| Hotline: 0983.970.780

Ngọt ngào mía tím vùng sỏi đá

Thứ Năm 23/05/2024 , 08:00 (GMT+7)

GIA LAI Nhiều hộ dân vùng Dốc Đỏ đã được hưởng ‘trái ngọt’ sau nhiều năm mạnh dạn cải tạo vùng đất khô cằn, sỏi đá để trồng cây mía tím.

Cây mía tím được trồng tập trung tại thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê). Ảnh: Tuấn Anh.

Cây mía tím được trồng tập trung tại thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê). Ảnh: Tuấn Anh.

"Chiến binh" trên vùng sỏi đá

Cứ mỗi lần ngang qua Dốc Đỏ (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) chúng tôi lại không khỏi khâm phục những thành quả của người dân nơi đây khi biến vùng đất khô cằn, sỏi đá thành những ruộng mía tím trù phú.

Nhiều năm trước, vùng đất này chủ yếu là sỏi đá nên gần như bị bỏ hoang. Những cục đá to, nhỏ nằm khắp mặt đất khiến cho việc cải tạo để trồng cây của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng bằng sự kiên trì, người dân nơi đây đã từng bước cải tạo vùng đất sỏi đá thành những mảnh nương rẫy để trồng cây mía tím. Như hiểu được lòng người, cây mía tím cứ thế phát triển tốt tươi, cho vị thơm, ngọt hơn hẳn so với các loại mía khác.

Theo tìm hiểu được biết, giống mía tím này được du nhập vào thôn Phú Cường khoảng hơn 10 năm trước. Khi đó, một số người dân ở các tỉnh phía Bắc vào Gia Lai lập nghiệp nhưng vẫn không thể quên vị mía ngọt quê nhà. Chính vì vậy, mỗi lần trở về thăm quê nhà, người dân đã mang theo những mắt cây mía tím vào Gia Lai để trồng.

Cây mía tím phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất thôn Phú Cường. Ảnh: Tuấn Anh.

Cây mía tím phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất thôn Phú Cường. Ảnh: Tuấn Anh.

Ban đầu, chỉ có một vài hộ dân trồng những bụi nhỏ trong vườn để ăn, làm quà. Nhưng rồi, thấy cây mía tím phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên nhiều người đã nhân giống, mở rộng diện tích. Đến nay, diện tích cây mía tím đã phát triển lên hàng chục ha, tập trung chủ yếu tại khu vực Dốc Đỏ.

Có hơn 6 sào mía tím tại thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê), gia đình ông Nguyễn Văn Cường được xem là một trong những hộ dân tiên phong trồng cây mía tím trên vùng đất sỏi đá. Ông Cường cho biết, gia đình vào đây lập nghiệp nhiều năm, thấy đất đai bỏ hoang nên đã tiến hành cải tạo để trồng mía.

Hiện trung bình 1 sào (1.000m2) trồng được khoảng hơn 4.000 cây mía, sau 8 tháng sẽ cho thu hoạch. Mía được thương lái đến tận vườn thu mua với giá khoảng 7.000 - 8.000 đồng/cây, trong khi chi phí đầu tư 1 sào khoảng hơn 10 triệu đồng. Như vậy, trung bình 1 sào mía mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 20 triệu đồng.

“Trồng mía tím kỳ công hơn mía đường nhưng bù lại cho thu nhập cao và ổn định. Dù có những thời điểm giá mía tím giảm xuống còn khoảng 5 - 6 ngàn đồng/cây thì người dân vẫn có lợi nhuận”, ông Cường chia sẻ.

Chị Lê Thị Văn (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) bên ruộng mía tím chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Chị Lê Thị Văn (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) bên ruộng mía tím chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Đang chăm sóc ruộng mía 7 sào để chuẩn bị cho thu hoạch, chị Lê Thị Văn (thôn Phú Cường, xã Ia Pal) cho biết, trước đây vùng đất này toàn sỏi đá nên gia đình phải đi thuê đất nơi khác để trồng cà phê. Nhưng rồi cà phê cũng không mang lại hiệu quả nên gia đình quyết định quay về trồng mía.

Dù trồng trên vùng đất sỏi đá nhưng không hiểu sao cây mía tím lại rất phù hợp khi cho năng suất, chất lượng cao. Quan trọng hơn, cây mía tím trồng nơi đây có vị thanh ngọt rất đặc trưng, mía rất mềm nên người già và trẻ em đều có thể ăn được.

Theo chị Văn, trung bình 1 sào trồng được khoảng 4.000 - 4.500 cây mía tím. Hiện mía được thương lái đến thu mua tận vườn với giá 8.000 đồng/cây. Như vậy, trung bình 1 sào người dân thu lợi nhuận khoảng hơn 20 triệu đồng. Có những gia đình trồng hơn 1ha cho thu nhập trên 200 triệu đồng, cao hơn nhiều cây trồng khác.

Đặc sản ở Quốc lộ 25

Khoảng vài năm trở lại đây, bất cứ ai đi ngang qua Quốc lộ 25 (tuyến đường nối tỉnh Gia Lai với Phú Yên) đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những sạp mía tím bày bán ven đường, trải dài hàng cây số. Vào cao điểm của mùa mía, có hàng chục sạp mía được người dân bày bán như một món quà đặc sản cho khách phương xa mua về làm quà.

Tại mỗi sạp, người dân đều trang bị máy để cắt mía ra thành từng khúc bỏ sẵn vào túi. Giá bán cũng khá bình dân, mỗi túi chỉ khoảng 10 - 20 ngàn đồng.

Mía trở thành đặc sản bên Quốc lộ 25. Ảnh: Tuấn Anh.

Mía trở thành đặc sản bên Quốc lộ 25. Ảnh: Tuấn Anh.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, chủ sạp mía bên Quốc lộ 25 cho biết, trước đây gia đình quanh năm tất bật làm mọi công việc nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, thiếu thốn. Từ khi trồng và bán cây mía tím cho khách đi đường dọc Quốc lộ 25, gia đình bà đã bắt đầu có của ăn của để.

Bà Nhàn cho biết, mỗi ngày gia đình bán được từ 100 - 150 cây mía được cắt ra thành từng khúc, giá từ 10.000 - 13.000 đồng/cây. So với các loại trái cây khác, mía cho thu nhập cao hơn hẳn, đời sống kinh tế cũng khá hơn.

"Mía ở đây rất thơm ngon nên lúc nào cũng đắt khách, thậm chí còn không đủ hàng để bán. Chính vì vậy, gia đình tôi phải đi mua mía từ các vườn khác đem về bán. Bên cạnh những khách lẻ qua đường, gia đình còn nhiều mối bán mía tại các tỉnh thành khác nên không lo thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Hữu Tỵ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Sê cho biết, khu vực Dốc Đỏ khá đặc biệt, là nơi giao thoa giữa miền đất đỏ cao nguyên với đất trắng bạc màu nên rất phù hợp để trồng giống mía tím. Những năm qua, người dân nơi đây đã từng bước cải tạo vùng đất sỏi đá để trồng cây mía tím, cho hiệu quả kinh tế cao. So với cây mía đường và nhiều loại cây trồng khác trên địa bàn huyện Chư Sê, mía tím cho thu nhập cao và ổn định hơn nhiều.

“Nhờ cho thu nhập cao, nhiều hộ dân cũng đã dần mạnh dạn chuyển đổi cây trồng khác sang trồng mía tím. Huyện cũng khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng mía trên vùng đất phù hợp nhưng không nên trồng ồ ạt để tránh gặp khó về thị trường tiêu thụ”, ông Nguyễn Hữu Tỵ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Sê chia sẻ.

Xem thêm
Dân bức xúc vì trại lợn gây ô nhiễm

BẮC KẠN Mới hoạt động một thời gian ngắn, trại lợn ở xã Liêm Thủy (huyện Na Rì) đã gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Hà Nội có thể là địa phương tiên phong loại bỏ tiêu thụ thịt chó, mèo

Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y (Sở NN-PTNT Hà Nội) vừa ban hành công văn hướng tới loại bỏ việc buôn bán thịt và tiêu thụ thịt chó, mèo trên địa bàn.

Mô hình nuôi heo giảm được 95% lượng phân thải ra môi trường

BẾN TRE Mô hình hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải trong chăn nuôi heo theo hướng sinh thái đã giúp giảm 95% lượng phân, không còn mùi hôi, môi trường sạch đẹp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ trên hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 -2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm