Từ tháng 8 trở đi, ở Hà Tĩnh bắt đầu vào mùa mưa bão. Để tránh thiệt hại do mưa bão gây ra, người dân trồng mía xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang chăm sóc, chuẩn bị các biện pháp chống gãy đổ, ngập úng cho cây mía.
Xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 28ha mía đường. Hàng năm, cây mía thường được trồng vào tháng 2 và thu hoạch vào tháng 12 để chế biến mật mía. Gia đình ông Nguyễn Văn Mạo ở thôn 4 (xã Thọ Điền) có 5 sào mía cho hay: Thường thì 2 năm tiến hành trồng mới mía một lần. Mía được trồng bằng hom, thường là phần ngọn.
Để trồng được cây mía to, ngọt sắc, từ đầu vụ cần chọn những hom giống mập mạp, không sâu bệnh, có 2 - 3 mầm là tốt nhất. Trong vụ sản xuất thường phải trải qua 4 đợt chăm sóc mía kết hợp tước bỏ lá già, làm sạch cỏ dại, bón phân và vun gốc. Để cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, cần cung cấp đầy đủ phân chuồng, đạm, lân, kali… So với trồng lúa và các loại hoa màu khác, trồng mía cho thu nhập cao hơn nhờ chi phí sản xuất thấp. Hơn nữa, trồng mía không phải bỏ nhiều công sức chăm sóc nên bà con đỡ vất vả.
Cũng theo ông Mạo, cây mía thường sinh trưởng 12 - 18 tháng mới hết chu kỳ, tuy nhiên để phù hợp với chế biến mật mía cuối năm, người dân địa phương chọn giống ngắn ngày hơn. Năm 2024, xã Thọ Điền chủ yếu trồng giống mía ROC10 bởi giống mía này cho năng suất cao.
Đang thoan thoắn bóc tỉa lá mía, bà Nguyễn Thị Tý ở thôn 1, xã Thọ Điền chia sẻ: Việc bóc tỉa lá mía giúp cây mía thoáng, lóng dài ra, hạn chế sâu bệnh, từ đó tăng năng suất. Năm ngoái, với 3 sào mía, gia đình bà Tý thu được hơn 900 lít mật, thu nhập hơn 40 triệu đồng.
Bà Tý cho biết thêm: Thân cây mía ở Thọ Điền chủ yếu được thu hoạch để chế biến mật mía vào cuối năm. Phần ngọn tốt được giữ lại làm giống trồng vào vụ sau. Những cây mía xấu, sâu bệnh, ngọn xấu hay lá mía bóc ra sau mỗi đợt chăm sóc được gom về cho trâu bò ăn hoặc phơi khô làm chất đốt, làm phân bón hoặc tấp tủ gốc cho cây ăn quả.
Cẩn thận buộc từng hàng mía, bà Trần Thị Minh ở thôn 2, xã Thọ Điền cho hay: Sắp đến mùa mưa bão, cây mía thường cao, thân mảnh khảnh nên khó tránh khỏi ngã đổ khi gặp những trận mưa to, gió bão lớn.
"Chúng tôi thường đóng cọc, buộc hàng mía vào thanh tre nứa hoặc buộc cả khóm mía vào với nhau để cây mía đỡ gãy đổ khi gặp mưa to, gió bão lớn. Bên cạnh đó, việc vun gốc mía cũng rất quan trọng. Nếu vun không cao thì sau một đợt mưa kèm chút gió sẽ làm đổ rạp hết cả vườn, khiến mía mất độ ngọt, từ đó làm giảm chất lượng mật. Đây cũng là công đoạn vất vả nhất trong suốt quá trình chăm sóc mía", bà Minh chia sẻ.
Ông Phạm Quang Tùng - Phó Chủ tịch xã Thọ Điền cho biết: Nghề trồng mía ép mật ở xã Sơn Thọ (nay là xã Thọ Điền) có tuổi đời trên 50 năm và đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Mật mía của xã đã được công nhận sản phẩm OCOP.