| Hotline: 0983.970.780

Tìm mọi cách giảm giá thành chăn nuôi

Thứ Ba 28/03/2023 , 16:22 (GMT+7)

Giảm giá thành chăn nuôi là bài toán sống còn đối với người chăn nuôi heo nói riêng, chăn nuôi nói chung, nhất là trong bối cảnh giá xuất chuồng xuống thấp.

Giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương sẽ làm giảm giá thức ăn chăn nuôi, qua đó giúp giảm giá thành chăn nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.

Giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương sẽ làm giảm giá thức ăn chăn nuôi, qua đó giúp giảm giá thành chăn nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong bối cảnh giá bán các sản phẩm chăn nuôi đang giảm mạnh trong thời gian qua, với người chăn nuôi heo Đồng Nai nói riêng và người chăn nuôi cả nước nói chung, điều cần nhất trong lúc này là giảm được giá thành. Hay có thể nói, giá thành là bài toán sống còn của người chăn nuôi.

Do thức ăn chiếm tới 65-70% chi phí sản xuất trong chăn nuôi, mà ngành chăn nuôi Việt Nam lại đang phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, nên việc giảm thuế nhập khẩu với khô đậu tương sẽ có ý nghĩa rất lớn với người chăn nuôi heo và cả ngành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Trí Công cho biết, khô đậu tương hiện chiếm 20% trong thức ăn chăn nuôi. Không chỉ con heo, thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản cũng sử dụng nhiều loại nguyên liệu này.

Do đó, nếu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống còn 0%, sẽ tạo điều kiện cho người chăn nuôi có sức cạnh tranh tốt hơn trước nguồn thịt nhập khẩu, nhất là thịt đến từ các nước CPTPP và các khu vực thị trường khác đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Bên cạnh đó, để giảm giá thành chăn nuôi, một giải pháp rất quan trọng là tăng cường sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và đẩy mạnh tận dụng các phế phẩm nông nghiệp có thể làm thức ăn chăn nuôi.

Việc tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi đang được nhiều người chăn nuôi quan tâm và tìm tòi áp dụng trong thực tế. Chẳng hạn, hiện nay, một số trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đang tận dụng vỏ sầu riêng để nuôi bò.

Một số trang trại ở Đồng Nai đã tận dụng thành công vỏ sầu riêng làm thức ăn cho bò. Ảnh: Thanh Sơn.

Một số trang trại ở Đồng Nai đã tận dụng thành công vỏ sầu riêng làm thức ăn cho bò. Ảnh: Thanh Sơn.

Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, việc thử nghiệm này đã thực hiện cả năm nay và mang lại thành công cho các trang trại nuôi bò vì giúp giảm được giá thành chăn nuôi mà nguồn cung lại rất ổn định khi diện tích trồng sầu riêng đang ngày càng được mở rộng và có nhiều nhà máy chế biến sầu riêng xuất khẩu ở trong khu vực.

Ngoài vỏ sầu riêng, một số trang trại chăn nuôi bò ở Đồng Nai còn đang thử nghiệm một số phế phụ phẩm trồng trọt khác như vỏ ca cao … và đã cho những kết quả khả quan.

Đối với con heo, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong đó có cả các doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội, đã liên tục đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn về làm thức ăn tự trộn tại các trang trại.

Khi tự trộn thức ăn cho vật nuôi, người chăn nuôi tận dụng được nguồn nguyên liệu trong nước, qua đó giảm được giá thành nhưng vẫn đáp ứng được các yêu cầu dinh dưỡng của vật nuôi. Thực tế cho thấy những trang trại nuôi heo tự trộn thức ăn đúng theo các khuyến cáo, hướng dẫn, đã giảm được một phần chi phí sản xuất so với các trại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Có một cái khó trong việc tận dụng phế, phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi là trong khi ngành nông nghiệp coi các phế phẩm như vỏ sầu riêng là phế, phụ phẩm nông nghiệp, thì bên ngành tài nguyên môi trường lại coi đây là rác thải hữu cơ. Điều này đang gây khó khăn cho các trang trại trong việc thu mua, vận chuyển vỏ sầu riêng và một số phế phẩm khác từ các nhà máy chế biến rau quả, thực phẩm về trang trại để làm thức ăn chăn nuôi. Do đó, các trang trại sử dụng phế phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi đang rất mong các cơ quan chức năng tháo gỡ được vướng mắc này.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.