| Hotline: 0983.970.780

'Cây tỷ đô' trên đất Điện Biên: Khuyến khích, nhưng không nóng vội

Thứ Năm 02/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Tại Điện Biên, 3 năm trở lại đây, diện tích trồng cây mắc ca tăng lên khá nhanh. Người dân tỏ ra hào hứng./ Cứ trồng là đơm bông, kết trái

Một số đơn vị “nhảy” vào SX, kinh doanh cây giống. Ngành Nông nghiệp địa phương khẳng định, mắc ca là cây trồng có giá trị kinh tế cao, tỉnh khuyến khích phát triển, tuy nhiên, phải quản chặt khâu SX, kinh doanh giống; đồng thời xây dựng quy hoạch, không nóng vội.

Hợp tác cùng nông dân

Người dân một số địa phương đang hào hứng với mô hình liên kết SX do DN đứng ra. Đơn vị tiên phong trong lĩnh vực hỗ trợ dân trồng mắc ca là Cty CP Mắc ca Điện Biên.

Giám đốc Cty, ông Phạm Duy Thành cho biết, Cty bắt tay vào làm mắc ca từ năm 2012. Ban đầu, do chưa SX được giống nên phải đi nhập từ Ba Vì, Hà Nội. Ngoài giống, các hộ tham gia mô hình còn được hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV.

Tại mỗi xã, cán bộ Cty phối hợp cùng cán bộ khuyến nông cơ sở, tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca. Điều khiến người tham gia yên tâm nhất là toàn bộ sản phẩm sau này sẽ được Cty đứng ra thu mua theo giá thị trường.

Thời điểm hiện tại, mô hình đã nhân rộng ra trên địa bàn 2 huyện, 1 TP với gần 80 hộ tham gia, diện tích trên 80 ha.

Mùa làm nương, ngồi đợi tới khi trời nhá nhem tối, chúng tôi mới gặp được những hộ dân tham gia mô hình ở bản Tà Lèng, xã Tà Lèng (TP Điện Biên Phủ).

Chị Cà Thị Xuyến, bản Tà Lèng, mồ hôi nhễ nhại cầm đèn pin dẫn chúng tôi lên thăm đồi mắc ca của gia đình. Trên quả đồi hơn 1 ha, qua ánh đèn loang loáng, từng cây mắc ca xanh tốt hiện ra. Thân cây rắn rỏi, cao chừng hơn 2 m, ngọn đâm tua tủa như mũi giáo.

Chị Xuyến cho biết, cuối năm 2012 cũng như nhiều hộ khác ở Tà Lèng, khi được Cty Mắc ca Điện Biên giới thiệu, chị đồng ý tham gia ngay.


Người dân tỏ ra hào hứng với cây mắc ca

“Nhà tôi đất rộng, quả đồi trước đó trồng ít tre, cỏ dại mọc um tùm. Tham gia mô hình, chúng tôi được cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Được cái cây này chăm sóc không khó lắm, chả cần tưới tắm gì mà lại ít sâu bệnh”, chị Xuyến cho biết.

Tôi hỏi có biết giá trị loại cây đang trồng không? Chị Xuyến thủng thẳng: “Thì cũng nghe báo đài nói cây tỷ đô gì đó, nhưng giờ đã được thu đâu mà biết. Đằng nào đất để không cũng phí, cứ trồng, sau có quả thì Cty thu mua hết, lo gì”.

Tại đây, một số cây mắc ca đang ra hoa lứa đầu tiên. Nhiều hộ không riêng gì chị Xuyến rất mong mỏi ngày được nhìn thấy cây đậu quả để xem nó tròn méo ra sao.

"Bén duyên" cùng cây cà phê

Nếu tính diện tích trồng mắc ca tập trung, Mường Ảng là huyện có diện tích ít nhất. Nhưng nếu tính tổng diện tích xen canh cà phê thì địa phương này đang là quán quân của tỉnh Điện Biên.

Một lợi thế của Mường Ảng là huyện hiện có trên 3.000 ha cây cà phê đang cần che bóng.

Ông Đặng Văn Năm, Phó phòng NN-PTNT Mường Ảng cho biết, trước đây, huyện có triển khai cho người dân trồng cây keo, vú sữa che bóng cho cà phê nhưng không mấy hiệu quả. Việc tìm cây che bóng cho cà phê là hết sức bức thiết.

Nhận thấy giá trị của cây mắc ca, năm 2011, Mường Ảng tiến hành trồng thử nghiệm xen canh cà phê với diện tích 4 ha, quy mô 2 hộ tại xã Ẳng Cang. Với kiểu trồng xen, mỗi ha cà phê, tối đa chỉ được trồng 100 cây mắc ca.

Đất mới, cây mắc ca ở Mường Ảng phát triển mạnh, tỷ lệ sống lên đến 98%. Hiện số cây trồng từ năm 2011 đã bắt đầu cho hoa. Thậm chí một số cây đã cho quả bói từ năm 2014.


Trồng mắc ca xen canh cà phê

Từ thành công bước đầu, hai năm sau, diện tích mắc ca trồng xen cà phê tiếp tục được tăng lên (13,3 ha), tập trung ở các xã Ẳng Tở, Ẳng Cang, Ẳng Nưa… Năm 2014, diện tích này tăng vọt lên 261,7 ha với 454 hộ tham gia, mở rộng ra 9 xã.

Theo ông Năm, diện tích có tăng mạnh nhưng chỉ là xen canh nên chắc chắn không xảy ra tình trạng phát triển “nóng”. Vì mỗi ha chỉ cho phép trồng 100 cây nên tính ra số lượng cây không nhiều.

Thuộc diện huyện 30A, người dân được hỗ trợ 100% cây giống. Phòng NN-PTNT huyện đứng ra tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, khuyến nông viên các xã để về truyền đạt lại cho người dân.

Năm 2015, huyện Mường Ảng sẽ trồng tập trung thêm 12,8 ha mắc ca. Đồng thời mở rộng diện tích trồng xen cà phê thêm 341 ha.

Ông Lường Văn Tụng, xã Ẳng Tở, dẫn chúng tôi đi thăm đồi mắc ca trồng xen cà phê của gia đình. Tháng 8/2014, ông đăng ký và được Phòng NN-PTNT cấp cho 110 cây mắc ca để về trồng. Từ khi trồng xuống, chưa một lần tưới tắm, ấy vậy cây vẫn xanh tốt lạ thường.

“Cây này gần như chẳng cần chăm sóc, thỉnh thoảng kiểm tra sâu bệnh, bẻ cành chồi ở dưới phần ghép thôi. Bây giờ cứ trồng đã, nghe bảo 5 – 6 năm sẽ cho thu hoạch. Lúc đó rồi sẽ biết”, ông Tụng chia sẻ.

Chị Điêu Thị Kim Oanh, cán bộ khuyến nông xã Ẳng Tở cho biết, năm nay xã đăng ký và trồng thêm 80 ha mắc ca xen canh che bóng cho cây cà phê.

Quản chặt khâu giống

Tại tỉnh Điện Biên hiện có 2 cơ sở tiến hành ươm, ghép mắc ca giống là Cty CP Mắc ca Điện Biên và Trạm Khuyến nông huyện Mường Ảng.

Ông Phạm Duy Thành, GĐ Cty CP Mắc ca Điện Biên cho biết, đơn vị đang có 2 vườn ươm ngay tại TP Điện Biên Phủ với diện tích gần 5 ha. Năng lực SX giống khoảng xấp xỉ 5 vạn cây/năm.

Một đơn vị SX giống mắc ca thông tin, trên thị trường đã xuất hiện giống mắc ca không rõ nguồn gốc. Cây sử dụng mắt ghép giả ngay trên cây thực sinh. Nếu mua phải loại cây này, thiệt hại rất khó lường.

“Nguồn giống bố mẹ chúng tôi lấy từ Ba Vì (Cty CP Nông Lâm sản chế biến, TCty Rau quả nông sản) và những cây do cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đem lên trồng từ năm 2002. 

Mỗi năm, chúng tôi mời chuyên gia từ Úc sang một tuần để hướng dẫn khâu kỹ thuật. Còn cây thực sinh làm gốc ghép chúng tôi mua hạt về gieo. Khoảng 8 – 12 tháng thì tiến hành ghép được”, ông Thành thông tin.

Tại vườn ươm của Cty này, tỷ lệ cây sống sau ghép đạt khoảng 70%. Theo tính toán của ông Thành, hiện nay các vườn ươm mới chỉ đáp ứng được từ 20 – 25% nhu cầu cây giống.

Còn tại Trạm Khuyến nông huyện Mường Ảng, từ năm 2014, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Giống cây ăn quả Khoái Châu (Hưng Yên) tiến hành ươm ghép cây giống mắc ca.

Ông Nguyễn Trọng Kính, Trạm trưởng cho biết, toàn bộ kỹ thuật ươm, ghép đều do Trung tâm đảm nhiệm. Sau khi ghép thành công, Trạm sẽ tiếp nhận để chăm sóc.


Tỷ lệ cây mắc ca giống bị chết rất ít, chỉ khoảng vài %

“Vì là năm đầu ghép, tỷ lệ sống mới đạt 60%. Năm rồi chúng tôi ghép được 1 vạn cây, chắc chắn không đủ cung cấp. Qua 1 vụ là chúng tôi đã có thể tự ghép nhưng để chắc ăn vẫn phải mời cán bộ của Trung tâm lên làm”, ông Kính cho hay.

Trao đổi với PV, ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Điện Biên) cho biết, trên thực tế mắc ca là cây trồng có giá trị cao, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Điện Biên. Mở rộng diện tích, khuyến khích người dân SX là việc nên làm. Tuy nhiên, trồng bao nhiêu, ở đâu thì phải có quy hoạch rõ ràng.

Về vấn đề giống, bà Mai Hương, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp Điện Biên cho biết, Chi cục đang theo rất sát các địa chỉ SX, kinh doanh giống. Như tại Cty CP Mắc ca Điện Biên, Chi cục đã kiểm tra và chứng nhận có khoảng 100 cây đầu dòng. Khi tiến hành ươm ghép hay xuất bán đều phải thông qua Sở NN-PTNT, tránh tình trạng bán giống chất lượng kém ra thị trường. (Hết)

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất