| Hotline: 0983.970.780

Tằm Việt sau hàng thập kỷ ngủ đông đã thức giấc: Thăm nhà nuôi tằm kiểu mẫu

Thứ Sáu 24/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Phải đợi mấy tháng, khi mùa đông kết thúc cái hẹn của tôi với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương mới thành bởi đó cũng là vào mùa tằm.

Chở dâu từ bãi về. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chở dâu từ bãi về. Ảnh: Dương Đình Tường.

Campuchia cử người sang Việt Nam học

Tình cờ, ngày 9/5/2024, tôi lại cùng đi với đoàn cán bộ của Tổng cục Nông nghiệp Campuchia và ông Sohn KeeWook, chuyên gia dâu tằm của KOPIA (Chương trình Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc).

Trên xe, TS Nguyễn Thị Min, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương tranh thủ cho tôi biết, thời gian qua KOPIA Việt Nam đã hỗ trợ cho dự án phát triển chuỗi giá trị trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Khi kết thúc dự án, qua đánh giá thấy hiệu quả của trồng dâu nuôi tằm gấp 3 - 4 lần trồng lúa nên KOPIA Campuchia cũng có ý tưởng phát triển nghề này, đồng thời gửi 4 cán bộ của Tổng cục Nông nghiệp sang Việt Nam học tập.

Trong 1 tuần ở Việt Nam, các bạn Campuchia được học về kỹ thuật trồng dâu, kỹ thuật phòng trừ bệnh hại dâu, kỹ thuật nuôi tằm, kỹ thuật phòng trừ bệnh hại tằm, kỹ thuật ươm tơ và có một ngày đi thực tế ở huyện Trấn Yên, Yên Bái. Hiện, Campuchia chỉ có khoảng vài chục ha dâu nhưng sau khi học hỏi ở Việt Nam trở về, nếu thấy phù hợp họ sẽ đề xuất với KOPIA để mở rộng diện tích.

Sau mấy tiếng chạy xe, cuối cùng vùng trồng dâu của huyện Trấn Yên cũng hiện ra với bát ngát một màu xanh trải dài hai bên bờ sông Hồng. Bà Hoàng Thị Hà, khu Lan Đình, xã Việt Thành vừa mải miết hái dâu vừa chia sẻ, mưa thế này thì sau khi đem lá dâu về phải tãi ra nền nhà, bật quạt khô rồi mới được cho ăn để tằm không bị ốm.

Vợ chồng bà đều đã trên dưới 60 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề. Họ trồng 2,5 mẫu dâu, mỗi năm nuôi 2 vụ, vụ đầu từ tháng 3 đến tháng 6, vụ sau từ tháng 8 đến tháng 10. Cứ hơn 10 ngày nuôi một lứa được hơn 1 tạ kén, tằm đang ăn rỗi là đã lấy đợt giống mới về. Với giá kén 180.000 đồng/kg, trừ chi phí phân gio, giống, họ lãi được phân nửa, mỗi tháng được chừng 20 - 30 triệu đồng.

Rời bãi dâu, chúng tôi đến thăm khu nuôi tằm con của HTX Dâu tằm Hạnh Lê do chị Nguyễn Thị Hồng Lê làm giám đốc, chuyên để cấp giống cho các hộ nuôi tằm lớn như bà Hà.

Riêng trên địa bàn xã Việt Thành đã có 3 HTX dâu tằm và vùng trồng dâu rộng tới 315 ha. Khu nuôi tằm của HTX sát bên nhà riêng khá thoáng mát. Nhìn những nong tằm con xếp bằng chằn chặn trên giá, các cán bộ của Campuchia tò mò hỏi chuyện vệ sinh thế nào và được trả lời rằng, đơn giản là lót một miếng nylon có đục thủng lỗ dưới nong, khi đầy thì chỉ việc nhấc lên là xong.

Chị Lê (thứ ba từ trái sang) giới thiệu cho các cán bộ nông nghiệp Campuchia cách nuôi tằm con tập trung. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Lê (thứ ba từ trái sang) giới thiệu cho các cán bộ nông nghiệp Campuchia cách nuôi tằm con tập trung. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Lê từ nhỏ đã quen với việc trồng dâu nuôi tằm, sau khi đi lấy chồng tưởng như đứt đoạn với nghề mãi tới năm 2015 mới quay trở lại. Lúc đầu chị trồng 1 mẫu dâu rồi thuê thêm đất, phát triển lên tới 4ha nhưng 2 năm nay do giá kén lên cao, dân đòi lại đất để tự nuôi nên rút xuống còn 3ha. Dù nghề tơ tằm có lúc thăng trầm như giai đoạn 2 năm Covid giá kén hạ, nhiều người chán nản phá bỏ dâu nhưng chị vẫn kiên trì bám trụ bởi so với trồng ngô, trồng lúa cũng còn hơn.

Làm ăn cá thể mãi đến năm 2023 chị quyết định thành lập HTX bởi khi mua chung, bán chung sẽ có lợi về giá hơn, trao đổi được nhiều kinh nghiệm hơn. HTX hiện có 56 thành viên tại xã Việt Thành, ngoài ra còn liên kết với các hộ ở huyện Văn Chấn, huyện Văn Yên cùng tỉnh Yên Bái và sang cả tỉnh bạn Tuyên Quang.

Chị Lê giải thích: “Tôi vào ngành dâu tằm sau, những khu vực ở gần đã có người liên kết, bao tiêu sản phẩm hết rồi nên phải đi xa. Ở những nơi mới như vậy, tôi phải thuê 1-2 mẫu đất trồng dâu để làm mô hình rồi hướng dẫn dân nuôi lứa đầu tiên. Giống tằm tôi đưa tận nơi, kén làm ra tôi tiêu thụ luôn. Sau đó người ta thấy hiệu quả tự học theo, mở rộng diện tích”.

Thay phân cho tằm đơn giản chỉ cần dùng lót tấm ni lông đục lỗ bên dưới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thay phân cho tằm đơn giản chỉ cần dùng lót tấm ni lông đục lỗ bên dưới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà trồng nhiều dâu nên nếu chỉ nuôi tằm con không hết, chị Lê nuôi cả tằm lớn. Năm rồi gia đình chị vừa bán tằm con, vừa bán kén được 700 - 800 triệu đồng, trong đó đầu tư hết chừng 60%, còn lại là lợi nhuận

“Thời xưa bố mẹ tôi nuôi tằm chưa có né gỗ, chưa có nhà máy ươm tơ nên phải bán kén về Nam Định, Hà Nam để sản xuất tơ thủ công, không được giá. Từ hồi có kỹ thuật nuôi tằm trên nền nhà rồi trên khay, dùng né gỗ, tơ chất lượng hơn, cộng thêm có nhà máy ngay tại huyện thu mua nên giá cao hơn hẳn. Nhà tằm 150m2 hiện tại của HTX đã không đủ diện tích để cung cấp tằm con cho bà con nên sắp tới tôi dự định sẽ đầu tư xây dựng một nhà tằm kiểu mẫu rộng 600m2 với thiết kế thông thoáng, đầy đủ các trang thiết bị.

Tôi sẽ phát triển theo mô hình tuần hoàn, khi nuôi tằm dùng phân của chúng trộn với cành lá dâu khi đốn, băm nhỏ rồi ủ để bón lại cho đồng dâu, bỏ phân hóa học. Hiện, gia đình đã thực hiện bón như thế được năm nay, rất an toàn và tốt hơn phân hóa học bởi tỷ lệ đạm trong lá dâu vừa phải giúp tằm phát triển cân đối. Nếu bón nhiều phân đạm, dâu tốt lá quá, nuôi tằm hay sinh bệnh”. Chị Lê chia sẻ.

Nếu như nuôi tằm bằng nong mỗi ngày phải cho ăn 5 - 6 bữa, phải thay phân hàng ngày nhưng từ năm 2003 có công nghệ nuôi tằm trên nền nhà, mỗi ngày chỉ cho ăn 3 bữa và vài ngày mới phải thay phân.

Sướng như tằm

Khác hẳn với nhà nuôi tằm kiểu tận dụng của dân là nhà nuôi tằm con tập trung kiểu mẫu với dãy hành lang rộng rãi cùng hàng loạt các ô thoáng để tránh nắng chiếu trực tiếp vào gây nóng bức. Bên trong nhà được chia từng phòng riêng như phòng để dâu, phòng nuôi tằm con, phòng nuôi tằm lớn…

Nhà tằm kiểu mẫu này được Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương thiết kế, xây năm 2019 cho HTX Dâu tằm Việt Thành, tổng trị giá 770 triệu đồng. Với diện tích 300m2, nó có thể cung cấp giống tằm đủ để sản xuất khoảng 20ha dâu.

Nhà nuôi tằm con tập trung kiểu mẫu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà nuôi tằm con tập trung kiểu mẫu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khó có thể nói hết về những đổi thay của nghề trồng dâu nuôi tằm của vùng đất này từ năm 2001, khi con tằm bắt đầu “bò” lên huyện Trấn Yên. Ngay từ thủa đầu nhiều bỡ ngỡ ấy, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã cử cán bộ lên hướng dẫn, đồng hành cùng bà con, mỗi lần như thế họ đều phải bám dân theo hết cả lứa tằm hàng chục ngày.

Qua nhiều thăng trầm, nhất là giai đoạn đại dịch Covid xảy ra, giá kén xuống 50.000 đồng/kg đã khiến hàng trăm ha dâu bị chặt hạ nhưng hết dịch, nhu cầu phục hồi thì nghề trồng dâu nuôi tằm lại phát triển mạnh với diện tích trên 1.000ha.

TS Nguyễn Thị Min, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương cho biết, diện tích trồng dâu nuôi tằm ở Hàn Quốc rất nhỏ nên bạn muốn đầu tư cho Việt Nam để phát triển dâu tằm, tạo ra những sản phẩm chế biến sâu.

Báo Đáp, Việt Thành và Quy Mông là những xã thuộc huyện Trấn Yên nằm trong chương trình KOPIA mà Hàn Quốc đã xây dựng mô hình giai đoạn năm 2020 - 2022. Cụ thể, phía bạn đã hỗ trợ giống dâu, tập huấn, xây dựng cơ sở nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm trên giá, trong phòng điều hòa, thay né tre bằng né gỗ.

Vùng trồng dâu bên bãi sông của xã Việt Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vùng trồng dâu bên bãi sông của xã Việt Thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về giống dâu, trước đây trồng bằng hom có nhược điểm bộ rễ phát triển kém, còn nay trồng bằng hạt, bộ rễ phát triển sâu, rộng, chống đổ, có khả năng tái sinh tốt khi bị ngập lụt. Hiện Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương đã lai tạo ra những giống dâu chuyên trồng bằng hạt VH13, VH15, VH17, GQ2, GQ12, GQ20 để chuyển giao cho ở các tỉnh phía Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng.

Về công nghệ nuôi tằm hai giai đoạn, trước đây nông dân nuôi tằm từ khi trứng nở cho đến ăn rỗi và lên kén nhưng giờ phân hai giai đoạn: thứ nhất là nuôi tằm con tập trung từ tuổi một đến hết tuổi ba, mỗi hộ có thể nuôi 100-150 vòng trứng, mỗi tuần có thể băng một lứa.

Thứ hai là mua tằm lớn từ tuổi bốn về nuôi, chỉ 10 - 12 ngày là kết kén. Những năm gần đây Trung tâm KOPIA Hàn Quốc đã hỗ trợ công nghệ nuôi tằm trên giá nhiều tầng, thay vì nuôi 1 vòng trứng tằm sử dụng khoảng 16m2 nền nhà thì vẫn diện tích ấy nuôi tằm trên 3 - 4 tầng có thể được gấp 3 - 4 lần. Gặp điều kiện thời tiết ẩm ướt thì nuôi tằm trên giá lại hạn chế được dịch bệnh.

Xem thêm
GS Andrea Hoa Pham: Ngôn ngữ học lịch sử và giọng Quảng Nam

Trong bài này, chúng tôi chỉ bàn về phương pháp nghiên cứu và chất liệu nghiên cứu của Ngôn ngữ học Lịch sử trong nỗ lực đi tìm nguồn gốc những âm và vần lạ trong giọng Quảng Nam.

Vinaseed và IRRI hợp tác phát triển giống lúa chất lượng cao

Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI và Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam hợp tác phát triển và thương mại các công nghệ và giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt. IRRI có ngân hàng gen khổng lồ trên 127.000 nguồn gen lúa khác nhau.

Ấn Độ chuyển đổi nông nghiệp xanh: [Bài 1] Hồi sinh vùng đất sa mạc hóa

Nông dân ở vùng sa mạc hóa của Ấn Độ chuyển đổi mô hình canh tác bền vững nhằm phục hồi những vùng đất khô cằn, gia tăng lợi nhuận.

Giá cao su tăng do sản lượng giảm

Nhu cầu nhập khẩu cao su trên thế giới đang chững lại trong những tháng gần đây, nhưng giá cao su thiên nhiên lại tăng nhiều do sản lượng giảm.

Bình luận mới nhất