| Hotline: 0983.970.780

Chán học nông nghiệp

Thứ Sáu 11/06/2010 , 08:20 (GMT+7)

Con em nông dân không còn mặn mà, nhiều giảng viên xin nghỉ việc… Câu chuyện tại cái nôi đào tạo cán bộ nông nghiệp lớn bậc nhất cả nước khiến không ít người lo ngại khi nghĩ về một nền nông nghiệp chuyên nghiệp.

Đại học nông nghiệp không còn hấp dẫn được nhiều con em nông dân

Con em nông dân không còn mặn mà, nhiều giảng viên xin nghỉ việc… Câu chuyện tại cái nôi đào tạo cán bộ nông nghiệp lớn bậc nhất cả nước khiến không ít người lo ngại khi nghĩ về một nền nông nghiệp chuyên nghiệp.

>> Bán cả... ''cần câu''
>> Khoa học kỹ thuật ư? Kệ!
>>Đất bỏ hoang vẫn phải đi... mua rau
>> Nông dân - Khi nào chuyên nghiệp?

Bao giờ có một cụ Nguyễn Vi nữa?

Phòng PGS. TS Trần Đức Viên, Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, luôn có một bó lúa cắm trang trọng trong lọ hoa. Bó lúa vàng óng, căng mẩy đến nỗi tôi tưởng thật tiến lại sờ hoá ra…lúa nhựa. Đó là kỷ niệm của một chuyến công cán nước ngoài của ông, người thầy mà đi đâu cũng chỉ nhìn vào nghề của mình, nhìn vào những sản vật nông nghiệp dấu yêu. Thế mà giờ đây ông ngậm ngùi thú thật: “Nông nghiệp giờ là nghề không còn hấp dẫn. Chỉ cần minh chứng qua số liệu như thế này, các dự án đầu tư về nông nghiệp, các doanh nghiệp về nông nghiệp không nhiều. Thứ hai là số lượng học sinh giỏi, học sinh trường chuyên thi vào nông nghiệp rất ít. Điều đó chứng tỏ ngành nông nghiệp hiện nay ít hấp dẫn”.

Nước ta vốn là nước nông nghiệp, nói đến nghề nông là chân lấm, tay bùn, một sương hai nắng, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Con em nông dân tâm lý học giỏi để ly hương, ly nông, thoát ly nông nghiệp, thoát ly nông thôn. Học rồi mà lại về nông nghiệp, nông thôn thì không muốn. Tâm lý bố mẹ muốn con ra thành phố, trưởng thành, làm những nghề thời thượng, mát mặt họ hàng, mát mặt cha mẹ, mát mặt làng xã. Trong sự tiến bộ khoa học công nghệ những năm gần đây xuất hiện rất nhiều ngành mới, xu hướng xã hội sính ngành mới là xu hướng tất yếu. Nào công nghệ thông tin, quản trị, kiểm toán, kế toán, viễn thông… nghe rất hấp dẫn.

“Ngày xưa người ta ít nghĩ đến cá nhân mà họ nghĩ đến cộng đồng, đất nước. Thời bấy giờ nông nghiệp rất quan trọng, hạt lúa củ khoai nuôi sống cả xã hội. Khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” tạo ra một khí thế hừng hực ở miền Bắc, thi đua sản xuất, đánh giặc. Nhiều người học giỏi giang, có ý chí tình nguyện thi vào nông nghiệp. Những thế hệ chúng tôi ngày xưa học rất giỏi vẫn thi vào nông nghiệp là ý thức phục vụ. Những ngành rất nổi tiếng như cơ khí, thú y “trai cơ khí, gái thú y”, học hành giỏi giang, nghề rất được xã hội trọng vọng. Giờ thời buổi thay đổi rồi, xã hội cần đào tạo cái gì, ta đào tạo cái ấy. Ngành khoa học đất, cơ khí, nông hoá thổ nhưỡng ngày xưa những người học rất giỏi khối A thì mới vào được những ngành này, cỡ những nhà nông nghiệp nổi tiếng như cụ Nguyễn Vi, Trần Khải, Cao Liêm, Lê Văn Căn…nay những ngành này lại có người đăng ký ít nhất”, thầy Viên trải lòng.

Sở đoản trội hơn… sở trường

Trong hai năm nay, tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có khoảng 120 cán bộ, giảng viên đã nghỉ việc và hiện có hàng chục giảng viên khác đang làm đơn xin nghỉ việc. Một con số đáng suy nghĩ.
PGS - TS Trần Đức Viên bảo rằng trường ông không thiếu sinh viên nhưng thiếu là thiếu chung của các trường nông nghiệp khác: “Hàng năm mùa tuyển sinh, các anh hiệu trưởng gọi điện về đây để vận động mình ký vào bản kiến nghị chung hạ điểm chuẩn của các ngành khối nông nghiệp. Tất nhiên mình ủng hộ ”. Hiệu trưởng Viên nói. Đầu vào của những ngành hấp dẫn ngày xưa được coi là cơ bản, là sở trường giờ thường chỉ bằng điểm sàn hoặc nhỉnh hơn điểm sàn một chút, 13, 14 điểm. Không nằm ngoài xu thế chung về mở rộng đào tạo những ngành thời thượng, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chấp nhận mở thêm những ngành được coi là sở đoản. Lạ kỳ thay sở đoản lại lấy điểm rất cao từ 20, 21, 24, 25 điểm như công nghệ sinh học, như môi trường, như kế toán chẳng hạn. Một phần do nhu cầu xã hội, một phần quan trọng nhất là các em học xong ra xin việc dễ hơn vì những ngành đó đang thu hút. Ngành kế toán, quản trị kinh doanh, môi trường của trường đào tạo một khoá 200-300 bao giờ ra cũng hết luôn. Khoá trước rỉ tai bảo khoá sau, mày vào khoa này, khoa kia ra dễ kiếm việc. Đấy là bọn mình phải hạn chế vì không đủ giáo viên chứ nếu mở rộng họ vẫn vào nữa. Lấy điểm cao để khống chế đầu vào vừa đủ với lượng giáo viên”.

Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội còn thành lập Hội đồng công giới nghĩa là Hội đồng của những người sử dụng lao động trường mình gồm doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, cơ quan nhà nước, cơ quan quốc tế…một năm họp 2 lần đánh giá về chất lượng sinh viên, cung cấp thông tin cần đào tạo những cái gì, thêm bớt cái gì, thông báo những tín hiệu xã hội đang có nhu cầu gì. Tín hiệu cho những ngành cơ bản ngày càng kém.

Ngành nông hoá thổ nhưỡng, cơ điện, mỗi khoá một lớp, ví dụ nông hoá chỉ 21 em, cơ khí 65 em. “Nông hoá là ngành ngày xưa rất quan trọng, xem đất thế nào, trồng cây gì, bón phân ra làm sao nhưng giờ thời buổi đã khác, trên bất kỳ bao phân bón nào đều có hướng dẫn rất kỹ, chỉ cần biết đọc, biết viết là sử dụng tốt, rất ít cần một kỹ sư. Đặt câu hỏi ngược lại tại sao ngành Bảo vệ thực vật các em vẫn có việc làm tốt mà nông hoá lại kém? Thuốc thay đổi liên tục, đặc biệt là nhiều thuốc nhập lậu nên nông dân vẫn cần kỹ sư BVTV đi làm khuyến nông, đi làm tiếp thị, đi làm đại lý. Cơ điện ở phía Bắc này kém bởi ta chia ruộng cho nông dân hết rồi, máy cày chạy thẳng cánh không còn nữa, mỗi nhà vài mảnh ruộng, ít, họ thuê cày thuê bừa bình thường, máy cày, gặt đập cả làng cần vài cái, một ông chủ kéo thuê cả làng, họ tự học cách sửa chữa. Máy móc của Trung Quốc nhiều, rẻ, phụ tùng thay thế thoải mái đâm ra mấy ông kỹ sư cơ khí rất vất vả. Khác với miền Nam kỹ sư cơ khí vẫn làm ăn được, đồng ruộng rộng, nông dân sản xuất hàng hoá”, thầy Viên tâm sự.

Những ngành thời thượng ngày xưa giờ kém thu hút nhưng trách nhiệm xã hội vẫn bắt buộc đào tạo bởi đó là những ngành then chốt trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn ví như nông hoá thổ nhưỡng, cơ khí, khoa học đất, sư phạm... Trong hạch toán nhà trường không tính lỗ lãi cho những ngành này” - PGS. TS Trần Đức Viên

Thầy Nguyễn Khắc Thời (Khoa Tài nguyên - Môi trường), nói về tình trạng teo tóp của một số ngành học: “Đến khoá 32 trở đi, Nông hoá thổ nhưỡng teo dần đi do tâm lý sinh viên không thích do ra trường khó xin việc. Khoa nghĩ ra ngành học mới là Hoá nông nghiệp để mở rộng đầu ra, thu hút học sinh không ngờ là cả Hoá nông nghiệp cũng không tìm được đầu ra vì ngành này học ra chỉ vào được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nông hoá thổ nhưỡng, Viện Thiết kế quy hoạch, số bên ngoài nhận ít nên không còn người học. Sau đó, chuyển tên sang ngành khoa học đất nhưng cũng năm được năm mất, có năm không có sinh viên, thậm chí khoá 48, 49, 50 quá ít người vào. Lấy điểm thấp xuống một tí nhưng sinh viên vào học rồi vẫn bỏ. Như năm ngoái vào học cỡ 70 người thì bỏ đến 40%, tâm lý các em rất dao động. Để trấn an các em chúng tôi đã phải mời một số nhà khoa học lớn, có uy tín ở trong ngành này để úy lạo các em về  nghề nghiệp nhưng xem ra không cũng ít hiệu quả”.

Chung tình trạng trên là Khoa Cơ khí gồm điện, cơ và nhất là ngành công thôn (xây dựng công trình nông thôn) ngành này rất quan trọng mà có những năm không có sinh viên, các năm trước có vài người, năm 2009 không có ai. Giáo viên của khoa này có 68 cán bộ, viên chức, mà tổng sinh viên khoảng 120 em, tính ra có 2 sinh viên/1 thầy, chưa kể những giáo viên của khoa khác dạy nữa.

Thầy Viên kể: Có lần vào Vũng Tàu, ngẫu nhiên tôi gặp một cán bộ dầu khí, sau đó anh gọi các bạn bè đến, mình thấy nhiều kỹ sư cơ khí của dầu khí lại tốt nghiệp cơ khí Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Điều đó chứng tỏ chất lượng đào tạo được”.

Thầy còn nói với tôi một nghịch lý về  thói quen chuộng “tên đẹp” của người Việt Nam: “Trước có ngành nghề rất khó tuyển sinh. Nghe đến nghề làm vườn thấy không hấp dẫn, sau đó chúng tôi đổi tên thành Công nghệ rau, hoa, quả và thiết kế cảnh quan, không ngờ thành công. Trước đây chỉ 10-20 em học giờ được 70-80 em, các em tốt nghiệp là có việc. Khổ thế đấy! Nghề của nước mình nhiều khi không phụ thuộc vào chất lượng tay nghề mà phụ thuộc vào cái… tên của nghề”. (Còn nữa)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm