| Hotline: 0983.970.780

Chậm công nhận giống: Nguyên Cục phó Cục Trồng trọt chia sẻ lời gan ruột

Thứ Năm 30/12/2021 , 07:00 (GMT+7)

Chậm công nhận giống mới ngày nào sẽ mất đi cơ hội cho cả doanh nghiệp và nông dân ngày đấy.

Ông Trần Xuân Định nguyên là Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA).

Chậm đủ thứ

Ông thấy ý kiến của Cục trưởng Cục Trồng trọt ở cuộc họp vào ngày 24/12 với Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam vừa qua như thế nào, có gì cần phải trao đổi tiếp nhằm mục tiêu đưa được nhanh giống tốt ra sản xuất?

Trước hết, tôi cũng xin được chia sẻ về những bộc bạch thực lòng tại cuộc họp thảo luận về việc chọn giống đối chứng cho khảo nghiệm VCU tại cuộc họp ngày 24/12/2021 vừa rồi. Một số vấn đề thực thi luật trong công tác khảo nghiệm, công nhận lưu hành giống cây trồng (đối với giống cây trồng chính) cũng đã được các doanh nghiệp và cả các đơn vị nghiên cứu, chọn tạo (thành viên của Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam) phản ánh trong hơn một năm qua. Ở đây, tôi chỉ nêu ra những ý kiến của mình và ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để rộng đường dư luận và thông tin được nhiều chiều hơn.

Luật Trồng trọt (Luật số 31/2018/QH14) được thông qua tại kỳ họp thứ VI, ngày 19/11/2018. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Như vậy, chỉ còn mấy ngày nữa là tròn 2 năm Luật có hiệu lực.

Đúng ra, để thực thi được luật hay nói văn vẻ hơn là để luật đi được vào thực tế cuộc sống, hơn một năm từ khi ban hành (từ 19/11/2018 đến 31/12/2019) là thời gian để các cơ quan quản lý xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật như nghị định, thông tư và các TCVN, QCVN (Tiêu chuẩn Quốc gia và Quy chuẩn Quốc gia).

Ông Trần Xuân Định (ngoài cùng bên phải) thăm ruộng lúa ST25 sản xuất thử của doanh nghiệp Hồ Quang Trí. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Trần Xuân Định (ngoài cùng bên phải) thăm ruộng lúa ST25 sản xuất thử của doanh nghiệp Hồ Quang Trí. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đến tháng 12/2019, Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt đã được Chính phủ ban hành, thông tư về danh mục cây trồng chính cũng đã được Bộ NN-PTNT ban hành. Riêng mảng giống cây trồng thì như đã thấy, đến tận tháng 10/2021 mới ban hành được 2 TCVN về khảo nghiệm VCU và DUS cho 2 cây lương thực là lúa và ngô trên tổng 6 cây trồng chính (hiện một số cây ăn quả và cây công nghiệp thuộc nhóm cây trồng chính chưa có TCVN).

Về việc chỉ định đơn vị khảo nghiệm, đến 24/12/2021 Cục mới có Quyết định 257/QĐ-TT-KHTH về việc chỉ định Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng Quốc gia là đơn vị được thực hiện khảo nghiệm VCU, DUS đối với 2 loài cây trồng là lúa và ngô ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên.

TCVN ra chậm, chỉ định đơn vị khảo nghiệm ra chậm, và các doanh nghiệp thì lo lắng, bối rối vì đã bỏ ra không ít chi phí cho công tác nghiên cứu, chọn tạo và nhiều giống lúa, ngô đã gửi khảo nghiệm VCU, DUS, đánh giá sâu bệnh hại nhân tạo từ trước khi Luật có hiệu lực thi hành.

Theo tính toán của một số thành viên Hiệp hội, chi phí cho một giống được công nhận gồm lai tạo, chọn lọc các thế hệ sau đó thực hiện các khảo nghiệm tác giả tự phải làm trước khi gửi khảo nghiệm 3 vụ VCU, 2 vụ DUS, khảo nghiệm đánh giá sâu bệnh nhân tạo, chi phí khoảng hơn 1,3 tỷ đồng.

Việc chậm công nhận không chỉ sẽ làm doanh nghiệp, tác giả thiệt hại vì lỡ mất thời vụ, cơ hội đưa ra thị trường bị chặn lại cũng làm nông dân ít cơ hội hơn để lựa chọn giống tốt cho sản xuất, giảm chi phí do các giống mới đưa ra sẽ có tính chống chịu tốt hơn. Trước mắt, cũng có ý kiến cho rằng không thiếu các giống tốt, nhưng liệu có phải do cách nhìn đó mà chưa cần, chưa vội hoàn thiện các văn bản để quá trình khảo nghiệm, công nhận bị dừng lại không?

Chậm công nhận, nông dân sẽ thiếu giống tốt để lựa chọn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chậm công nhận, nông dân sẽ thiếu giống tốt để lựa chọn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chưa công nhận lưu hành, chưa chỉ định được đơn vị khảo nghiệm vì chưa có TCVN? Chúng ta cùng xem lại Luật và Nghị định với các điều, khoản sau đây:

Điều 85: Quy định chuyển tiếp, tại khoản 4 điều này như sau: Quy chuẩn Quốc gia, Tiêu chuẩn Quốc gia trong hoạt động trồng trọt đã được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ hoặc thay thế.

Tại khoản 5: Kết quả khảo nghiệm cơ bản giống cây trồng được thực hiện trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị tương đương kết quả khảo nghiệm diện hẹp của luật này. Tại khoản 6: Kết quả khảo nghiệm sản xuất giống cây trồng được thực hiện trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị tương đương kết quả khảo nghiệm diện rộng theo quy định của luật này.

Tại Nghị định 94/2019/NĐ-CP, Khoản 5, Điều 16 quy định chuyển tiếp: Đối với giống cây trồng đã có quyết định công nhận sản xuất thử trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, phải bổ sung kết quả khảo nghiệm có kiểm soát và kết quả khảo nghiệm DUS để công nhận lưu hành.

Như vậy, để không bị gián đoạn, Luật cũng đã chấp nhận rằng nếu chưa có TCVN hay QCVN mới thay thế thì vẫn được phép áp dụng các TCVN và QCVN cũ đã được ban hành, ở đây về khảo nghiệm giống lúa là QCVN 01-55 : 2011/BNNPTNT, giống ngô là QCVN 01-56:2011.

Các thành viên Hiệp hội hiểu rằng, khi chưa có TCVN mới được ban hành, việc khảo nghiệm sẽ tuân thủ các QCVN trên.

Thực tế, kể từ khi Luật có hiệu lực thi hành, chỉ một số giống lúa đã được công nhận cho sản xuất thử theo Quyết định 95/2007/QĐ-BNN và hoàn thành khảo nghiệm DUS, đánh giá sâu bệnh hại nhân tạo là được công nhận lưu hành theo Luật mới. Riêng về ngô, một loạt các giống ngô lai đơn, ngô nếp, ngô đường, ngô sinh khối mặc dù đã hoàn thành VCU, DUS và có đánh giá tính kháng sâu xong 2 năm qua bị "treo". 

Việc quyết định có công nhận hay không phải dựa trên Luật là điều ai cũng phải hiểu, sản xuất, kinh doanh hay mọi hoạt động đều phải tuân thủ Luật; và đơn vị được giao xây dựng Luật sẽ hiểu nó hơn bất kỳ ai khác.

Tổ hợp giống lúa lai mới của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa lai (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Dương Đình Tường.

Tổ hợp giống lúa lai mới của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa lai (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Dương Đình Tường.

Về việc chỉ định cơ sở làm khảo nghiệm: Tại Điều 21 về Cấp, cấp lại, hủy bỏ quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng, Khoản 1 điều này của Luật Trồng trọt ghi rõ điều kiện cấp quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm cây trồng bao gồm: a. Người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành cây trồng, BVTV hoặc sinh học; b. Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phù hợp để thực hiện khảo nghệm theo Tiêu chuẩn Quốc gia về khảo nghiệm giống cây trồng đối với loài giống cây trồng được khảo nghiệm.

Tại Điều 7, Khoản 1 Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định rõ hồ sơ cấp quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng, Khoản 3 điều này về trình tự thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại quyết định công nhận… Và trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định, đánh giá hồ sơ, năng lực thực tế của cơ sở… để cấp quyết định công nhận cơ sở khảo nghiệm.

Thế nhưng đến tận cuối tháng 12/2021, một trung tâm vốn được Bộ thành lập đã trải qua hơn nửa thế kỷ làm chuyên về khảo nghiệm giống cây trồng với đội ngũ cán bộ hùng hậu nhiều tiến sỹ, thạc sỹ và kỹ sư, có hệ thống các trạm và mạng lưới khảo nghiệm ở các vùng sinh thái, trang thiết bị được các dự án, chương trình đầu tư hiện đại và lại thuộc sự quản lý của Cục Trồng trọt, nhưng không hiểu vì hồ sơ chưa đạt hay lý do nào khác mà theo quy định của Luật thì Trung tâm sẽ phải ngừng hoạt động từ sau ngày 31/12/2020 (Khoản 2, Điều 16 quy định chuyển tiếp Nghị định 94/2019/NĐ-CP).

Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng Quốc gia đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt. Các doanh nghiệp và cơ quan tác giả bị "cú sốc” tiếp theo khi nhận được thông báo dừng tiếp nhận giống khảo nghiệm của Trung tâm khi đã hết hiệu lực chỉ định như Nghị định đã quy định. Chuỗi khảo nghiệm giống bị đứt đoạn, giống có tốt đến đâu đi nữa, xin để đấy đã.

Chậm công nhận giống sẽ gây khó cho cả doanh nghiệp giống lẫn các viện nghiên cứu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chậm công nhận giống sẽ gây khó cho cả doanh nghiệp giống lẫn các viện nghiên cứu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chỉnh sửa để Luật đi vào cuộc sống ngọt ngào hơn 

Có ý kiến bảo dù đã từng có nhiều đóng góp khi xây dựng Luật Trồng trọt, Nghị định, TCVN nhưng Cục Trồng trọt không tiếp thu và vì vậy vừa đưa ra đã vướng, tự mình chém vào chân mình khiến doanh nghiệp giống rất bức xúc? Hai năm vừa rồi không cho lưu hành giống ngô nào trong khi sâu keo mùa thu thành dịch, giống kháng thì không được đưa ra, ngô hàng hóa như nếp, đường, sinh khối… sản xuất đang cần mà lại chưa có TCVN?

Về ý kiến này, tôi cho rằng đấy cũng là vấn đề khá nhạy cảm. Quốc hội kỳ này cũng đã và đang đặt vấn đề “cách mạng” trong việc phân công, tổ chức xây dựng luật, tránh vấn đề vì cái nọ, cái kia mà luật vừa ban hành đã thấy bất cập. Giai đoạn vừa rồi, chúng ta thấy nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành đã thấy khó khả thi và không phù hợp với sự phát triển của thực tế cuộc sống.

Luật ban hành mặc dù cũng thực hiện đầy đủ các khâu, các bước, thảo luận, hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân cả văn bản lẫn trên các website của cơ quan quản lý, Chính phủ; song góp ý là góp ý, còn tiếp thu hay không là cái nhìn của người chủ trì.

Với Luật Trồng trọt cũng không tránh khỏi, những bất cập của Luật khi thực thi đã bộc lộ rồi và Vụ Pháp chế của Bộ NN-PTNT cũng đã lấy ý kiến của các đơn vị cũng như cộng đồng doanh nghiệp về những bất cập cần chỉnh sửa vào đầu năm nay, vấn đề là khi nào sẽ tiếp tục chỉnh sửa để Luật đi vào cuộc sống ngọt ngào hơn.   

Hai năm qua, việc chưa công nhận lưu hành được giống ngô về cơ bản cơ quan quản lý đưa ra là do thiếu các TCVN khảo nghiệm có kiểm soát. Và khó thay, mặc dù các đơn vị tác giả gồm cả doanh nghiệp và các viện nghiên cứu đã có đánh giá sâu bệnh hại được tiến hành bởi đơn vị chuyên môn cao nhất là Viện BVTV, nhưng kết quả này không được thừa nhận do Viện BVTV cũng chưa được chỉ định là đơn vị khảo nghiệm có kiểm soát.

Chuỗi công nhận các giống ngô mới với nhiều đặc tính tốt hơn bị gián đoạn, không chỉ các doanh nghiệp, nhất là các doanh hiệp thuộc khối đầu tư nước ngoài kêu trời mà cả các viện nghiên cứu, các đề tài khoa học với sản phẩm phải giao nộp là giống được công nhận lưu hành cũng bức xúc hàng năm nay. Giá ngô phục vụ chăn nuôi tăng cao, diện tích thì giảm, dịch bệnh, nhất là sâu keo mùa thu bùng phát càng làm nóng vấn đề lưu hành các giống ngô mới.

Giống mới sẽ mất đi tính mới nếu chậm bị công nhận. Ảnh: NNVN.

Giống mới sẽ mất đi tính mới nếu chậm bị công nhận. Ảnh: NNVN.

Công nhận giống chậm là một vấn đề nhưng nhiều doanh nghiệp đang rất kêu ca về chuyện giá khảo kiểm nghiệm tăng vọt. Trước đây, một giống ngô chỉ mất cỡ trên 300 triệu đồng thì nay phải mất trên 700 triệu đồng cho việc này, ông nghĩ sao?

Về giá khảo nghiệm, tôi nghĩ tăng cũng là tất yếu, các đơn vị khảo nghiệm là đơn vị dịch vụ công, nhà nước không còn hỗ trợ như những năm trước đây, để nuôi được quân, họ phải tính đúng, tính đủ. Định mức này khi xây dựng và ban hành phải có đủ căn cứ pháp lý cũng như thực tế, được cơ quan chuyên môn thẩm định.

So với mấy năm trước đây, giá lao động phổ thông đã tăng gấp hơn 2 lần, thậm chí còn khó thuê do lao động trẻ khỏe hầu như đi làm trong các khu công nghiệp hoặc dịch vụ, họ cũng không say lắm cái nghề lao động “đầu đội trời, chân đạp đất” mấy.

Hơn nữa, mức chi phí cho việc khảo nghiệm để công nhận lưu hành giống còn phụ thuộc vào vùng mà đơn vị tác giả định lưu hành, nếu phạm vi cả nước thì không phải chỉ hết 700 triệu đâu. Giá chi phí cao buộc các doanh nghiệp phải tính toán và chỉ có thể gửi hạn chế một số những giống ưu việt nhất của mình để tham gia khảo nghiệm, có thể lưu hành được và đưa ra sản xuất kinh doanh mới đảm bảo thu hồi vốn đầu tư và có lãi. Tôi chắc rằng, số giống gửi khảo nghiệm sẽ không còn hàng trăm giống lúa, trăm giống ngô như giai đoạn trước nữa. 

Giống mới có nguy cơ "hết tính thời sự"

Ông Trần Xuân Định cho biết: Việc chậm công nhận nó cũng làm hết tính “thời sự” của giống thôi, còn nếu giống đã được bảo hộ thì nó phải đạt yêu cầu về tính mới cùng với tính đồng nhất, ổn định và khác biệt. Chính sự khác biệt với giống cùng nhóm là thể hiện tính mới. Tuy nhiên nếu chậm thì chủ sở hữu của giống sẽ phải tính toán khi bảo hộ quyền tác giả, bỏ chi phí để bảo hộ và nộp phí duy trì hàng năm mà lại không được lưu hành hay chậm lưu hành thì việc đưa giống mới ra thị trường sản xuất kinh doanh là không được phép.

Khi đó bảo hộ, sẽ là gánh nặng với tác giả, vả lại không bảo hộ thì dễ bị mất nên tác giả đứng trước ngã ba đường và thực sự khó khăn cho lựa chọn, càng khó hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và "siêu nhỏ" có lưng vốn còm cõi.

Mặt khác, chúng ta cũng thấy tốc độ phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, khi các trình tự gen được nghiên cứu sâu, việc chỉnh sửa gen được phổ biến thì tôi cho rằng các giống cây trồng mới cũng như nhiều lĩnh vực y sinh khác sẽ có những bước thay đổi ngoài sự tưởng tượng.

Chuẩn bị mạ cho vụ xuân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuẩn bị mạ cho vụ xuân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chia sẻ với lãnh đạo Cục, nhưng... 

Là một người từng làm quản lý ở Cục Trồng trọt, ông thấy chuyện chậm trễ trong công nhận giống có thông cảm được không và phải xử lý, khắc phục theo hướng như thế nào để có thể triệt để trong thời gian tới?

Cũng thật khó nói, vì trước đây tôi là người trong cuộc, cũng là một cán bộ kỹ thuật làm chọn tạo giống từ khi ra trường, làm khuyến nông chuyển giao giống cũng như tiến bộ kỹ thuật trồng trọt. Giờ với tư cách thành viên VSTA, tôi phần nào hiểu được suy nghĩ và những lo lắng, bối rối của doanh nghiệp và các tác giả thành viên của Hiệp hội, họ bỏ tiền chi phí mà không đưa giống ra sản xuất kinh doanh được thì xót, nhất là bối cảnh dịch dã trăm bề khó khăn.

Vậy nên cái gì cần hoàn thiện thì hoàn thiện ngay, cái gì phải giải quyết trên cơ sở đã đủ dữ liệu, thông tin thì nên làm, đặc biệt là hoàn thành nhanh các TCVN và QCVN cũng như việc chỉ định các cơ sở khảo nghiệm, tiếp tục rà soát các văn bản hướng dẫn, nếu thấy không phù hợp, khó khả thi thì trình sửa đổi, bổ sung. Tôi cũng rất đồng tình với quan điểm của Cục trưởng về hướng xử lý tiếp theo và nói rằng đó là trách nhiệm của Cục, doanh nghiệp không cần phải xin giúp đỡ.

Hi vọng sau cuộc thảo luận này, các doanh nghiệp sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về kết quả khảo nghiệm, đánh giá các giống đang bị nghẽn chưa được xét công nhận lưu hành để làm việc với phòng chuyên môn của Cục hòng tháo gỡ những khó khăn đã bị dồn nén bấy lâu. Các giống đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật và các TCVN sẽ được lưu hành.

Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn Báo Nông nghiệp Việt Nam đã để chúng tôi có cơ hội thể hiện các ý kiến của cộng đồng các nhà chọn tạo giống và các doanh nghiệp về chủ đề này. Xin chúc tất cả chúng ta sang năm mới luôn bình an và chiến thắng đại dịch, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tái cấu trúc thành công.

"Tôi cũng đã nói trong cuộc họp với Cục Trồng trọt hôm vừa rồi là tôi hoàn toàn chia sẻ với cái khó của lãnh đạo Cục khi mà hệ thống hướng dẫn Luật chưa thực sự hoàn chỉnh, song sản xuất vẫn cứ phải tiếp tục; doanh nghiệp vẫn cứ phải vật lộn để tồn tại; các đề tài, dự án vẫn phải tiến hành vì đã được phê duyệt. Sản phẩm nếu không hoàn thành, dự án nếu không được nghiệm thu, tiền đã chi, lại còn uy tín khoa học nữa…", ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.