| Hotline: 0983.970.780

‘Cây tỷ đô’, ngon nhưng không ‘dễ ăn’

Thứ Tư 18/03/2015 , 15:28 (GMT+7)

Khi đầu tư vào cây mắc ca, nhà đầu tư phải mạnh vốn và lâu dài sau đó mới mong hoàn vốn và có lời vì cây mắc ca cho trái sau 5 năm, thậm chí có cây tới 8 năm mới bắt đầu cho trái lần đầu./ Tham vọng 'gói 100.000 tỷ' đầu tư trồng 'cây tỷ đô'

Cây mắc ca thuộc loại thường xanh (evergreen), có lá quanh năm, chiều cao của cây có thể lên đến 12 - 15 m khi trưởng thành.

Mắc ca là cây bản địa của Úc, đã có rất lâu đời, chủ yếu sống ở các tiểu bang New South Wales (phía Bắc) và Queensland (phía Đông Nam). Trước đây người nông dân Úc chỉ trồng cây mắc ca để chắn gió cho mùa màng vì chưa  hiểu biết nhiều về giá trị  kinh tế và dinh dưỡng của nó, hơn nữa nhu cầu thương mại trong và ngoài nước của hạt mắc ca lúc đó hầu như chưa có nhiều như ngày nay.

Mãi đến những năm 1940 người ta mới bắt đầu để ý đến nó. Cụ thể ở Hawaii (Big Islands) người ta bắt đầu mở ra nhiều nông trại trồng cây mắc ca để kinh doanh thương mại.

Trước đây, Hawaii đứng vị thế thứ nhất về sản lượng và chất lượng mắc ca trên thế giới, mãi cho đến những năm gần đây Úc mới trở lại vị thế này về tổng số diện tích canh tác, còn chất lượng thì Hawaii vẫn dẫn đầu và được bán giá cao hơn (một số người Úc không đồng quan điểm này).

Do nhu cầu hạt mắc ca trên thế giới gần đây đang tăng cao, cụ thể nhu cầu mua của các nước ở vùng châu Á tăng mạnh, giới truyền thông Úc đã phát động nhiều chương trình nói về tiềm năng kinh tế của cây mắc ca nhằm khuyến khích đầu tư nhưng kết quả còn hạn chế do thời gian đầu tư cho cây mắc ca khá lâu, hiệu quả kinh tế không cao và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh.

Đặc biệt hơn nữa là sự lệ thuộc vào khâu thu mua, phân phối của các công ty chế biến, khi được mùa thì bị ép giá, khi mất mùa thì lỗ thê thảm. Liệu Việt Nam có tránh được tình trạng này khi cây mắc ca có thu hoạch?

Về đặc tính và cây giống, mắc ca có hai loại giống chính cho hạt ăn được là: M.integrifolia  và M. Tetraphylla. Từ hai giống này, người ta cho lai tạo ra cho nhiều giống lai để cho năng suất cao hơn, phù hợp thổ nhưỡng địa phương và chống bệnh…

Những giống lai ở Australia hiện nay gồm có: HV A4, HV A16, HV A29, HV A38, HV A203, HV A268, HAES 246, HAES 344, HAES 660, HAES 705,  HAES 741, HAES 781, HAES 783, HAES 814, HAES 16, HAES 835, HAES 842 và Daddow.

Khâu chọn giống để trồng rất quan trọng. Mỗi loại giống có đặc điểm khác nhau về tính trạng, ví dụ như năng suất, chất lượng, kháng hạn, kháng bệnh… Chính vì thế chọn giống cho phù hợp không phải là chuyện dễ. Nếu chọn giống không đúng cho địa phương trồng thì năng suất sẽ thấp và cho ra hạt mắc ca nhỏ.

Nói chung nhiệt độ và ánh sáng rất quan trọng để cho cây tổng hợp diệp lục tố và phát triển. Nhiệt độ lý tưởng để cho cây mắc ca phát triển và cho năng suất cao và chất lượng hạt tốt là từ 20-25oC, khi nhiệt độ lên quá 35OC thì cây sẽ bị căng thẳng nhiệt (stress), không phát triển, tàn úa và có thể dẫn đến chết cây .

Mật độ mưa cần thiết hàng năm ít nhất khoảng 1.200mm/năm, tốt nhất là từ 1.500-2.500mm/năm. Nếu lượng mưa nhiều khoảng 4.000 mm/năm sẽ dẫn đến tình trạng thối cây và cây dễ bị ngã đổ khi gặp gió.

Ngược lại, cây mắc ca cần nước quanh năm để tồn tại và phát triển, chính vì thế mùa nắng phải đảm bảo đủ nước để tưới. Đây là thử thách lớn cho nông dân khi trồng cây mắc ca ở vùng cao nguyên và gặp những năm hạn hán. Nếu không đủ nước tưới thì cây sẽ chết hoặc còi cọc không phát triển được sẽ dẫn đến năng suất rất thấp.

Vào những mùa có mây che phủ bầu trời nhiều hoặc có mưa thường xuyên sẽ làm cho vỏ hạt dày lên và hạt nhân (kernel) của mắc ca nhỏ lại, điều này làm giảm kích cỡ và giá trị kinh tế của hạt mắc ca.

Mắc ca rất nhạy cảm với nguồn nước có chứa nhiều muối (saline), cho nên trước khi trồng nguồn nước cần phải được xét nghiệm cẩn thận. Khi lượng muối chứa trong nguồn nước >300ppm sẽ làm cháy lá. Đối với cây mới trồng trong vài năm đầu phải được bảo vệ tránh ảnh hưởng của sương và sương muối.

Cây mắc ca thuộc loại cây cho trái một năm một lần, chính vì thế dễ bị bệnh và côn trùng đục phá làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và sức khỏe của cây. Khi canh tác cây mắc ca cần phải có một quy trình bảo vệ thực vật cụ thể và rõ ràng, chế độ phân bón, tưới và dinh dưỡng đúng theo nhu cầu của từng giai đoạn hàng năm của cây.

Theo các thống kê và nghiên cứu, mắc ca cho năng suất và chất lượng hạt cao khi được trồng gần vùng duyên hải so với trồng ở vùng cao nguyên. Điều này chứng minh cho thấy mắc ca của Hawaii cho năng suất và chất lượng tốt hơn của Úc. Bộ rễ của mắc ca không có rễ cái rõ ràng, các rễ phụ đan gần mặt đất (khoảng 0,5m), chính vì thế cây dễ bị ngã đổ khi gặp gió lớn hoặc mưa lâu ngày. Ngoài ra thân cây và cành mắc ca thuộc loại gỗ giòn nên cũng dễ bị gãy ngang khi gặp phải những cơn gió lớn.

Đến mùa thu hoạch hàng năm, trái mắc ca tự động rụng từ trên cây xuống. Ở Úc người ta dùng máy cơ giới để thu hoạch trái mắc ca trên mặt đất.

Trái mắc ca phải được tách vỏ ngay sau thu hoạch trong vòng 24 giờ để ngăn chặn nhiệt làm hư độ ẩm của hạt. Tiếp đó, để tránh hạt trở mùi (chưa tách vỏ cứng) cần phải sấy khô để thành phần độ ẩm trong hạt còn khoảng 10% trước khi chở đến nhà máy chế biến tách vỏ. Thu hoạch trái mắc ca từ mặt đất bằng thủ công là một điều khó khăn vì trái mắc ca rụng lai rai và có thể kéo dài tới 6 tháng.

Dưới đây là bảng năng suất của cây mắc ca Úc:

Năm

Kg/Năm/cây

Kg/Năm/ha*

1

0

0

2

0

0

3

0

0

4

0

0

5

1

300

6

2

600

7

4

1.200

8

6

1.800

9

9

2.400

10

10

3.000

11

11

3.200

12-15

12-13

3.500-4.000

* Mật độ trồng 312 cây/ha (hàng cách hàng 8m, cây cách cây 4m)

Về diện tích canh tác, tính đến năm 2014, cả nước Úc có khoảng 850 nông trại trồng cây mắc ca. Tổng diện tích canh tác cây mắc ca ở Úc gần 6.000.000 cây, tương đương 19.230 ha (theo tiêu chuẩn trồng hiên nay 312 cây/ha, hàng cách hàng 8 m, cây cách cây 4 m).

Tuy nhiên chúng ta có thể trồng dày hơn, vì giá công lao động ở Úc cao cho nên công việc thu hoach trái rụng trên mặt đất đều bằng máy móc.

Tổng sản lượng mắc ca của Úc hiện nay khoảng 40.000 tấn/năm, chưa tách vỏ. Sau khi tách vỏ và sấy khô chỉ còn được khoảng15.000 tấn hạt nhân (kernel), tỷ lệ khoảng 35 - 40% sau khi tách vỏ. Tỷ lệ này thay đổi theo thời tiết và khi hậu hàng năm của nơi trồng, không ổn định.

Theo dự tính, diện tích canh tác cây mắc ca của Úc tăng mỗi năm khoảng 6% cho đến năm 2025. Trong khi đó diện tích trồng cây mắc ca ở Hawaii giảm từ 9,154 ha xuống còn 6,780 ha (1990 - 2012).

Khi đầu tư vào cây mắc ca, nhà đầu tư phải mạnh vốn và lâu dài sau đó mới mong hoàn vốn và có lời vì cây mắc ca cho trái sau 5 năm, thậm chí có cây tới 8 năm mới bắt đầu cho trái lần đầu.

Cho dù cây mắc ca đã có từ lâu nhưng mới được thương mại hóa trong thập niên vừa qua và năng suất cây mắc ca không ổn định, còn lệ thuộc rất nhiều yếu tố cho nên người ta chưa biết thời gian thu hồi vốn cụ thể là bao lâu?

Có nhiều sự ước đoán của các chuyên gia tư vấn kinh tế nông nghiệp Úc cho rằng thời gian hoàn vốn cho một vườn mắc ca 20 ha khoảng 10 - 12 năm trong “điều kiện mưa thuận gió hòa” có nghĩa là thời tiết thuận lợi, đúng giống, chăm sóc và quản lý tốt. Đó là chưa tính tiền mua/thuê đất, tiền lời ngân hàng và khấu hao máy móc và dụng cụ sử dung trong quá trình canh tác.

Tóm lại, vì đặc thù của sự thích hợp về thổ nhưỡng, thời tiết và giống mắc ca cho ra năng suất khác nhau theo từng địa phương, nên phải dùng nhiều loại giống thích hợp cho từng địa phương. Ví dụ giống trồng thích hợp thổ nhưỡng ở vùng cao nguyên (Đăk Lăk) sẽ khác với giống cây trồng ở vùng đồng bằng (Thanh Hóa).

Cây mắc ca đối với Việt Nam còn rất mới, chúng ta chưa có bất cứ một số liệu thông kê thực sự tin cậy về năng suất, hiệu quả kinh tế, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế độ dinh dưỡng…. cho cây mắc ca.

Theo tôi nghĩ trong giai đoạn này chúng ta vẫn cần tập trung vào tìm hiểu, nghiên cứu và làm khảo nghiệm để xác định hiệu quả kinh tế, quy hoạch và chọn giống phù hợp cho từng địa phương.

Nếu chúng ta không làm điều này trước và tiến hành canh tác với quy mô lớn thì thảm họa về kinh tế không lường được và lúc đó nợ xấu của các ngân hàng có liên quan sẽ tăng cao, người nông dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt kiều Australia

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.