| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi công nghệ cao, một mũi tên trúng ba đích

Thứ Tư 10/05/2023 , 10:14 (GMT+7)

Bình Định nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng công nghệ cao giúp mang lại nhiều lợi ích, đảm bảo thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Trang trại sản xuất heo giống công nghệ cao tại huyện Phù Cát (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Trang trại sản xuất heo giống công nghệ cao tại huyện Phù Cát (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, với lợi thế trong việc chủ động con giống, quy hoạch vùng nuôi phù hợp và ứng dụng công nghệ cao đã tạo lợi thế lớn cho ngành chăn nuôi Bình Định phát triển.

Ngành nông nghiệp Bình Định đang tập trung hoàn thiện kế hoạch phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Đây là tiền đề để các vùng chăn nuôi tập trung chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm chăn nuôi, mở ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho hoạt động chế biến sâu.

Về hiệu quả của chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, ông Diệp đơn cử mô hình chăn nuôi heo công nghệ cao Phú Hưng ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định). Trang trại này đang nuôi đến 3.000 con heo thịt, nhờ áp dụng công nghệ cho ăn và hệ thống xử lý phân tự động nên vấn đề an toàn sinh học, vệ sinh môi trường luôn được đảm bảo. Nhờ đó, qua 10 năm hoạt động, trang trại heo Phú Hưng không để xảy ra dịch bệnh trên đàn heo.

Các gia trại chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân (Bình Định) từng bước hướng đến chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Các gia trại chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân (Bình Định) từng bước hướng đến chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 664.000 con (chưa tính heo con theo mẹ), tăng 0,43% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình phát triển đàn heo ở Bình Định được duy trì ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát tốt. Trong đó, 4 vùng nuôi trọng điểm nói trên chiếm đến gần 70% tổng đàn heo toàn tỉnh.

Trong 4 vùng nuôi heo trọng điểm của Bình Định, hiện ở thị xã An Nhơn có khu chăn nuôi heo tập trung Nhơn Tân (xã Nhơn Tân) đã đi vào hoạt động, các hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn chuyển dần vào đây để sản xuất. An Nhơn hiện có 41 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, trong đó có 4 trang trại được công nhận cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh; tổng đàn heo trên địa bàn thị xã đã đạt đến hơn 85.000 con.

Ông Huỳnh Văn Thạnh, cán bộ kỹ thuật phụ trách chăn nuôi của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn cho biết, nhằm ổn định tổng đàn heo, duy trì tỷ lệ tăng trưởng, hằng năm ngành nông nghiệp thị xã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi để người dân áp dụng. Riêng với chăn nuôi heo, đơn vị này hướng dẫn xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường.

Tại “thủ phủ heo” Hoài Ân, địa phương có tổng đàn heo chiếm gần một nửa tổng đàn heo của tỉnh Bình Định với hơn 260.000 con. Đến nay, Hoài Ân có 32 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, trong đó có 5 trại áp dụng công nghệ cao.

Hiện Hoài Ân đang xúc tiến xây dựng khu mua bán, vận chuyển và giết mổ tập trung, nhằm hạn chế tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năm 2023, Hoài Ân thực hiện quản lý chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng vào đàn heo để duy trì và phát triển nhãn hiệu “Heo Hoài Ân”.

Heo giống được sản xuất trong trang trại chăn nuôi công nghệ cao. Ảnh: V.Đ.T.

Heo giống được sản xuất trong trang trại chăn nuôi công nghệ cao. Ảnh: V.Đ.T.

“Xác định heo là vật nuôi chủ lực của huyện, nên Hoài Ân không ngừng phát triển chăn nuôi, quy hoạch vùng nuôi theo 3 nhóm vật nuôi chủ lực của tỉnh. Riêng với đàn heo, trong năm 2023 này Hoài Ân sẽ xúc tiến phát triển vùng nuôi tập trung, phát triển các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh huyện Hoài Ân. Xây dựng chuỗi chăn nuôi heo gắn với tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Đà Nẵng và TP.HCM”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, việc áp dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi, từ năm 2019 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã phối hợp với Cục Thống kê tỉnh chuyển giao phần mềm quản lý dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc cho 800 cơ sở chăn nuôi trong toàn tỉnh.

“Trong lĩnh vực chăn nuôi, thời gian qua, chúng tôi cũng đã phối hợp với Cục Chăn nuôi xây dựng cơ sở dữ liệu trên đàn vật nuôi, có thể cập nhật, truy cập đến từng con. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương, các trang trại, gia trại chăn nuôi lớn để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định nhấn mạnh.

Xem thêm
Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 7] Không nóng vội tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh

Hưng Yên Môi trường bị ô nhiễm sau mưa bão, ngành nông nghiệp Hưng Yên khuyến cáo các hộ chăn nuôi không nóng vội tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Cần khung pháp lý riêng cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang được quan tâm ở Việt Nam nhưng còn những trở ngại cho sự phát triển sản xuất và phát triển thị trường.

Khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rijk Zwaan Việt Nam

Lâm Đồng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rijk Zwaan Việt Nam đặt tại Lâm Đồng có tổng diện tích 4ha, nghiên cứu trên 1.000 giống khác nhau như xà lách, ớt ngọt, cà chua…

Bình luận mới nhất