| Hotline: 0983.970.780

'Chấn hưng' ngành dâu tằm tơ

Thứ Năm 20/10/2022 , 17:27 (GMT+7)

Sản xuất dâu tằm tơ của Việt Nam đang có xu hướng phát triển trở lại trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, ngành hàng này vẫn ngổn ngang những 'mắt xích yếu'.

Có dấu hiệu "hồi sinh"

Ngày 19/10, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc (KOPIA), Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển dâu tằm bền vững”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Nghề trồng dâu nuôi tằm là một nghề truyền thống được nông dân ở nhiều nơi trên thế giới duy trì trong gần 4.000 năm, góp phần giải quyết một phần nhu cầu may mặc cho nhân loại. Trải qua một thời gian dài phát triển, nghề trồng dâu nuôi tằm đã phải đối mặt với một số cuộc khủng hoảng toàn cầu, tuy nhiên chính những khủng hoảng đó lại giúp nghề trồng dâu nuôi tằm tồn tại và phát triển tới ngày nay.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia trong nước quốc tế cùng bàn về hiện trạng sản xuất dâu tằm ở các quốc gia nhằm nâng cao vị thế của nghề trồng dâu nuôi tằm của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Giang.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia trong nước quốc tế cùng bàn về hiện trạng sản xuất dâu tằm ở các quốc gia nhằm nâng cao vị thế của nghề trồng dâu nuôi tằm của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Giang.

Mặc dù hiện nay, tơ lụa chiếm một tỷ lệ nhỏ trên thị trường dệt may toàn cầu (dưới 0,2%), nhưng các cơ sở sản xuất của nó lại trải rộng trên 60 quốc gia trên thế giới, trong đó các nhà sản xuất chính ở châu Á với hơn 90% sản lượng tơ lụa. Các hoạt động trồng dâu nuôi tằm sử dụng nhiều lao động. Khoảng 10 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực dâu tằm tơ ở Trung Quốc, cung cấp việc làm cho 7,9 triệu người ở Ấn Độ và 20.000 hộ dệt ở Thái Lan.

Sản xuất dâu tằm Việt Nam đang có xu hướng phát triển trở lại trong những năm gần đây. Năm 2021, cả nước có 32 tỉnh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, với diện tích 13.166ha dâu (tăng 53,99% so với năm 2010); sản lượng kén tươi sản xuất được 16.456 tấn, tăng hơn gấp đôi so với năm 2010, xuất khẩu 1.067 tấn tơ tằm, tăng 94% so với năm 2010 với tổng giá trị xuất khẩu đạt 72,7 triệu USD và là nước xuất khẩu tơ đứng thứ 4 trên thế giới.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, phát triển ngành dâu tằm tơ tại Việt Nam chưa bền vững, trứng giống tằm nhập khẩu khoảng 90%, hệ thống sản xuất trứng giống suy yếu. Các giống tằm, giống dâu năng suất, chất lượng cao còn ít. Người dân trồng dâu nuôi tằm còn ít đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thị trường ngành dâu tằm tơ Việt Nam còn yếu và thiếu thông tin, thiếu tính đa dạng sản phẩm tham gia thị trường, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao chế biến từ dâu tằm tơ.

Những năm gần đây, nghề dâu tằm đã có tín hiệu sáng khi có sự tăng trưởng trở lại. 

Những năm gần đây, nghề dâu tằm đã có tín hiệu sáng khi có sự tăng trưởng trở lại. 

Tiến sĩ Kwon Taek-Ryoun, Tổng cục trưởng Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA) cho biết: Chương trình Nông nghiệp Quốc tế của Hàn Quốc (KOPIA) đang phát triển giống dâu VH2020 phù hợp với môi trường nông nghiệp Việt Nam và mở rộng ngành dâu tằm tơ. KOPIA đang góp phần gia tăng giá trị cho ngành trồng dâu nuôi tằm bằng cách phát triển các sản phẩm chế biến như xà phòng tằm và kem đánh răng.

“Khu vực miền núi và phía Bắc của Việt Nam là môi trường thuận lợi cho ngành dâu tằm tơ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lá dâu và nuôi tằm chất lượng cao, với nguồn lao động chất lượng cao và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Năng lực sản xuất dâu tằm Việt Nam là một lợi thế lớn do có tỷ lệ doanh thu cao trong tổng thu nhập từ trang trại. Chúng tôi kỳ vọng ngành tơ lụa của Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới,” Tiến sĩ Kwon Taek-Ryoun chia sẻ tại hội thảo.

KOPIA đã đầu tư 29 tỷ đồng vào tỉnh Yên Bái trong năm nay để tạo ra 150ha ruộng dâu mới và có những đóng góp nhất định vào sự phát triển ngành dâu tằm tơ Việt Nam thông qua dự án làng thí điểm nuôi tơ tằm cùng 500 nông dân.

Nhiều "mắt xích yếu" cần khắc phục

Trình bày về hiện trạng ngành trồng dâu nuôi tằm tại Việt Nam, TS Lê Hồng Vân, Giám đốc Vietseri cho biết, cả nước có 38.076 hộ nông dân với hơn 101.705 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm trải dài từ Bắc vào Nam tại 35 tỉnh thành trong cả nước. Nếu tính theo lao động, chiếm tỷ lệ 0,24% tổng lao động nông nghiệp. Nghề trồng dâu nuôi tằm đóng góp khoảng 2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản.

Trồng dâu nuôi tằm đã trở thành nghề truyền thống có ý nghĩa xã hội, lịch sử và tính nhân văn sâu sắc. Ảnh: TL.

Trồng dâu nuôi tằm đã trở thành nghề truyền thống có ý nghĩa xã hội, lịch sử và tính nhân văn sâu sắc. Ảnh: TL.

Nghề trồng dâu nuôi tằm tại Việt Nam có thể được chia thành 8 vùng sinh thái. Có 2 vùng chính gồm Tây Nguyên là vùng trồng dâu nuôi tằm lớn nhất (75,53%), tiếp theo là Đông Bắc Bộ (11,1%). Đã xuất hiện sự chuyển dịch vùng sản xuất từ đồng bằng sông nước lên trrung du và miền núi phía Bắc. Đồng bằng sông Hồng trước đây là vùng dâu tằm truyền thống, nay chỉ chiếm 3,9%. Diện tích dâu tằm đã gia tăng trong 10 năm qua. Cụ thể, tổng diện tích trồng dâu tằm năm 2021 tăng 59.24% so với năm 2012, đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2019 – 2021.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành trồng dâu nuôi tằm tại Việt Nam gặp nhiều trở ngại cả về mặt sản xuất và thương mại. Lực lượng tham gia nghề trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nông dân, quy mô sản xuất nhỏ, không có quy hoạch tổng thể hay chương trình phát triển lâu dài. Nhiều công đoạn sản xuất được thực hiện thủ công, đặc biệt là trồng dâu nuôi tằm và hái lá, cơ giới hóa và đầu tư trong sản xuất còn nhiều hạn chế. Biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại cây dâu, tằm khiến sản lượng kén thực tế thấp hơn nhiều so với năng suất tiềm năng.

Liên kết giữa nông dân và thương lái thu mua kén còn lỏng lẻo, chủ yếu thông qua thỏa thuận miệng, không có hợp đồng hợp pháp nên không đảm bảo được thị trường tiêu thụ hiệu quả cho nông dân. Việt Nam chủ yếu sản xuất kén, chế biến tơ nguyên liệu để xuất khẩu. Công nghiệp dệt, nhuộm, in, hoàn tất lụa tơ tằm còn yếu. Sản xuất các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao đang trong giai đoạn khởi động, chưa thể đảm bảo thị trường vững chắc cho nông dân cũng như các nhà máy ươm tơ.

Hiện nay, Tây Nguyên là vùng có nghề dâu tằm tơ phát triển nhất ở Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, Tây Nguyên là vùng có nghề dâu tằm tơ phát triển nhất ở Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu.

TS Lê Hồng Vân đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm bền vững: Cần bố trí đề án phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm của Chính phủ ở tầm vĩ mô để phát huy lợi thế từng vùng. Ngành sản xuất dâu nuôi tằm và tơ lụa cần được quy hoạch phát triển ở 3 vùng chính, ví dụ như Tây Nguyên, Trung du Miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; phát triển ngành dệt may ở ĐBSH và Duyên hải Nam Trung bộ theo hướng kết hợp với du lịch.

Các cơ quan, ban, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, thông tin cho cán bộ, nông dân về các loại giống mới; hiểu biết về kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, phòng trừ sâu bệnh; lợi ích của việc nuôi tằm tuổi muộn trên tầng cũng như sự thành công của các mô hình tiên tiến mà nông dân có thể làm theo.

Cần có chính sách thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong lĩnh vực tơ lụa, dệt may; khuyến khích nông dân đầu tư nhà nuôi tằm chuyên nghiệp, thuận tiện cho việc vệ sinh, khử trùng phòng dịch; áp dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nuôi tằm tuổi muộn trên khay tre sang nuôi kỹ thuật trên sàn nhằm giảm chi phí nhân công, tăng quy mô nuôi tằm và nâng cao thu nhập.

Các tiến bộ về giống dâu của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Ảnh: TL.

Các tiến bộ về giống dâu của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Ảnh: TL.

Ngành dâu tằm tơ cần khuyến khích liên kết giữa sản xuất, thu mua và chế biến theo chuỗi giá trị. Các cơ sở ươm tơ nên liên kết với vùng trồng dâu nuôi tằm, chịu trách nhiệm cung ứng dâu tằm, giống tằm, nguyên liệu sản xuất và thu mua kén trên địa bàn.

Ngành cũng cần phát triển mạnh các sản phẩm mới, sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống, có giá trị gia tăng cao; khai thác giá trị văn hóa lịch sử của lụa thông qua kết nối nghề trồng dâu nuôi tằm, làng lụa và du lịch nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng dâu nuôi tằm và các đơn vị tham gia chuỗi.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với bệnh cúm gia cầm các tháng cuối năm

Theo Cục Thú y, trong các tháng cuối năm, nguy cơ bệnh cúm gia cầm xảy ra trên phạm vi rộng rất cao do hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm gia tăng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.