| Hotline: 0983.970.780

Trồng 'cây tỷ đô': Chúng ta có cơ hội và cả những bài học lịch sử

Thứ Ba 10/03/2015 , 09:35 (GMT+7)

"Thực tế cây mắc ca không đến mức khó tính và có độ rủi ro cao như một số người nhận định" - Giáo sư Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng khẳng định./ Đừng để có tội với nông dân

“Tất nhiên là không nên quá vội vàng, không nên làm ào ào, nhưng cũng cần phải có cái nhìn đúng, có quy hoạch đúng để phát triển cây mắc ca nhanh và bền vững ở Việt Nam. Chúng ta có cơ hội nhưng cũng có những bài học lịch sử”, Giáo sư Hoàng Hòe (ảnh) nói thêm.

19-09-38_honghoe

Rất khó, nhưng 1 tỷ USD không phải là con số hoang tưởng

Một trong những vấn đề gây tranh cãi là các số liệu thống kê và thực tế về giá trị kinh tế của cây mắc ca, GS Hoàng Hòe tính toán: Trước hết có thể khẳng định, trồng cây mắc ca đầu tư chi phí ít hơn so với cà phê, cao su, tiêu…

Một ha mắc ca từ khi trồng đến khi ra quả mất khoảng 50 triệu/đồng/ ha, trong khi đó những cây trồng khác đều hơn. Nhưng hiệu quả kinh tế trên một ha mắc ca lại cao hơn cà phê, điều, cao su và một số cây khác.

Ở Úc, tổng kết về cây mắc ca sau 30 năm người ta đã tính ra rằng, giá hạt mắc ca thời điểm cao vào khoảng 4 USD/kg, thấp 1,5 USD/kg, bình quân trong 30 năm là 3 USD/kg hạt. Lợi tức nông dân trồng mắc ca dài hạn ở Úc chỉ tính 5.000 AUD/ha/năm.

Tuy vậy Úc cũng đang mở rộng diện tích, mỗi năm trồng thêm khoảng 400.000 cây (2.000 ha), kế hoạch Úc đưa sản lượng lên 70.000 tấn vào năm 2020 và 100.000 tấn vào năm 2030. Những con số đó chỉ ra rằng cây mắc ca không phải là không có sự hấp dẫn về giá trị kinh tế.

Còn ở nước ta, nhiều chuyên gia về cây mắc ca của Úc sang Tây Nguyên làm việc, họ nhận xét rằng mắc ca trồng ở Tây Nguyên có năng suất cao hơn bên họ. Hiệu quả kinh tế mắc ca ở VN chắc chắn cao hơn bên Úc.

“Cây trồng tỷ đô”, rất khó, nhưng theo tôi, nhận định của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn không hoang tưởng chút nào. Nếu chúng ta trồng được 200.000 ha mắc ca, được đầu tư phát triển có bài bản, quản lý vườn cây tốt, làm chế biến tinh thì hoàn toàn có thể thu về trên một tỷ USD/năm (đây là con số giá trị xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến tinh).

Có thể không hoang tưởng, nhưng rất nhiều vấn đề được đặt ra như giống, quy hoạch, quỹ đất, điều kiện tự nhiên, thị trường… chắc chắn sẽ có những biến động, giáo sư “giải quyết” những bài toán này như thế nào?

Trước hết là về quỹ đất. Hiện Bộ NN-PTNT đã giao Viện Điều tra quy hoạch rừng quy hoạch 2 vùng phát triển cây mắc ca ở Việt Nam là vùng Tây Nguyên và vùng Tây Bắc nên chắc chắn tới đây diện tích trồng mắc ca ở 2 vùng này sẽ có bước phát triển.

Nhưng cần quy hoạch cụ thể, không phải chỗ nào ở Tây Nguyên, Tây Bắc đều thích hợp. Còn vùng Đông Bắc vì có mưa phùn vào mùa ra hoa cây mắc ca trồng sẽ ít kết quả, vùng ven biển miền Trung, vùng Nam bộ nóng quá sẽ không trồng mắc ca được.

Thực tế cây mắc ca không đến mức khó tính và có độ rủi ro cao như một số người nhận định. Nếu không tin cứ hỏi những nông dân đã trồng mắc ca ở Tây Nguyên thì rõ.

Cây mắc ca thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của nhiều nơi của Tây Nguyên, Tây Bắc, tất nhiên là không phải nơi nào ở hai vùng này cũng trồng được mà cần phải xác định trong quy hoạch cụ thể của từng tỉnh.

Theo Viện Điều tra quy hoạch rừng, Tây Nguyên có 5 triệu ha đất thì ít nhất có khoảng 20% diện tích (1 triệu ha) phù hợp với cây mắc ca. Trong 1 triệu ha đất phù hợp chỉ cần quy hoạch phát triển 200.000 ha mắc ca, con số phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường thế giới trong mấy chục năm tới.

Theo tôi, trong số 200.000 ha trồng mắc ca nên có 100.000 ha trồng xen canh vào vườn cà phê, 100.000 ha còn lại sẽ trồng thuần ở những vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp. Tây Nguyên hiện có rất nhiều vườn cà phê năng suất chỉ từ 1,5-1,8 tấn hạt/ha.

Đó là hậu quả của việc phát triển cà phê một cách ồ ạt trước đây. Đối với những diện tích đó không nên tái canh cà phê nữa mà nên trồng xen cây mắc ca để dần dần thay thế, đến lúc nào cà phê tàn sẽ bỏ cà phê...

Hiện nay đã có nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum đã trồng xen mắc ca vào vườn cà phê và cả hai loại cây trồng này đều phát triển tốt, cà phê vẫn cho năng suất cao, lại có nguồn thu thêm lớn từ cây mắc ca.


Một vườn mắc ca trĩu quả ở Lâm Đồng

Còn bài toán thị trường, rất nhiều người lo ngại, thưa giáo sư?

Trong hội thảo chiến lược phát triển mắc ca tại Tây Nguyên mới đây, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Việt Nam đã trồng khảo nghiệm mắc ca từ năm 1994 tại Ba Vì, Đăk Lăk, Sơn La và Phú Thọ, kết quả cho thấy có 2 vùng tự nhiên phù hợp là Tây Bắc và Tây Nguyên có thể phát triển trên diện tích rộng. Tuy nhiên cho đến nay có thể nói, Việt Nam chưa có một chiến lược toàn diện phát triển cây mắc ca.

Vấn đề thị trường, những lo ngại về giá cả biến động, chúng ta cũng nên thẳng thắn nhìn nhận là tất cả các cây nông nghiệp khác giá đều biến động.

Vì vậy, vấn đề cần lưu ý hơn là việc tính toán thế nào để bán ra thị trường sản phẩm mắc ca có chất lượng, tiến tới làm chủ thị trường. Theo thống kê, sản phẩm mắc ca thế giới hiện mới chỉ chiếm 1,2% tổng sản lượng các hạt cứng toàn cầu.

Hạt hạnh nhân 1 triệu tấn/năm chiếm 35%, hạt điều 500.000 tấn chiếm 16%, hạt mắc ca ngon hơn, có giá trị dinh dưỡng cao thì hoàn toàn có thể đưa sản lượng mắc ca lên gấp 10 lần con số 44.000 tấn (năm 2013) mà không sợ thừa.

Mặt khác, quỹ đất phù hợp để phát triển cây mắc ca trên thế giới không nhiều. Úc vẫn đang tìm đất mở rộng diện tích, Hawaii thì đã hết đất phát triển mắc ca. Vân Nam, Quảng Tây, hai nơi trồng mắc ca nhiều nhất ở Trung Quốc được đánh giá là hơi khiên cưỡng, không thực sự thuận lợi…

Đây là cơ hội tốt để Việt Nam phát triển nhanh chiếm lĩnh thị trường. Tôi có thể khẳng định, chúng ta có điều kiện thuận lợi để phát triển cây mắc ca.

Giải bài toán giống

Có một thực tế là những phép tính trên vẫn còn gây tranh cãi, là chuyện ở thì tương lai, còn hiện tại, cây mắc ca Việt Nam đang khá lộn xộn về công tác nghiên cứu, quản lý giống... Giáo sư có giải pháp gì cho vấn đề này?

"Cạnh chúng ta, Trung Quốc phát triển mắc ca khá mạnh, trong vòng 5 năm họ đã trồng 34 nghìn ha, tuy nhiên chúng ta không chạy theo diện tích, không phát triển kiểu phong trào, chúng tôi đề nghị coi trọng giống, chất lượng, quản lý vườn cây, năng suất, hiệu quả và coi trọng ngay từ đầu khâu chế biến để mắc ca phát triển vững chắc. Chúng ta nên rút kinh nghiệm từ cây cà phê, cao su, từng xảy ra tình trạng phát triển ào ào bây giờ gặp rất nhiều vấn đề nan giải về đất đai, về đầu ra sản phẩm...”, GS Hoàng Hòe.

Đúng là thị trường giống mắc ca hiện nay ở Việt Nam còn lộn xộn. Nhiều vườn ươm mọc lên hoạt động buôn bán gian dối, tạo ra một số lượng không nhỏ giống mắc ca không tốt.

Một số vườn ươm dùng chiêu trò giả vờ ghép giống cây mắc ca nhưng thực chất vẫn dùng giống thực sinh, dùng dao cứa cứa vài ba nhát rồi ngụy trang thành giống ghép để bán với giá rẻ.

Thiệt hại nhất vẫn là người nông dân. Tâm lý nông dân thường ham giống rẻ nên bị lợi dụng, họ khó tiếp cận được với những loại giống chất lượng.

Vì vậy cần phải hướng dẫn nông dân chọn trồng giống tốt, đúng vùng sinh thái thích hợp, bón phân tưới nước đầy đủ thì năng suất sẽ tăng hàng năm, không có chuyện năm được năm mất.

Không phải chỉ ở Việt Nam, mà ở Nam Phi, ở Trung Quốc cũng có chuyện một số nông dân mua phải cây giống kém chất lượng về trồng nên năng suất rất kém…

Hiện ở những quốc gia này giải quyết bằng cách bắt các chủ vườn ươm phải đăng ký, phải có giấy chứng nhận, phải cam kết chịu trách nhiệm khi bán giống.

Có thể cần quy định Sở NN-PTNT kiểm tra xem xét cấp giấy chứng nhận chất lượng giống của các vườn ươm đạt tiêu chuẩn, nhất là yêu cầu phải có vườn cây đầu dòng đảm bảo chất lượng và có tên giống rõ ràng.

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đang tiếp tục đánh giá kết quả khảo nghiệm giống. Kinh nghiệm ở Úc, Hawaii, một khảo nghiệm giống mắc ca phải từ 10-15 năm mới có kết quả.

Theo tôi ta nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tất nhiên ta không nên phát động nông dân trồng ồ ạt, không làm theo kiểu phong trào.

Nhưng không nên chần chừ chờ đợi kết quả khảo nghiệm mà cứ mạnh dạn trồng đi, vừa phát triển vừa rút kinh nghiệm. 10 năm nữa có kết quả nghiên cứu nghiêm túc ta sẽ điều chỉnh không muộn (đó là kinh nghiệm của Úc và các nước khác).

Xin cảm ơn giáo sư!

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.