| Hotline: 0983.970.780

Bàn tiếp chuyện trồng 'cây tỷ đô'

Thứ Sáu 20/03/2015 , 08:53 (GMT+7)

Nên trồng mắc ca thế nào, có nên nhanh chóng mở rộng diện tích mắc ca trong thời gian tới hay không?/ Tham vọng 'gói 100.000 tỷ' đầu tư trồng mắc ca

Chúng tôi xin tiếp tục đăng tải một số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lí, nhà khoa học am hiểu trong ngành nông nghiệp.

Không thể trồng được mắc ca nhiều như thế!

Cả thế giới hiện chỉ có khoảng trên 80 nghìn ha mắc ca đang được SX, trong khi đó, riêng Việt Nam hiện đã quy hoạch tới 200 nghìn ha. Về cảm quan mà nói, tôi không tin diện tích trồng được mắc ca của Việt Nam lại nhiều đến con số đó.

Về giống, hiện nhiều con số cho thấy tại Tây Nguyên đã có tới 1.600 ha mắc ca, nếu nhân mỗi ha mật độ 300 cây thì đã có khoảng nửa triệu cây giống được tung ra trồng trong thời gian qua.

Trong khi đó, hệ thống cung ứng giống ghép, đạt chất lượng từ các giống đã được công nhận chỉ có vài đơn vị thuộc Viện KHLN và một vài DN khác làm, khả năng cung ứng chỉ khoảng 30-40 nghìn cây/năm, không thể lấy đâu ra nửa triệu cây giống đạt yêu cầu.

Tôi đánh giá, hiện chỉ có khoảng 20-30% số diện tích mắc ca đã trồng là từ nguồn giống không đạt chất lượng. Đây là điều rất nguy hiểm. Vì vậy thời gian tới, việc quản lí giống phải giao cho các địa phương thanh tra, quản lí tới từng trại giống, kiên quyết không để tình trạng cây gieo từ hạt được bung ra SX.

Về hình thức trồng, kinh nghiệm khảo sát thời gian qua tại nhiều vùng cho thấy, các mô hình trồng xen mắc ca với cà phê tại Tây Nguyên là thành công và hiệu quả nhất, năng suất cao hơn cả Australia, các mô hình trồng phân tán tại Ba Vì (Hà Nội) cũng cho kết quả tốt.

Vì vậy trước mắt, theo tôi là chỉ nên trồng xen mắc ca trên các diện tích cây công nghiệp và cây lâm nghiệp, đặc biệt là trên diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên.

Tại Tây Bắc, cần tiếp tục có dự án thử nghiệm trồng xen với chè, trước mắt là trồng xen khoảng 5.000 cây tại diện tích chè ở Lai Châu.

(Ông Hà Huy Thịnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, Viện KHLN Việt Nam)

Chỉ nên trồng xen, trồng phân tán trước

Số liệu quy hoạch hơn 200 nghìn ha mắc ca hiện nay chỉ là quy hoạch định hướng, trong đó phần lớn là tính cả diện tích trồng xen canh và phân tán chứ không phải trồng thuần.

Ví dụ Tây Nguyên đến 2020 định hướng khoảng 155 nghìn ha thì chỉ có khoảng hơn 8 nghìn ha trồng thuần, còn lại gần 150 nghìn ha trồng xen, hơn 1,3 triệu cây trồng phân tán. 

Vì vậy thời gian tới, Bộ NN-PTNT nên cho phép tiếp tục điều tra quy hoạch chi tiết tới từng tỉnh, thậm chí từng huyện xem vị trí cụ thể có thể trồng được mắc ca, trồng được giống gì?

Bởi yêu cầu về tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng của mắc ca rất cao. Thực tế khảo sát cho thấy cùng là giống OC, nhưng trồng nơi này ra quả rất sai, nhưng trồng nơi kia lại ra hoa không đậu quả, thậm chí không ra hoa.

Trước mắt, theo tôi chưa nên đầu tư mở rộng đại trà, mà chỉ nên đầu tư trọng điểm mỗi vùng một vài điểm cụ thể. Ví dụ, Tây Nguyên đầu tư cho một số nơi ở Đăk Lăk; Tây Bắc chọn một số nơi đã có hiệu quả của Sơn La.

Trước hết, tôi ủng hộ chỉ nên trồng xen, trồng phân tán trên các diện tích cây công nghiệp nếu thấy phù hợp mà thôi, chưa nên mở rộng đại trà.

(Ông Nguyễn Huy Thiềng, Phó viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ NN-PTNT)

Cần làm rõ giá trị kinh tế tới đâu

Các số liệu chính thức của các cơ quan Liên Hợp quốc cho thấy, giá hạt mắc ca khô nguyên vỏ năm 2013 của thế giới chỉ khoảng 4,2 USD, thậm chí có nước chỉ có 1,27 USD/kg; giá nhân khô mắc ca năm 2013 của Hà Lan cao nhất chỉ có 16,42 USD/kg, tiếp theo là Úc với 13,68 USD/kg…

Năm 2014, giá có cao hơn một chút nhưng cũng xoay quanh mức đó. Đây cũng chỉ là giá trên sàn thương mại quốc tế chứ không phải giá tại vườn của nông dân. Tại nước ta, giá bán mắc ca (quả khô) cho các chủ vườn làm giống cũng đang chỉ 3-4 USD/kg, tương đương 80 nghìn đồng.

Về kỹ thuật, mắc ca chỉ thích hợp đậu quả khi thời kỳ ra hoa nhiệt độ từ 16 đến 210C, không mưa, vì thế việc điều tra khả năng thích hợp theo tiểu vùng là rất quan trọng, xem giống nào trồng được ở chỗ nào thì mới nên trồng.

Các giống mắc ca đưa từ Úc về Việt Nam đều là giống tốt ở Úc, nhưng không phải cứ về Việt Nam thì trồng chỗ nào cũng tốt. Cần phải rà soát lại toàn bộ các mô hình đã trồng mắc ca thời gian qua để xem chỗ nào thành công, chỗ nào thất bại và tìm rõ nguyên nhân vì sao thành công, vì sao thất bại.

(Ông Nguyễn Như Cường, Phó vụ trưởng Vụ KH-CN và Môi trường, Bộ NN-PTNT)

Cây dành cho người giàu

Chúng tôi đã sang tìm hiểu về mắc ca tại Thái Lan, hiện nay họ cũng chỉ quy hoạch mắc ca theo tiểu vùng nhất định chứ không quy hoạch rộng. Điều tra của một dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thời gian qua cho thấy tại Sơn La, một số diện tích mắc ca trồng ở khu thấp ra quả khá tốt, nhưng trồng trên đất dốc lại không có quả.

Tại Lai Châu, một số cây ở Tam Đường ra quả sai, nhưng đưa lên Phong Thổ lại không ra quả. Tương tự ở Tây Nguyên cũng không phải nơi nào cũng cho năng suất, một số vùng trồng mắc ca ở độ cao lớn, đất dốc, nhiều gió… cũng không ra quả.

Tỉ lệ hoa đậu quả chỉ 1-3%, vốn đã rất thấp, nếu gặp bất thuận thời tiết thì xem như mất mùa trắng. Vì thế theo tôi cần phải thận trọng, chỉ nên trồng ở các tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng đã điều tra đánh giá, thử nghiệm kỹ.

Theo điều tra của chúng tôi, hầu hết nông dân đã trồng mắc ca đều cho rằng đây là cây chỉ dành cho người giàu, bởi suất đầu tư cơ bản khá lớn, tới 50-60 triệu đồng/ha, thời gian cho thu hoạch phải tới 6-7 năm. Nếu giá mắc ca không thật sự cạnh tranh cao so với các cây công nghiệp khác thì sẽ rất nan giải.

(Ông Nguyễn Viết Khoa, Phó trưởng phòng Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất