| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi, thú y Nghệ An đã gỡ đúng nút thắt

Thứ Năm 27/10/2022 , 08:18 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi, thú y Nghệ An có bước chuyển mình toàn diện khi các chỉ tiêu chính đạt và vượt kế hoạch, trong đó, dấu ấn là sự nhập cuộc của doanh nghiệp lớn.

Empty

Sự đồng hành của những doanh nghiệp lớn, điển hình như Tập đoàn TH là bệ phóng nâng tầm ngành chăn nuôi, thú y Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Đón thành công làn sóng doanh nghiệp lớn đầu tư

Theo Cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An có tổng đàn trâu, bò ước đạt trên 781.000 con; đàn lợn gần 950.000 con, tăng 3,62%; đàn gia cầm hơn 32 triệu con, tăng 8,77%.

Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 230.000 tấn, tăng 5,26%, dự kiến sản lượng thịt hơi cả năm xuất chuồng đạt 282.000 tấn, sản lượng sữa tươi đạt 265.000 tấn.

Nếu những con số kể trên chưa đủ sức thuyết phục thì cần bàn đến lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu, để thấy ngành chăn nuôi tỉnh này đang có bước chuyển dịch tích cực ra sao.

Trên thực tế, ngành chăn nuôi, thú y Nghệ An đang tập trung phát triển vùng nuôi và vật nuôi, lấy cơ cấu đàn vật nuôi làm trọng tâm bằng cách tăng nhanh quy mô đàn trâu, bò ở miền Tây xứ Nghệ, nhất là bò sữa, bò thịt chất lượng cao, cũng như tăng sản lượng thịt hơi xuất chuồng.

Empty

Ngành chăn nuôi Nghệ An đang chuyển dịch đúng hướng. Ảnh: Việt Khánh.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 6 cơ sở chăn nuôi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật (5 cơ sở chăn nuôi lợn, 1 cơ sở ương dưỡng giống Tôm thẻ chân trắng). Ngoài ra, năm 2022, Chi cục cũng phối hợp với Chi cục Thú y vùng 3 (Cục Thú y) quản lý, giám sát các cơ sở an toàn dịch bệnh được Cục thú y cấp giấy chứng nhận, bao gồm 8 trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH và 1 trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Vinamilk.

Dễ thấy ngành chăn nuôi, thú y Nghệ An đang tích cực tháo gỡ những nút thắt, rõ nhất là chuyển dần quy mô, hình thức từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi công nghiệp, trang trại và ứng dụng công nghệ cao.

Song song với đó, Nghệ An rất chú trọng đến việc hình thành chuỗi giá trị ngành hàng thông qua nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển, mục tiêu sớm tạo ra các chuỗi liên kết mang tính bền vững. Đến nay, trên địa bàn đang duy trì ổn định 15 chuỗi liên kết chăn nuôi, bao gồm 6 chuỗi lợn, 6 chuỗi gia cầm và 3 chuỗi bò, dẫu chưa nhiều nhưng tín hiệu bước đầu thực sự khả quan.

Hòa trong nhịp đập “Nông nghiệp 4.0” đòi hỏi phải sẵn sàng tâm thế, luôn chủ động tiếp cận và ứng dụng rộng rãi quy trình tiên tiến, công nghệ cao để nâng tầm chất lượng sản phẩm và tăng nhanh hiệu quả kinh tế.

Từ tiềm năng, lợi thế sẵn có kết hợp với chính sách “mở cửa” ngày một thông thoáng, hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu (Tập đoàn TH, Vinamilk, Công ty Masan, Công ty Chăn nuôi CP. Việt Nam, Công ty TNHH Thành Đô, Công ty Darby CJ Genetics...) đã chủ động tìm đến Nghệ An cùng góp sức chung tay, sẵn sàng tham gia sân chơi lớn. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, các doanh nghiệp đã thổi một làn gió tươi mát, tạo động lực thúc đẩy toàn diện về mọi mặt.

IMG_6706

Tăng nhanh đàn bò sữa là bước tiến đáng ghi nhận của ngành chăn nuôi Nghệ An, qua đó nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nông dân và địa phương. Ảnh: Việt Khánh.

Mối lo dịch bệnh động vật hậu thiên tai

Không phủ nhận ngành chăn nuôi, thú y Nghệ An đã có những thay đổi mang tính căn cơ, dù vậy nếu đánh giá khách quan vẫn tồn tại nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ. Rõ ràng giá nguyên liệu đầu vào lơ lủng ở mức cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tái đàn, tăng đàn cũng như làm kìm hãm phần nào đà phát triển trong thời gian qua.

Ở khía cạnh khác, dù đã có sự nhập cuộc của các doanh nghiệp quy mô nhưng chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ trên địa bàn vẫn chiếm khoảng 70%, kéo theo nhiều rủi ro, bao gồm cả công tác kiểm soát dịch bệnh.

Thực trạng trên, kết hợp lượng chất thải, mầm bệnh tồn dư không ngừng gia tăng sau mưa bão, công tác tiêu độc khử trùng chưa thực hiện thường xuyên, quá trình xử lý mầm bệnh từ động vật trung gian ở môi trường nuôi chưa triệt để... vô hình trung càng làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong các tháng cuối năm 2022, nhất là vào giai đoạn mưa lũ, giá rét.

Ngành chăn nuôi, thú y Nghệ An đang chịu vô vàn sức ép sau khi trải qua cơn “bạo bệnh” do hoàn lưu bão số 4 gây nên. Mưa lớn cục bộ kéo theo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại hết sức nặng nề, được chứng thực rõ nét qua 10.284 ha ao hồ nhỏ bị ngập lụt, 2.155 con gia súc, 306.648 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Hao tổn nhất phải kể đến vùng tâm lũ Kỳ Sơn, thiên tai tràn qua trong chớp mắt “cướp” của huyện nghèo hơn 200 tỷ đồng, bao gồm 12.000 liều vắc xin (8.000 liều vắc xin tụ huyết trùng, 4.000 liều vắc xin Viêm da nổi cục)… Từ tình hình đặt ra, việc xây dựng kế hoạch ứng phó dịch bệnh trước, trong và sau mưa bão là điều vô cùng cấp thiết.

Empty

Đồng bào khu vực miền núi Nghệ An cần chủ động hơn nữa trong ứng phó với dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi trong thời điểm hiện tại. Ảnh: Việt Khánh.

Đợt rồi, huyện Thanh Chương cũng nằm trong tốp đầu những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Bên cạnh thiệt hại về nhà ở, vật nuôi, ao đầm… đáng chú ý có 27 xã có ổ dịch cũ trong năm 2022 (9 xã có bệnh dại, 18 xã có bệnh dịch tả lợn Châu Phi) trong diện bị ngập lụt nặng, đồng nghĩa khó tránh khỏi nguy cơ phát sinh mầm bệnh.

Lường trước được hậu quả, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân di chuyển vật nuôi lên các điểm cao, dự trữ thức ăn khô, tinh, đồng thời có phương án gia cố, xử lý vệ sinh chuồng trại…

Ông Ngô Đức Quỳnh, Chi Cục phó Chi cục Chăn nuôi Thú y nhấn mạnh, Nghệ An có lợi thế lớn về chăn nuôi lợn, trâu bò và gia cầm, với diễn biến lúc này đòi hỏi các địa phương phải quyết liệt đẩy mạnh công tác tiêm phòng, đó là phương án tốt nhất khi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn duy trì ở mức khá cao.

Sau thiên tai các địa phương phải tập trung khử trùng tiêu độc, trong thời gian chờ cấp hóa chất, người dân phải chủ động rắc vôi ở ao nuôi, chuồng trại và những khu vực xung quanh. Để giảm thiểu nguy cơ, nhất thiết phải mua giống đảm bảo nguồn gốc từ những địa chỉ có thương hiệu, có giấy kiểm dịch của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh công tác ứng phó dịch bệnh, quá trình phòng chống đói rét cho vật nuôi cũng hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.

Miền núi Nghệ An trải dài, đồng bào vẫn quen với phương thức thả rông đàn gia súc, lúc này cần chủ động nuôi nhốt, gia cố chuồng trại để giữ ấm trâu, bò. Phải chuẩn bị thức ăn xanh, kết hợp tích trữ rơm rạ ngay từ bây giờ, phòng khi sự cố đến bất chợt sẽ không kịp trở tay.

Nghệ An đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi, thú y 3 nội dung là: Hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi cho người chăn nuôi bị thiệt hại do mưa lũ sau cơn bão số 4 (thiệt hại 2.155 con gia súc, 306.648 con gia cầm) để tái đàn, khôi phục sản xuất; Hỗ trợ tỉnh thu hút các nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi hoặc các doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ vắc xin và hóa chất cho Nghệ An để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản (8.000 lít hóa chất Benkocid và 59 tấn hóa chất Chlorinemin 65% để tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản sau mưa lũ).

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất