| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi trên đệm lót sinh học ở Thanh Hóa

Thứ Tư 31/10/2012 , 11:09 (GMT+7)

Mặc dù không vệ sinh chuồng, không tắm cho lợn, nhưng lợn vẫn chóng lớn, không dịch bệnh.

Có mặt tại trang trại chăn nuôi rộng hơn 1 ha của gia đình ông Nguyễn Hữu Nhân, 58 tuổi, xã Đông Hoàng (Đông Sơn, Thanh Hóa) chúng tôi cảm nhận được là chuồng trại không bốc mùi hôi thối, khó chịu nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học (ĐLSH).

Mô hình được gia đình ông Nhân áp dụng với trên 100 ô chuồng. Tất cả những người có mặt đều trầm trồ, thích thú khi ông Nhân chân không mang giầy bảo hộ, thản nhiên bước trên lớp mùn rải lót dưới nền chuồng mà không hề bị chất thải bám dính.

"Ban đầu gia đình cũng hoài nghi về hiệu quả của chăn nuôi trên ĐLSH. Bởi với kinh nghiệm hàng chục năm chăn nuôi lợn quy mô lớn như gia đình tôi (mỗi năm xuất bán từ 1.500 -  2.000 con), phải thuê hàng chục lao động quét dọn mỗi ngày mới đảm bảo phần nào vệ sinh môi trường.

Giờ nghe phổ biến áp dụng phương pháp chăn nuôi mà không phải dọn rửa chuồng hàng ngày, 3 - 4 năm mới phải thay đệm một lần, lại đảm bảo vệ sinh môi trường hơn phương pháp dọn rửa truyền thống thì hoài nghi là đúng. Tuy nhiên, khi đưa vào áp dụng, mọi sự lo lắng buổi ban đầu tan biến hết. Tất cả thành viên trong gia đình không khỏi bất ngờ vì hiệu quả của ĐLSH mang lại”.

Được biết, sau 4 tháng áp dụng chăn nuôi trên ĐLSH cho 4 ô chuồng (40 m2), gia đình ông Nhân đã xuất bán được lứa lợn đầu tiên. Mặc dù không vệ sinh chuồng, không tắm cho lợn, nhưng lợn vẫn chóng lớn, không dịch bệnh. Khu chuồng không còn bốc mùi hôi thối như trước, bởi chuồng trại đảm bảo vệ sinh, luôn khô ráo. Hơn nữa, gia đình ông đã tiết kiệm được một khoản đáng kể, khoảng 60 - 70% chi phí lao động, tiền điện, nước...

Khi thấy hiệu quả của chăn nuôi trên ĐLSH mang lại, ông Nhân mạnh dạn cải tạo thêm 30 ô chuồng áp dụng phương pháp này. Theo ông thì cách làm không khó, kinh phí đầu tư cải tạo chuồng thấp, vật liệu gồm mùn cưa, trấu, bột ngô, là những vật liệu sẵn có và giá lại rẻ. Riêng chế phẩm men vi sinh, Hội Làm vườn & trang trại Thanh Hóa sẽ chịu trách nhiệm cung ứng, giá cả cũng không cao (75.000 đ/kg/20 m2 chuồng). Tính tổng chi phí cho 34 ô chuồng hết 57.834.000 đ, bình quân 310.068 đ/m2 đệm lót.

Rời nhà ông Nhân, chúng tôi xuống thôn 6, xã Đông Minh (huyện Đông Sơn) tham quan mô hình nhà ông Nguyễn Văn Hoạt (52 tuổi). Hiện gia đình ông Hoạt nuôi trên 1.000 con vịt sinh sản, vài chục con lợn. Cũng như gia đình ông Nhân, trước kia gia đình ông Hoạt phải thuê 2 nhân công dọn vệ sinh chuồng nuôi với mức lương 3,5 triệu đ/người/tháng. Hơn 2 tháng đưa ĐLSH vào ứng dụng cho hơn 100 m2 chuồng lợn và vịt, gia đình ông Hoạt đã cắt giảm được khoản chi phí này, cộng với tiền điện, nước mỗi tháng cũng được gần chục triệu đồng.

Mặc dù ưu việt của ĐLSH là nổi trội, cũng cần tính đến một số vấn đề nảy sinh. Vào những ngày nắng nóng, nếu gia súc, gia cầm nằm trên tấm ĐLSH rất nóng. Vì vậy theo kinh nghiệm gia đình ông Nhân đã làm, đó là hỗ trợ làm mát bằng việc phun nước lên mái, quạt mát.

Đặc biệt mỗi ô chuồng chia làm 2 phần, ½ áp dụng ĐLSH, ½ vẫn làm nền xi măng. Hoặc có thể theo hình thức cứ 3 ô chuồng ĐLSH thì làm 1 ô chuồng nền xi măng để làm mát cho lợn vào mùa hè.

Bà Hồng, vợ ông Hoạt phấn khởi: “Vui nhất là khu chuồng không còn bốc mùi khó chịu như trước, ít ruồi muỗi hẳn, vịt, lợn đều khỏe và lớn nhanh, việc thu nhặt trứng cũng thật dễ dàng và vệ sinh hơn nhiều. Thời gian trước, vào mùa nắng thỉnh thoảng bà con xung quanh còn phàn nàn do bị ảnh hưởng. Nhưng hơn 2 tháng nay tình trạng này đã không còn”.

Theo ông Lôi Xuân Len, Chủ tịch Hội Làm vườn & trang trại Thanh Hóa, chăn nuôi trên ĐLSH là tiến bộ kỹ thuật mới, được trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội nghiên cứu, SX ra chế phẩm men BALASA- 01, đưa vào ứng dụng ở một số tỉnh và mang lại hiệu quả khả quan như tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương...

Thanh Hóa có trên 440.000 hộ chăn nuôi, trong đó quy mô trang trại, gia trại 1.125 hộ, còn lại chủ yếu là nhỏ lẻ trong dân cư, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Đây cũng chính là một trong những rào cản phát triển ngành chăn nuôi, trở thành vấn đề trọng tâm mà các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng với công nghệ khí sinh học, công nghệ chăn nuôi trên ĐLSH nếu được nhân rộng đối với các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực đông dân cư, có tác dụng thiết thực, bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe cho người chăn nuôi và cộng đồng; giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi...

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất