.000ha đối với các loại cây trồng như lúa, lạc, dưa hấu...
Các mô hình này đã triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, so với nhiều địa phương khác trong cả nước, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở tỉnh Quảng Ngãi hiện vẫn còn thấp, hiệu quả chưa cao, việc áp dụng cơ giới hóa giữa các địa phương trong tỉnh không đồng đều.
Theo ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún. Do vậy, việc cơ giới hóa trong nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tất cả các khâu từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch. Do đó, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn ở mức cao.
“Đặc biệt, đối với các khu vực miền núi đa số là ruộng bậc thang nên việc ứng dụng cơ giới hóa hầu như không thực hiện được. Hiện nay, mối liên kết giữa các khâu chăm sóc, chế biến, bảo quản và thu hoạch chưa hoàn chỉnh nên việc cơ giới hóa đồng bộ còn gặp nhiều khó khăn”, ông Phương nói.
Không chỉ riêng tỉnh Quảng Ngãi, nhiều địa phương trong khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên đã chú trọng đầu tư, áp dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp và thu được nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2023, số lượng máy động lực ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất của các ngành nông nghiệp chủ lực tại khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên đã có những bước tăng đáng kể. Trong đó, tổng số máy kéo đạt trên 60.400 máy, máy gặt đập liên hợp trên 4.600 máy, máy gieo hạt các loại cây lương thực đạt trên 8.600 máy, bình phun thuốc BVTV có động cơ đạt trên 344.000 máy...
Phải hình thành thị trường dịch vụ cơ giới hóa
Theo ông Nguyễn Doãn Hùng (Phòng Khuyến nông và Trồng trọt - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), hiện nay, các mô hình ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp đều có mục tiêu giảm chi phí, giảm thất thoát, giảm phát thải và tăng năng suất lao động, tiết kiệm và nâng cao hiệu suất sử dụng vật tư đầu vào, tạo sản phẩm có quy mô sản xuất lớn, có dư địa thị trường và gắn với cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng.
Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã mở trên 30 dự án khuyến nông trong lĩnh vực cơ giới hóa, bảo quản, chế biến... với trên 50 mô hình trình diễn, gần 10.000 hộ tham gia, bao gồm các mô hình trình diễn như cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa cánh đồng lớn, mô hình cơ giới hóa áp dụng máy gặt đập liên hợp, mô hình lò sấy lúa công suất 30 - 50 tấn/mẻ, mô hình ứng dụng mạ khay - máy cấy, các mô hình tưới nước tiết kiệm.
“Mô hình ứng dụng mạ khay - cấy máy đã góp phần tăng năng suất lao động từ 5 - 7 lần; giảm chi phí sản xuất khâu gieo cấy; giảm chi phí vật tư phân bón, thuốc BVTV...; năng suất lúa trong mô hình tăng từ 500 - 700 kg/ha so với sản xuất đại trà, tăng hiệu quả kinh tế từ 15 - 20%. Các dự án khuyến nông đã xúc tiến xây dựng các tổ dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa, tiến tới làm dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất lúa”, ông Hùng nói.
Mặc dù vậy, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đa số các hộ nông dân vẫn còn sản xuất với quy mô diện tích đất rất nhỏ, do vậy việc đầu tư và sử dụng máy móc không hiệu quả. Cơ sở hạ tầng phục vụ cơ giới hóa chưa thực sự đồng bộ.
Ông Hồ Phi Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cơ điện Nông nghiệp – Nông thôn (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ NN-PTNT) cho rằng, hiện nay, ngân sách hỗ trợ cho phát triển cơ giới hóa ở các địa phương còn hạn chế. Các loại máy móc, thiết bị giá còn cao, trong khi thu nhập sản xuất nông nghiệp thấp. Ngoài ra, chưa có nhiều đơn vị tham gia cung cấp các dịch vụ cơ giới hóa chuyên nghiệp, đặc biệt là ở các vùng chuyên canh.
Từ thực tế này, giải pháp mà ông Tuấn đưa ra là các tỉnh cần phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp để đáp ứng đủ điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Cùng với đó là tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp chế tạo và thị trường máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông sản chế biến.
“Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh ứng dụng máy móc, thiết bị ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với yêu cầu thị trường lao động; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cơ giới hóa; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện tích tụ đất đai. Thêm một giải pháp nữa là đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm và triển khai các dự án hợp tác phát triển về lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp”, ông Tuấn nói.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, cơ giới hóa trong nông nghiệp là một trong những yếu tố cốt lõi, nền tảng để thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế; giúp giảm chi phí, nhân công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm phát thải, giảm tổn hại đến môi trường. Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên là một trong những vùng hiện nay tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng còn thấp.
“Hiện nay, chúng ta có cơ chế chính sách, có giải pháp công nghệ, có đầy đủ sự sẵn sàng của doanh nghiệp và nông dân nhưng vấn đề ở đây là tổ chức sản xuất như thế nào. Không phải là nông dân tự cơ giới hóa mà phải hình thành được thị trường ứng dụng cơ giới hóa như tổ hợp tác, hợp tác xã canh tác trên cánh đồng lớn, ông Thanh nêu quan điểm.
"Cần phải có hình thức dịch vụ để kết nối giữa doanh nghiệp cung ứng và người sử dụng, phải có những chính sách phù hợp, cụ thể đối với từng vùng, từng miền và hạ tầng cơ sở đảm bảo. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thống nhất hình thành được thị trường cơ giới hóa, làm thay đổi tư duy của bà con”, ông Thanh nhấn mạnh.