| Hotline: 0983.970.780

Xóa dần tư duy chăn nuôi 'ăn xổi ở thì'

Thứ Năm 28/07/2022 , 06:00 (GMT+7)

Chăn nuôi lợn an toàn sinh học giúp nhiều hộ dân ở Hà Giang giữ được đầu đàn, cơ sở để tỉnh biên cương phát triển thành công thương hiệu lợn bản địa, lợn VietGAHP.

Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển giết mổ có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Ảnh: Đào Thanh.

Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển giết mổ có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Ảnh: Đào Thanh.

Nhân rộng chăn nuôi an toàn sinh học ở Hà Giang

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang và xã Đạo Đức, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên được Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Hà Giang triển khai từ cuối năm 2020. Mô hình có 40 hộ, trang trại chăn nuôi tham gia với số lợn từ 450 đến 460 con.

Các hộ tham gia mô hình áp dụng được tập huấn, hướng dẫn áp dụng biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học từ các khâu như cách ly kiểm soát, làm sạch và khử trùng chuồng nuôi để hạn chế dịch bệnh phát sinh, được hỗ trợ các dụng cụ, vật tư thiết yếu…

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang cho biết, việc xây dựng mô hình áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn giúp chuyển giao kỹ thuật nuôi dưỡng và chăm sóc lợn theo hướng an toàn sinh học bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đến người chăn nuôi, nhằm hướng người chăn nuôi dần xoá bỏ tư duy “ăn xổi ở thì”.

Qua mô hình, các hộ dân được hỗ trợ về kỹ thuật và một số vật tư, dụng cụ... để giúp người chăn nuôi áp dụng được các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn, từ đó góp phần hạn chế dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình, đàn lợn của các hộ dân phát triển nhanh, thời gian nuôi rút ngắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua theo dõi của Chi cục Chăn nuôi Thú y tổng số lợn xuất chuồng của các hộ tham gia mô hình trong thời gian qua là 80,5 tấn tương đương với 6 tỷ đồng, xuất bán 495 con lợn con tương đương với trên 1,2 tỷ đồng.

Tổng đàn lợn hiện có của các hộ tham gia mô hình là 1.432 con, gồm 161 lợn nái, 595 con lợn thịt, 676 con lợn con. Hiện người dân vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, tăng đàn sau chu kỳ xuất bán.

Mô hình lợn nuôi lợn đen bản địa đang được phát triển nhân rộng tại Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Mô hình lợn nuôi lợn đen bản địa đang được phát triển nhân rộng tại Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Gia đình ông Phạm Hồng Giang, thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang hiện nay có 70 con lợn. Trước đây, ông chăn nuôi tự phát, ít kinh nghiệm nên đàn lợn chậm lớn, dễ bị dịch bệnh.

Cuối năm 2020, cùng với các hộ dân trong thôn, ông Giang được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ kinh phí mua lưới quây chuồng trại, vòi nước uống tự động, dung dịch sát khuẩn, bình phun hóa chất và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Giang cho biết, được học thêm kiến thức ăn nuôi an toàn và hỗ trợ kinh phí, ông quy hoạch, xây dựng lại chuồng trại khép kín, lắp đặt vòi uống tự động, có hệ thống xả thải, thường xuyên phun tiêu độc khử trùng, rửa chuồng trại, tạo không gian chăn nuôi thoáng mát, sạch sẽ.

Hạn chế người ra, vào chuồng trại, khi vào phải mang ủng bảo hộ và đi qua dung dịch sát khuẩn. Nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên trong các năm gần đây dịch tả lợn Châu Phi tấn công đàn lợn tại các địa phương nhưng đàn lợn của gia đình ông vẫn đảm bảo an toàn và xuất chuồng ổn định.

Tính đến giữa tháng 7, số lợn bị mắc Dịch tả lợn Châu Phi của tỉnh Hà Giang là 374 con/28 hộ/15 thôn/8xã/3 huyện, tổng trọng lượng phải tiêu hủy là hơn 17.600kg. Hiện nay đã có 5 xã/5 xã của huyện Vị Xuyên công bố hết bệnh. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại các địa phương, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng cán bộ chuyên môn của Chi cục đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo công tác xử lý ổ dịch và tiêu hủy gia súc mắc bệnh theo quy định nhằm ngăn chặn, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không để lây lan diện rộng.

Chăn nuôi tốt hướng tới giá trị cao

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang, tính đến cuối năm 2021, tổng đàn trâu toàn tỉnh là 156.834 con, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 3,79%. Đàn bò 120.936 con, giảm 1,5%. Trong khi tổng đàn trâu, bò giảm thì đàn lợn của tỉnh lại có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, đàn lợn của tỉnh đạt hơn 582.200 con, so với cùng kỳ tăng 1,87%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 32.938 tấn, tăng 3,4%.

Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 6 HTX, hộ gia đình được công nhận chăn nuôi đạt chuẩn VietGAHP, trong đó có 3 HTX, hộ gia định chăn nuôi lợn. Nổi bật là mô hình chăn nuôi lợn của hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Nghĩa, xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên; mô hình chăn nuôi của hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Kiên, phường Quang Trung, thành phố Hà Giang…

Gia đình ông Nguyễn Hồng Nghĩa, thôn Lùng Càng, xã Phong Quang chăn nuôi lợn thịt giống siêu nạc từ năm 2012 quy mô hơn 200 con. Với gần 2 ha đất, ông xây dựng hệ thống trang trại với khoảng 6.500 m2 chuồng nuôi khép kín, phân chia các ô chuồng có diện tích lớn, nhỏ khác nhau với các khu riêng biệt cho lợn nái sinh sản, lợn giống và lợn thịt, đảm bảo vệ sinh môi trường; diện tích đất còn lại, ông trồng ngô, chuối làm thức ăn chăn nuôi.

Chăn nuôi an toàn giúp nhiều hộ dân giữ được tổng đàn ổn định trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: Đào Thanh.

Chăn nuôi an toàn giúp nhiều hộ dân giữ được tổng đàn ổn định trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Nghĩa cho biết, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, phòng trị bệnh đúng lịch, nên đàn lợn của gia đình ông phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, gia đình ông luôn duy trì tổng đàn lợn từ 800 đến 1.000 con, mỗi năm xuất bán ra thị trường  4 đến 5 lứa lợn thương phẩm, cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Năm 2019, khu chuồng chăn nuôi của gia đình ông Nghĩa được công nhận đạt chuẩn VietGAHP.

Một trong những thành công trong việc duy trì ổn định và phát triển tổng đàn lợn ở Hà Giang phải kể đến việc nhân rộng các mô hình giống lợn bản địa. Đặc biệt là việc phát triển giống lợn đen Lũng Pù tại huyện Mèo Vạc.

Tính đến cuối năm 2021, toàn huyện Mèo Vạc trên 39.000 con lợn đen Lũng Pù (chiếm 40,01% tổng đàn gia súc của huyện), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 1.500 tấn. Đến nay, đã có 1 sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù của HTX Tuấn Dũng, thị trấn Mèo Vạc được công nhận sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh.

Duy trì và phát triển giống lợn bản địa quý hiếm này, từ năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn sinh sản Lũng Pù, lợn mán tại 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Tổng số lợn được cung cấp là 290 con, trong đó có 29 con đực và 261 con lợn nái hậu bị với 29 hộ tham gia. Đến nay sau hơn 3 năm triển khai, mô hình đã nhân rộng tổng đàn lên hơn 1.000 con gồm lợn nái bố mẹ, lợn thương phẩm và lợn giống. Từ mô hình này, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.

Tỉnh Hà Giang đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2022 tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt 32% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu này tỉnh đang thực hiện đẩy mạnh chương trình khuyến nông chăn nuôi liên kết theo chuỗi, chuyển giao quy trình, công nghệ chăn nuôi cho nông hộ, trang trại. Các địa phương cũng vận dụng linh hoạt các chính sách hiện có của Trung ương, của tỉnh vào phát triển chăn nuôi, đề xuất xây dựng các chính sách đặc thù cho ngành chăn nuôi; nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn gia súc, gia cầm bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng chăn nuôi các giống vật nuôi chủ lực, đặc hữu của tỉnh.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.