Ông Cao Chí Công lý giải: Tất cả mới chỉ là thông tin và kết quả sơ bộ từ một vài mô hình khảo nghiệm quy mô nhỏ.
Ông Cao Chí Công
Thưa ông, gần đây có một số thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khẳng định: Việt Nam đang đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ trồng hơn 200.000 ha cây mắc-ca tại Tây Nguyên, và có ngân hàng cũng tham gia bằng cách cho nông dân vay vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi. Với tư cách là người phụ trách về cây mắc-ca của Tổng cục Lâm nghiệp, ông nói gì về những thông tin này?
Trước hết tôi xin khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Bộ NN-PTNT chưa ban hành tài liệu hoặc văn bản nào chính thức xác định mục tiêu trong 5 năm tới sẽ trồng 200.000 ha cây mắc-ca ở Tây Nguyên cả.
Mặc dù Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo Viện Điều tra quy hoạch rừng lập quy hoạch phát triển cây mắc-ca cho khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2015-2025. Trong đó chủ yếu là phương án quy hoạch trồng xen cây mắc-ca đối với những diện tích đã trồng các loại cây trồng khác và đất trống phù hợp.
Tuy nhiên, đến thời điểm này các địa phương vẫn chưa có báo cáo phương án quy hoạch cụ thể nên chưa có cơ sở để khẳng định quỹ đất trồng mắc-ca ở Tây Nguyên là 200.000 ha như một số thông tin đã đưa.
Mặt khác, chúng tôi cũng chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc các ngân hàng cũng tham gia vào dự án này bằng cách cho nông dân vay vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi.
Còn về tính hiệu quả của cây mắc-ca thì đến thời điểm hiện tại chưa có thể khẳng định được điều gì.
Trên thế giới, theo báo cáo của Hiệp hội mắc-ca Úc năm 2010 (Kim Wilson, 2010) thì cả thế giới có khoảng 80.000 ha cây mắc-ca, tập trung chủ yếu ở các nước Úc, Mỹ, Nam Phi, Brazin, Trung Quốc, Thái Lan... Tổng sản lượng hằng năm khoảng chừng 115.000 tấn.
Năm 2011, trên thị trường thế giới, giá hạt mắc-ca có tỷ lệ nhân 33% với độ ẩm 10% phổ biến khoảng 4,2 USD/kg.
Còn ở Việt Nam, về diện tích, cả nước hiện nay mới trồng được khoảng 2.000 ha, trong đó mới chỉ một số ít diện tích, khoảng 30 ha đến tuổi cho thu hoạch ở giai đoạn đầu (8-11 năm).
Về mặt sản lượng cũng còn khiêm tốn, phần sản lượng hạt được đánh giá ở các công thức trồng khảo nghiệm giống quy mô nhỏ. Giá hạt mắc-ca tươi từ các chủ rừng bán để tạo giống khoảng 100.000-150.000 đồng/kg.
Ngoài số liệu hỗn loạn về lợi ích kinh tế, về diện tích thì rất nhiều vấn đề khác như giống, giải pháp kỹ thuật… cũng chưa được khẳng định rõ ràng. Trong khi đó, ở một số nơi, “cây trồng tỷ đô” bắt đầu nảy sinh các vấn đề phức tạp như đội giá giống để trục lợi, bán giống kém chất lượng, nông dân mua giống trôi nổi trồng và thất bại? Có vẻ như có một bộ phận cố tình tung tin đồn để trục lợi. Phải không, thưa ông?
Vấn đề giống mắc-ca phải đặc biệt thận trọng. Trong một cuộc họp mới đây, chính Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đã cảnh báo: Đối với cây mắc-ca đang có một số người cố tình nói quá lên.
Tất nhiên, không ai phủ nhận loại cây trồng này có thể có giá trị về mặt kinh tế, nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay số hạt thương phẩm dùng để chế biến bánh kẹo chưa có chỗ nào sản xuất và bán ra thị trường được cả. Chủ yếu vẫn là bán giống.
Về quan điểm của Bộ NN-PTNT, theo chúng tôi, nếu cây mắc-ca có nơi tiêu thụ bền vững, ổn định, có giá trị kinh tế, có đất đai phù hợp, không ảnh hưởng đến môi trường, không phá rừng đi, trồng xen được trên đất trống đồi núi trọc, không xâm lấn các loại cây trồng khác thì sẽ khuyến cáo người dân trồng, thậm chí là thay đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là tất cả mới chỉ là thông tin.
Theo khảo sát của chúng tôi, chưa có một DN nào đứng ra nói sẽ thu mua hạt mắc-ca của dân để làm bánh kẹo, làm hạt khô mà chỉ có những người bán giống.
Cần cẩn trọng hơn với cây mắc-ca
Vì vậy, nếu không cẩn thận sẽ có tình trạng những người bán giống tự nâng giá trị, tung hô cây mắc-ca quá đà để “đục nước béo cò”. Rất lo ngại về thực trạng này nên Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giao cho các nhà khoa học, Tổng cục Lâm nghiệp phải xem xét thận trọng.
Hiện nay trên các trang mạng internet xuất hiện tràn lan các thông tin quảng cáo bán giống cây mắc-ca với các mỹ từ như “cây tỷ đô”, “nữ hoàng hạt khô”… Lấy ví dụ, trên trang Agriviet.com, một cơ sở buôn giống ở Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) quảng cáo: Hiện nay giá bán quả mắc-ca tại VN lên tới 300.000đ/kg và chủ yếu dùng để làm giống. Thực tế cho thấy, mắc-ca mang lại hiệu quả kinh tế gấp 5 lần so với cây cà phê. Giá cây giống được chia thành 2 loại: Loại mắc-ca thực sinh giá 20.000 đồng/cây. Mắc-ca ghép giá 60.000 đồng/cây. |
Trong thời gian qua, Tổng cục Lâm nghiệp đã có những bước đi căn bản như chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành thực hiện các nghiên cứu cơ bản về cây mắc-ca như nhập giống, khảo nghiệm tính thích ứng của các giống thương mại, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống, kỹ thuật bảo quản sau thu hái, sơ chế và chế biến…
Đồng thời Bộ NN-PTNT cũng tiến hành lập quy hoạch phát triển cây mắc-ca ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Đến nay đã có 10 giống mắc-ca được Bộ NN-PTNT công nhận để phát triển vào sản xuất tại Krông Năng (Đăk Lăk) và Ba Vì (Hà Nội).
Tuy nhiên, ngay cả 10 giống được công nhận này cũng mới chỉ phù hợp ở những nơi trồng khảo nghiệm. Bước đầu có thể nhận định, trong các mô hình khảo nghiệm thì cây mắc-ca có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, nhưng trồng đại trà thì chưa khẳng định được.
Những năm qua, nông dân Việt Nam thường có tâm lý chạy theo các cây trồng được giá trên thị trường, sẵn sàng chặt bỏ cây trồng khác. Chẳng hạn như chặt điều trồng cao su, trồng ca cao, và khi giá xuống thấp lại chặt ca cao trồng dừa, trồng bưởi da xanh, chặt cao su để trồng khoai mỳ (sắn)... Và có thể cây mắc-ca không nằm ngoài phong trào đó, Tổng cục Lâm nghiệp có khuyến cáo gì với người nông dân và các địa phương?
Bài toán dự báo thị trường để lập kế hoạch phát triển luôn luôn khó. Tuy nhiên, theo xu hướng tăng giá trị theo các năm như đã trao đổi ở trên thì trong tương lai gần cây mắc-ca có thể là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế.
Mặc dù vậy, để đảm bảo phát triển bền vững, các địa phương cần phải căn cứ vào quy hoạch vùng sau khi Bộ NN-PTNT công bố mới tiến hành rà soát quy hoạch phát triển mắc-ca của tỉnh, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn giống cây mắc-ca, khuyến cáo người dân không trồng các giống không rõ nguồn gốc.
Đối với bà con nông dân, trước mắt chỉ nên phát triển cây mắc-ca theo phương thức trồng xen ở những diện tích đã trồng các loại cây trồng khác như cà phê, tiêu, chè… và trồng phân tán trong vườn nhà và những nơi đất trống tốt. Đặc biệt, bà con cần sử dụng đúng các giống mắc-ca đã được Bộ NN-PTNT công nhận mới cho sản lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu thương mại cho từng vùng.
Xin cảm ơn ông!