| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi bò ít rủi ro, không lo bệnh

Thứ Năm 21/05/2020 , 10:35 (GMT+7)

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, bò thịt được nhiều người chăn nuôi ở Hưng Yên lựa chọn nuôi.

Nhiều năm trở lại đây, giá xuất bán bò thịt cơ bản ổn định, người chăn nuôi có lãi. Ảnh: Hưng Giang.

Nhiều năm trở lại đây, giá xuất bán bò thịt cơ bản ổn định, người chăn nuôi có lãi. Ảnh: Hưng Giang.

Nguồn cỏ tự nhiên dồi dào, nguồn thức ăn thô xanh phong phú, lại sẵn có các loại phụ phẩm nông nghiệp, Hưng Yên là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Khai thác tiềm năng đó, những năm gần đây, đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng về số lượng, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, cung ứng sản lượng thịt đáng kể cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bò thịt chất lượng cao đang ngày càng chiếm số lượng lớn trong tổng đàn đại gia súc của tỉnh. Vừa có thể nuôi chăn thả, bán chăn thả, vừa có thể nuôi nhốt chuồng. Nông dân có thể nhân giống bò thịt qua các lứa nuôi sinh sản từ đàn bò cái nền sẵn có ở địa phương thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên, tình hình chăn nuôi của tỉnh đang phát triển khá ổn định, tại các trang trại đã tăng đàn, tái đàn trở lại, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, đặc biệt là bệnh DTLCP. 

Ông Trần Văn Hợi ở xã Phú Cường (TP.Hưng Yên) cho biết: “Gia đình tôi chuyên chăn nuôi bò thịt đã gần chục năm nay.

Nhờ tận dụng được các loại phụ phẩm nông nghiệp sẵn có trên vùng đất bãi như: Thân ngô, rơm, thân đỗ, thân chuối... nên giảm được 20 – 30% chi phí thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra tôi còn trồng thêm cỏ để làm thức ăn thô xanh cho bò trong những tháng thu, đông”.

Cũng theo ông Hợi, nếu như trước đây ông nuôi bò theo hình thức chăn thả, thì nay đã chuyển sang nuôi nhốt chuồng, nuôi vỗ béo.

Thay vì phải đi các tỉnh để mua bê giống, nay sau mỗi lứa bò xuất chuồng có thương lái trong tỉnh đến tận nơi giao bê giống của chính người nuôi bò sinh sản trong tỉnh.

Chủ động được thức ăn, chủ động được con giống, là những lợi thế rất lớn của người chăn nuôi đại gia súc, quyết định chất lượng và hiệu quả chăn nuôi lâu dài.

Nguồn cỏ tự nhiên dồi dào, nguồn thức ăn thô xanh phong phú, lại sẵn có các loại phụ phẩm nông nghiệp, Hưng Yên là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Ảnh: Hưng Giang.

Nguồn cỏ tự nhiên dồi dào, nguồn thức ăn thô xanh phong phú, lại sẵn có các loại phụ phẩm nông nghiệp, Hưng Yên là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Ảnh: Hưng Giang.

Đàn bò trên địa bàn tỉnh đã được Sind hóa hàng chục năm nay, từ những giống bò vàng, bò cóc được lai giống bò Sind ngoại để cải tạo giống, tăng năng suất, chất lượng thịt.

Những năm gần đây, đàn bò tiếp tục được lai 3 máu với các giống bò chất lượng cao, chuyên thịt như: Angus, Red Angus, BBB, Red Brahman.

Nổi bật như giống bò BBB, hay còn gọi là 3B, sau 12 tháng nuôi, bò BBB thuần có thể nặng hơn 360kg/con, trong khi bò lai Sind cùng thời gian nuôi chỉ đạt khoảng 130kg/con.

Khi bò cái lai Sind được phối giống tinh bò BBB sẽ tạo ra con lai BBB có thể trọng vượt trội, sau 12 tháng nuôi nặng khoảng 300kg/con, vượt trội so với các giống đang gây nuôi trong tỉnh.

Đặc biệt, thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nhiều người chăn nuôi trong tỉnh cũng chuyển từ lợn sang nuôi bò thịt. Vật nuôi này rủi ro thấp hơn lợn, cùng đó các bệnh trên bò đều dễ dàng phòng chống và chữa trị. Điểm mạnh của chăn nuôi đại gia súc là sức đề kháng tự nhiên, chống chịu bệnh tốt hơn các gia súc, gia cầm khác.

Trong môi trường chăn nuôi tốt, đầy đủ thức ăn, đại gia súc phát triển khỏe mạnh và cho sản lượng thịt gấp nhiều lần so với những vật nuôi như lợn, gà, vịt...

Ngoài ra, chất lượng thịt, hàm lượng dinh dưỡng trong thịt bò được đánh giá cao hơn, giá bán cũng đắt hơn. Giá xuất bán bò thịt cơ bản ổn định, người chăn nuôi có lãi.

Ông Nguyễn Văn Vẻ ở xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu chia sẻ: Năm ngoái, gia đình chỉ nuôi lợn, thời điểm cao nhất lên tới 500 con nái và gần 5.000 lợn thương phẩm. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 6, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi khiến một số ô chuồng của gia đình bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy còn những con lợn khỏe mạnh còn lại cũng phải bán.

Từ thời điểm đó, gia đình vẫn chưa dám tái đàn trở lại vì nguy cơ nhiễm bệnh này còn rất cao. Gia đình đã tìm hiểu nhiều vật nuôi thay thế và lựa chọn nuôi bò thịt vì ít bệnh, rủi ro thấp, khá hiệu quả.

Toàn bộ số bò của gia đình ông Vẻ đều nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các mũi, từng con bò được gắn mã theo dõi riêng biệt. Ảnh: Hưng Giang.

Toàn bộ số bò của gia đình ông Vẻ đều nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các mũi, từng con bò được gắn mã theo dõi riêng biệt. Ảnh: Hưng Giang.

Ban đầu, gia đình chỉ dám nhập 5 con để nuôi do nguồn vốn còn hạn hẹp cũng như phải thử nghiệm hiệu quả hay rủi ro ra sao. Thấy hiệu quả gia đình đã mua thêm, tới thời điểm hiện tại có tới hơn 100 con bò BBB.

Cũng theo ông Vẻ, toàn bộ số bò của gia đình đều nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ.

Cùng đó, trang trại được cải tạo từ trại lợn theo hướng khép kín đảm bảo an toàn. Gia đình cũng thuê và mua thêm đất của người dân xung quanh được khoảng 10 mẫu để trồng cỏ, chuối làm nguồn thức ăn sạch cho bò.

Ngoài ra, ông còn bổ sung thêm phụ phẩm bã bia, cám tăng tinh bột. Khẩu phần ăn đều được tính toán và ghi chép tỉ mỉ đảm bảo đều là các sản phẩm an toàn, đầy đủ dinh dưỡng cho bò.

Để hỗ trợ người chăn nuôi trong phát triển đàn đại gia súc, tỉnh đang hỗ trợ 100% kinh phí tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho trâu, bò định kỳ 2 lần/năm. Các chương trình, dự án hỗ trợ chăn nuôi ngày càng quan tâm tới hỗ trợ phát triển đàn bò chất lượng cao, hỗ trợ cải tạo giống, chuyển giao kỹ thuật, chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung và cơ sở chế biến đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và tạo ra thương hiệu bò thịt của địa phương.

Nhằm hỗ trợ nông dân trong tỉnh phát triển sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai 5 mô hình khuyến nông chăn nuôi, thủy sản. Trong đó có 4 mô hình khuyến nông chăn nuôi gia súc, gia cầm; 1 mô hình khuyến nông thủy sản nuôi cá chép lai V1. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình là hơn 1 tỷ đồng, sử dụng để hỗ trợ nông dân tham gia mô hình về con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chuyển giao kỹ thuật…

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất