| Hotline: 0983.970.780

'Cây tỷ đô' trên đất Điện Biên: Cứ trồng là đơm bông, kết trái

Thứ Tư 01/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Năm 2002, cây mắc ca đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đưa lên vùng núi Điện Biên trồng thử nghiệm. Các huyện Mường Nhé, Mường Chà hay TP Điện Biên Phủ nay còn rải rác một số cây./ 'Cây tỷ đô' tại Ba Vì giờ ra sao?

Trồng như cây bóng mát

Trên con đường bê tông phẳng lì dẫn ra sân vận động tỉnh Điện Biên, bên đường xuất hiện hai cái cây cao chừng 4 m, xanh rợp bóng. Trên cây, từng chùm, từng chùm hoa màu trắng rũ xuống dài hàng gang tay. Đó chính là hai trong số những cây mắc ca được đưa về trồng tại Điện Biên năm 2002.

Theo một người dân, chủ nhân hai cây mắc ca này trước công tác ở huyện Mường Chà. Ông đem mắc ca từ Mường Chà về trồng trên vỉa hè trước cửa nhà với ý định làm bóng mát. Gốc cây to chừng bắp chân người lớn. Vì trồng trên đất cằn, lại bị bọc toàn bê tông nên cây không sum suê mà cao vọt lên rồi tỏa bóng.

Bà Nguyễn Thị Huệ, người dân tại đây cho biết, chỉ độ vài năm gần đây, mọi người mới để ý và biết loài cây này có tên mắc ca.

“Chúng tôi chỉ thấy nó là cây bóng mát, ra Tết thì có hoa rồi đậu quả. Quả trẻ con lấy gậy chọc xuống nghịch chứ cũng chẳng biết nó có tác dụng gì”. Hỏi thêm một vài hộ xung quanh, người biết tên, người không.

Người nào “thời sự” hơn thì bảo nó là cây tỷ đô. Nhưng hỏi “Có biết quả của cây tỷ đô dùng để làm gì không”, ai nấy đều lắc đầu.

Một điều lạ là, dù trồng trên đất xấu, không được chăm sóc, nhưng hai cây mắc ca này vẫn sinh trưởng tốt. Đặc biệt năm nào cũng sai hoa, cho quả dù số lượng quả không nhiều lắm.

“Thỉnh thoảng cũng có vài người đi ô tô đến ngắm nghía rồi chỉ trỏ lên cây, chụp ảnh. Chẳng hiểu cây này có gì quý mà sao nhiều người quan tâm vậy”, bà Huệ thắc mắc.

Nắm bắt qua Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên), số cây mắc ca trồng từ năm 2002 chỉ vài chục cây nên nay còn lại không nhiều. Mỗi huyện chỉ còn một vài cây. Nhưng số cây mắc ca còn lại này phát triển cực tốt, năm nào cũng cho thu hoạch quả.

Đặc biệt, hai cây mắc ca trồng giữa lòng TP Điện Biên Phủ trước giờ chưa năm nào không có hoa, chỉ là ít hay nhiều.

Năm 2013, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đích thân đi thăm lại những cây mắc ca mình trồng ở Điện Biên. Và ông đã bất ngờ vì sự thích ứng tuyệt vời của loài cây này.

Ôm "cây tỷ đô" mà không biết

Chuyện của ông Quàng Văn Tây, bản Bua 2, xã Ẳng Tở (Mường Ảng – Điện Biên) thật mà như đùa.

Năm 2009, Sở NN-PTNT Điện Biên nhận được dự án hỗ trợ từ tổ chức DANIDA (Đan Mạch), đưa giống cây mắc ca vào cho người dân phát triển. Sở giao cây giống cho UBND huyện Mường Ảng triển khai, thực hiện.

Là gia đình gương mẫu, SX giỏi nên ông Tây được huyện giao 400 cây mắc ca về trồng. Ông Tây nhớ lại, dù được thông báo nhận cây về trồng nhưng thú thực mãi về sau mới biết nó là cây gì, hoa, quả tròn méo ra sao.


Số cây mắc ca 6 năm tuổi ngày một nhiều hoa và sai quả

“Vườn cây mắc ca ở gia đình ông Tây là diện tích mắc ca trồng tập trung duy nhất trong cả huyện. Đến nay có thể nói, loài cây này thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở nơi đây. Tuy nhiên, những năm tới, chúng tôi không phát triển tập trung quá nhiều mà cho bà con trồng xen canh làm cây che bóng cho cà phê. Tránh tạo nên “cơn sốt” như một số địa phương khác”, ông Đặng Văn Năm, Phó phòng NN- PTNT huyện Mường Ảng thông tin.

Ông đem 400 cây trồng chia ra hai quả đồi, diện tích hơn 1 ha. Lúc này, diện tích trồng sắn, mây gần như không đem lại hiệu quả, ông sai con cháu dọn sạch để trồng cây “lạ”.

“Cứ thế tôi cùng mọi người đào hố, lấy phân chuồng của nhà bón xung quanh. Hai năm đầu, huyện cấp phân bón để gia đình tôi chăm sóc. Đợt đó là tháng 7, tháng 8 có mưa nên cũng không phải tưới nước. Huyện giao cho thì cứ nhận trồng thôi, chứ khi đó tôi có biết nó là cây gì đâu”, ông Tây kể.

Thấy cây cứng cáp, ít sâu bệnh, gia đình ông Tây cũng bỏ đó. Dù không được chăm sóc bài bản, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng tỷ lệ cây mắc ca sống trong vườn ông Tây đạt trên 98%.

Thời gian sau, có một vài người bạn xin, nghĩ cây chẳng có gì giá trị, ông liền đánh đi biếu một số.

Gần đây nhất, ông đánh 60 cây bán cho một đơn vị trên TP Điện Biên Phủ. Một số cây chết phần ghép, phần cây thực sinh vẫn phát triển xanh tốt bình thường. Đến nay, trên đồi còn 287 cây. Trong số này, hơn 90% đã cho hoa và quả.

Mãn nhãn

Giữa cái nắng như đổ lửa của mảnh đất Điện Biên, một cán bộ Trạm khuyến nông dẫn chúng tôi đi thăm đồi mắc ca của ông Tây.

Vượt qua một con đường, lội qua một dòng suối lởm chởm đá, vườn mắc ca xanh rì đã hiện ra trước mắt. Vì thời điểm trồng, chưa nắm vững được kỹ thuật, nên mắc ca tại đây trồng dày như nêm.


Diện tích mắc ca nở sớm đã bắt đầu vào giai đoạn tạo quả

Nhìn vào lượng hoa, ông Tây dự đoán, chắc chắn năm nay đồi mắc ca của gia đình sẽ cho số lượng quả nhiều hơn. Bắt tay chúng tôi, ông Tây mời, có dịp thì cuối năm lên Ẳng Tở ngắm và thu hoạch mắc ca cùng gia đình.

Cuối tháng 3 dương lịch, một số cây mắc ca cho hoa từ sau Tết đã bắt đầu kết trái. Hoa rụng xuống để lộ từng chiếc cọng dài chừng hơn đốt ngón tay. Leo lên đỉnh đồi, đập vào mắt chúng tôi là những cây mắc ca đang thì ra hoa. Từng chùm, từng chùm hoa trắng, sọc tím rủ xuống lủng lẳng như cành liễu.

Có cây hoa sai bó từ ngọn xuống tới gần gốc. Đảo mắt cả vườn, chỉ còn lác đác một vài cây không cho hoa. Đây đều là những cây bị chết phần ghép chỉ còn phần cây thực sinh phát triển.

“Những cây này khó mà có hoa được. Nếu có cũng phải mấy năm nữa vì cây thực sinh bao giờ cũng ra hoa muộn hơn nhiều so với cây ghép”, người cán bộ khuyến nông đi cùng giải thích.

Năm 2012, hơn 1 ha cây mắc ca nhà ông Tây bắt đầu cho hoa. Năm 2013, số cây này bắt đầu cho quả, nhưng số lượng không nhiều.

“Khi đó tôi đã rào đồi hay trông gì đâu. Lũ trẻ con đi chăn trâu cứ thấy quả gì là lạ liền vào hái ném nhau. Người dân trong bản đi làm nương thấy quả hay hay vặt xuống mang về nhưng cũng chẳng biết làm gì với nó. Được bao nhiêu quả tôi chẳng biết. Năm ngoái, biết được giá trị của cây này tôi mới cho người rào lại đấy chứ”, ông Tây cười.

Năm rồi, cuối tháng 9, ông Tây hái được 70 kg quả. Nghe tin, một đơn vị chuyên ươm giống cây mắc ca đánh tiếng thu mua toàn bộ với giá cao. Một kg mắc ca chưa tách vỏ, đơn vị này mua với giá 170 nghìn đồng. Với loại đã tách hạt, ông Tây bán với giá 300 nghìn đồng/kg. Tách được 40 kg hạt, ông Tây “bỏ túi” 12 triệu đồng.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.