| Hotline: 0983.970.780

Chế tài nào với doanh nghiệp chăn nuôi FDI gián tiếp gây ô nhiễm môi trường?

Thứ Ba 10/10/2023 , 10:50 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Sự việc nghiêm trọng diễn ra từ lâu, liên quan đến hàng trăm cơ sở nuôi gia công, cần phải có biện pháp xử lý các doanh nghiệp chăn nuôi FDI này.

Tại rất nhiều trang trại, nước thải chăn nuôi được xử lý tại các hồ chứa tạm bợ, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Tại rất nhiều trang trại, nước thải chăn nuôi được xử lý tại các hồ chứa tạm bợ, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Trại nuôi gia công hầu hết đều gây ô nhiễm

Đó là kết luận chung trong đợt kiểm tra của Sở TN-MT Đồng Nai và UBND huyện Thống Nhất khi tiến hành tổng kiểm tra 1.457 cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22.000 cơ sở nông hộ.

Đáng chú ý, có tới 328 cơ sở chăn nuôi có hợp đồng nuôi gia công cho các doanh nghiệp có vốn FDI, như Japfa Comfeed Việt Nam, CJ Vina Agri, Sunjin Vina, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam, C.P. Việt Nam… nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về môi trường.

Theo ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai, nhiều trang trại trong số này nhiều lần bị xử phạt về hành vi xả thải ra môi trường. Đoàn kiểm tra cũng đã có thông báo đến các công ty thuê chăn nuôi gia công để nhắc nhở nhưng không hiểu sao sự việc vẫn tiếp diễn.

Khi phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt tại một số cơ sở chăn nuôi gia công thuộc diện kiểm tra, xử phạt và buộc tạm ngưng tái đàn mới thấy được quyết định đúng đắn của UBND tỉnh Đồng Nai.

Hệ thống hầm biogas phủ bạt tạm bợ, bể chứa chất thải để lộ thiên có màu nâu đỏ, thậm chí có bể chứa đã nổi màu rêu xanh, mùi hôi thối phủ khắp cả khu vực trang trại. Nước thải bằng nhiều cách đã tràn ra sông suối, gây hôi thối, tác động đến mọi mặt của người dân.

Nước thải chăn nuôi bị thải trộm ra sông suối hoặc sự cố tràn do trời mưa... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân. Ảnh: Lê Bình.

Nước thải chăn nuôi bị thải trộm ra sông suối hoặc sự cố tràn do trời mưa... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân. Ảnh: Lê Bình.

Khi dẫn chúng tôi đi thị sát các cơ sở chăn nuôi tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), anh Biên, cán bộ Phòng TN-MT hồ hởi khi thấy dòng suối cạnh các trang trại chăn nuôi đã trong trở lại. Anh Biên cho biết, con suối này nhiều năm nay luôn trong tình trạng bị bức hại bởi nước thải chăn nuôi, đục ngàu và hôi thối. Nay nhờ các trại chăn nuôi lợn bị đình chỉ hoạt động nên mới lấy lại được màu trong như vậy.

Anh Phan Tú nuôi heo gia công cho Công ty CJ Vina Agri tại xã Hưng Lộc từ nhiều năm nay. Cũng giống như các trang trại khác trên địa bàn xã, cơ sở này vẫn chưa được cấp thủ tục môi trường. Hiện trang trại bị xử phạt 50 triệu đồng và buộc tạm ngưng kinh doanh. Để tiếp tục tái đàn, anh Tú phải đi vay ngân hàng và đầu tư số tiền lớn để đáp ứng yêu cầu về xử lý chất thải.

Hệ thống ép phân thô mà anh Tú vừa mới mua về. Đây là yêu cầu bắt buộc để các cơ quan chức năng Đồng Nai đánh giá có nên cấp thủ tục môi trường, cho chăn nuôi trở lại hay không. Ảnh: Lê Bình.

Hệ thống ép phân thô mà anh Tú vừa mới mua về. Đây là yêu cầu bắt buộc để các cơ quan chức năng Đồng Nai đánh giá có nên cấp thủ tục môi trường, cho chăn nuôi trở lại hay không. Ảnh: Lê Bình.

Cũng giống như anh Tú, hộ chăn nuôi của chị Trần Thị Thùy Vân cùng hàng chục hộ chăn nuôi gia công tại xã Hưng Lộc như đứng giữa ngã ba đường, cần sự hỗ trợ từ chính đối tác của mình để tiếp tục bám trụ với nghề.

“Kinh tế bây giờ rất khó khăn, chúng tôi đã ngưng chăn nuôi 6 - 7 tháng nay rồi, không chăn nuôi được nữa, buộc phải trả số tiền rất là lớn. Nói chung là cũng nhờ bên phía công ty hỗ trợ cho chút đỉnh. Nuôi heo sau trừ các chi phí chúng tôi cũng còn được mấy đồng nữa đâu, giờ vay nợ rồi chưa thể chăn nuôi thì chúng tôi không biết làm sao”, chị Vân tha thiết.

Đến nay, các cơ quan có thẩm quyền của Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt 164 cơ sở vi phạm quy định về bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng. Ngoài ra, có 941 cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi phải ngưng hoạt hoạt động do chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về môi trường.

UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận chưa có sự quyết liệt trong xử lý các vấn đề về đảm bảo môi trường trong chăn nuôi. Do đó, thời gian tới công tác này sẽ được đẩy mạnh, cương quyết và triệt để. Ảnh: Lê Bình.

UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận chưa có sự quyết liệt trong xử lý các vấn đề về đảm bảo môi trường trong chăn nuôi. Do đó, thời gian tới công tác này sẽ được đẩy mạnh, cương quyết và triệt để. Ảnh: Lê Bình.

Cương quyết xử lý, không có vùng cấm

Đồng Nai phát triển nghề chăn nuôi lâu đời, có số trang trại và tổng đàn lớn nhất cả nước. Nhưng do giá cả bấp bênh, dịch bệnh, nhiều năm qua người dân Đồng Nai dần chuyển sang hình thức chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI để tránh thua lỗ.

Huyện Long Thành và Thống Nhất là hai “thủ phủ” chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là địa phương có nhiều trang trại tập trung nhất tỉnh, chuyên chăn nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư FDI. Tất cả đã bị yêu cầu tạm ngưng kinh doanh để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

“Chúng tôi đã làm việc trực tiếp, làm việc với các doanh nghiệp FDI kí hợp đồng chăn nuôi với các hộ này, yêu cầu họ không được thả đàn khi các cơ sở này chưa khắc phục, sửa chữa các hệ thống xử lý chất thải. Chúng tôi cũng thực hiện cưỡng chế, niêm phong nhiều chuồng trại khi mà chưa đảm bảo hệ thống xử lý chất thải”, ông Nguyễn Đình Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất thông tin.

Các trang trại bị tạm ngưng tái đàn buộc phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải và được đánh giá kĩ lưỡng mới được phép chăn nuôi trở lại. Ảnh: Lê Bình.

Các trang trại bị tạm ngưng tái đàn buộc phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải và được đánh giá kĩ lưỡng mới được phép chăn nuôi trở lại. Ảnh: Lê Bình.

Còn tại huyện Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh chia sẻ, các cơ quan chức năng cũng đã có những hành động cương quyết, không phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào. Theo đó, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường cả trực tiếp và gián tiếp để cho thế hệ lương lai có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đối với các doanh nghiệp thuê chăn nuôi gia công, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu phải có  trách nhiệm với chủ trại trong đầu tư chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải. Như vậy người chăn nuôi sẽ hạn chế vi phạm pháp luật, hạn chế rủi ro, còn doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, quan điểm thống nhất của Đồng Nai là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Do đó, tỉnh sẽ mạnh tay xử lý các cơ sở chăn nuôi để xảy ra ô nhiễm môi trường và quyết liệt, không có vùng cấm.

Đồng Nai kêu gọi các doanh nghiệp FDI và cơ sở chăn nuôi cần đầu tư chuồng lạnh và hệ thống xử lý chất thải đảm bảo với tiêu chí bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai kêu gọi các doanh nghiệp FDI và cơ sở chăn nuôi cần đầu tư chuồng lạnh và hệ thống xử lý chất thải đảm bảo với tiêu chí bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Bình.

“Tỉnh Đồng Nai kêu gọi các cơ sở, trang trại ứng dụng khoa học công nghệ để bảo vệ môi trường, gắn với việc sản xuất để không ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Chúng tôi đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp FDI cần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, không hợp tác nuôi gia công với các cơ sở, hộ chăn nuôi chưa đủ điều kiện về môi trường...”, ông Phi yêu cầu.

Chưa kể, Đồng Nai đang thực hiện quyết liệt mục tiêu nông thôn mới nâng cao nên đảm bảo môi trường là tiêu chí tiên quyết. Theo đó, phát triển du lịch nông thôn và thu hút kinh tế toàn diện nên không để môi trường ô nhiễm là trở ngại để phát triển kinh tế tổng hòa.

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai Trần Trọng Toàn, việc thực hiện tổng kiểm tra cho thấy có sự chuyển biến tích cực tại các cơ sở chăn nuôi. Kết quả quan trắc nước mặt tại các sông suối cho thấy chất lượng nước mặt tại các sông suối trên địa bàn đang dần có dấu hiệu cải thiện, thể hiện hàm lượng hữu cơ và dinh dưỡng đã giảm so với kết quả thực hiện vào những tháng đầu 2023. Đó là minh chứng rõ rệt và đúng đắn của UBND tỉnh Đồng Nai khi muốn trả lại sự trong lành cho môi trường và bình đẳng trong phát triển kinh tế.

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.