| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài cuối] Không để xảy ra dịch bệnh khi khôi phục sản xuất

Thứ Hai 30/09/2024 , 08:35 (GMT+7)

‘Nhiều người chăn nuôi đã trắng tay sau bão số 3, vì vậy cơ quan chức năng cần làm mọi cách để không xảy ra dịch bệnh khi họ sản xuất trở lại’.

Nguy cơ dịch bệnh bao trùm 27 tỉnh, thành

Theo Cục Thú y, đến nay, Việt Nam đã và đang cơ bản kiểm soát các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, chỉ xảy ra một số ổ dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vacxin.

Tuy nhiên, sau siêu bão Yagi, mưa lớn xảy ra, nhiều nơi bị ngập nặng, virus có thể đã bị phát tán, lây lan rộng, nhất là tại các địa phương vừa xảy ra dịch trong thời gian qua, đặc biệt tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y trả lời phỏng vấn của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y trả lời phỏng vấn của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Hiện nay, đang có mấy dịch bệnh rất nguy hiểm cần lưu ý, thứ nhất là dịch bệnh tả lợn Châu Phi, thứ hai là bệnh lở mồm long móng, thứ 3 là bệnh tai xanh, bốn là bệnh viêm da nổi cục.

Thống kê đến nay, tại 27 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng do bão Yagi tổng cộng có 2 ổ dịch cúm gia cầm; 15 ổ dịch bệnh dại, số động vật mắc bệnh là 117 con, số động vật chết và tiêu hủy là 177 con; 731 ổ dịch trên 21 tỉnh, thành phố, số lợn mắc bệnh là 53.477 con, số lợn chết và tiêu hủy là 53.571 con; 21 ổ dịch lở mồm long móng tại 9 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh là 829 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 130 con; 21 ổ dịch viêm da nổi cục tại 9 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh là 829 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 97 con.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) có trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và việc việc hỗ trợ người dân tại các địa phương sau bão, lũ.

Thưa ông Nguyễn Văn Long, bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi tại hầu hết khu vực Bắc Bộ, khi mà những thiệt hại còn nguyên, nguy cơ dịch bệnh lại hiện hữu, đe dọa người dân, vậy ông có thể cho biết tình hình dịch bệnh động vật sau bão và những chỉ đạo, hành động cụ thể của Cục Thú y?

Chúng ta chứng kiến thời gian vừa qua, bà con các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại rất lớn do bão số 3. Thời điểm này, toàn dân cả nước đang tập trung hỗ trợ bà con tại các địa phương để khôi phục sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y kiểm tra tình hình dịch tả lợn Châu Phi tại Hải Phòng trước thời điểm bão số 3 xảy ra. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y kiểm tra tình hình dịch tả lợn Châu Phi tại Hải Phòng trước thời điểm bão số 3 xảy ra. Ảnh: Đinh Mười.

Để sớm khôi phục sản xuất, một trong những biện pháp yêu cầu bắt buộc là không để dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi cũng như thủy sản. Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rất cụ thể các nội dung cần triển khai.

Đầu tiên là phải tổng vệ sinh, sát trùng tiêu độc, không phải một lần phải nhiều lần liên tục, bởi vì mầm bệnh lúc này đã phát tán đi khắp nơi. Thứ 2, khi thu mua con giống về để nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở không có dịch bệnh để tránh trường hợp mang con giống từ những nơi không rõ nguồn gốc, làm lây ra dịch bệnh.

Thứ 3, sau bão mưa lớn rồi ngập lụt khắp nơi đã khiến mầm bệnh lưu hành rộng khắp nơi thì cần phải nhanh chóng tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, để vật nuôi có sức đề kháng đáp ứng miễn dịch với dịch bệnh. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần phải làm ngay.

Thứ 4 là phải thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện những mầm bệnh hoặc dịch bệnh xảy ra kịp thời, tránh tuyệt đối việc vứt xác gia súc gia cầm hoặc thủy sản chết bữa bãi làm ô nhiễm môi trường.

Để đồng hành với người dân thực hiện các nội dung này, Cục Thú y đã báo cáo với Bộ NN-PTNT và Chính phủ để kịp thời hỗ trợ thuốc sát trùng, hóa chất, vacxin cho các địa phương, cho người chăn nuôi. Đồng thời đã kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ các loại thuốc và vacxin để cho bà khôi phục sản xuất.

“Riêng các doanh nghiệp thuốc thú y, chúng tôi đã đề xuất không được tăng giá, trong lúc này là thời điểm cần đồng hành với bà con, với các địa phương bị thiệt hại”, Cục trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Cần chọn những nơi cung ứng con giống uy tín và đảm bảo an toàn dịch bệnh trước khi tái sản xuất. Ảnh: Đinh Mười.

Cần chọn những nơi cung ứng con giống uy tín và đảm bảo an toàn dịch bệnh trước khi tái sản xuất. Ảnh: Đinh Mười.

Đã giúp người dân phải làm chuẩn chỉ

Thời gian qua tại một số địa phương có xảy ra trường hợp doanh nghiệp hỗ trợ con giống chưa đảm bảo sau đó gây ra dịch bệnh, vậy việc kiểm soát đầu vào thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi khi mới gượng dậy sau thiên tai?

Vừa qua, tại một số địa phương có một số chương trình dự án hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi, tuy nhiên việc thu mua cung ứng con giống có nơi còn chưa đảm bảo, ví dụ như thu mua con giống không rõ nguồn gốc, không phải từ những cơ sở uy tín do đó chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh, không được phòng bệnh một cách kĩ càng.

Khi cung ứng con giống như vậy cho người dân để nuôi được 2 tuần phát bệnh, Cục Thú y đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ lưu ý, cần làm chuẩn chỉ.

“Đã giúp người dân phải làm cho chuẩn chỉ, cung ứng con giống phải đảm bảo an toàn vì bà con bây giờ mất hết rồi, còn một chút vốn liếng rồi vay mượn thêm để gượng dậy sau thiên tai, nếu mất nốt vì dịch bệnh sẽ vô cùng khó khăn”.

Hiện tại, người dân cần nhất là nguồn vốn, thứ hai là con giống đảm bảo an toàn dịch bệnh, giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt. Thứ ba là phải tổ chức tổng vệ sinh sát trùng tiêu độc và tiêm phòng cho đàn vật nuôi. 

Nhiều người dân trắng tay sau thiên tai. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều người dân trắng tay sau thiên tai. Ảnh: Đinh Mười.

Thứ 4 là phải hướng dẫn người dân việc giám sát, theo dõi đàn vật nuôi mới thả trở lại do mầm bệnh hiện tại đang lưu hành rộng rãi, phải theo dõi để kịp thời phát hiện rồi xử lí, tránh trường hợp để dịch bệnh xảy ra hiện rộng rồi mới xử thì sẽ không đạt hiệu quả.

"Để thực hiện được những việc này, đòi hỏi lực lượng thú y các cấp phải xuống trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho bà con cách thức xử lí bởi hơn lúc nào hết, bây giờ người dân đang cần sự chung tay để gượng dậy sau sau thiên tai".

Bằng mọi cách không để xảy ra dịch bệnh

Trước thực trạng như vậy, Cục Thú y có khuyến cáo như thế nào về lộ trình, thời gian, quy trình để khi người dân tái sản xuất sẽ đảm bảo an toàn về môi trường cũng như dịch bệnh, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra trong tình hình mầm bệnh đã lan rộng như hiện nay?

Sau bão, người dân đều có tâm lý muốn nhanh chóng ổn định lại sản xuất nhưng việc này nếu không thận trọng lại rất nguy hiểm, do đó cần phải kịp thời hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp an toàn dịch bệnh, nghĩa là trước khi chăn nuôi trở lại cần phải thực hiện tổng vệ sinh, sát trùng cẩn thận.

Tiếp đó, cần phải để trống chuồng ít nhất là hai tuần, vì đây là khoảng thời gian mầm bệnh có thể tồn tại để ủ bệnh, gây bệnh, sau thời gian này cho đàn gia súc, gia cầm vào chuồng nuôi sẽ dễ dàng kiểm soát hơn.

Sau bão, nhiều nơi bị ngập lụt, mầm bệnh đã lan rộng khắp nơi, nguy cơ dịch bệnh tăng cao. Ảnh: Đinh Mười.

Sau bão, nhiều nơi bị ngập lụt, mầm bệnh đã lan rộng khắp nơi, nguy cơ dịch bệnh tăng cao. Ảnh: Đinh Mười.

Đây là những mầm bệnh đang hiện hữu trên đàn vật nuôi, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh này giờ là nguy hiểm nhất, chúng ta đã có vắc xin, Bộ NN-PTNT đã có hướng dẫn rất cụ thể. Vì vậy, việc tiêm phòng các loại vacxin những bệnh này cho đàn vật nuôi là bắt buộc phải thực hiện để bảo đảm khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn đạt hiệu quả trong thời gian tới.

Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan về việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa, lũ, yêu cầu khẩn trương tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường.

Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi, thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, tiêu hủy xác động vật chết sau mưa lũ để giảm thiểu lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Cục Thú y đang tiếp nhận các văn bản đề nghị hỗ trợ vacxin, hóa chất sát trùng dự trữ Quốc gia của các địa phương để xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ.

Đến nay, đã cơ bản có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch quốc gia, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT rất chi tiết, cụ thể cho từng bệnh, từng thời kỳ.

Do đó, việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện của các địa phương (nhất là cấp huyện, cấp xã), các doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Đặc biệt, tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 58 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 160 tỷ đồng được Bộ NN-PTNT kêu gọi hỗ trợ thiệt hại do bão

HẢI PHÒNG Sáng 28/9, tại Hải Phòng, Bộ NN-PTNT tổ chức nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão.

Quyết tâm ‘hồi sinh’ vùng vải chín sớm Phương Nam

Quảng Ninh Bão số 3 đã khiến gần 140ha vải chín sớm Phương Nam gãy đổ, nhiều cây không còn khả năng phục hồi, phải chặt bỏ, trồng mới.

Tập huấn vận hành drone phun thuốc BVTV: Bước tiến mới trong khảo nghiệm nông nghiệp

So với phương pháp phun thủ công, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước, tăng tốc độ phun 30 lần, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương.