| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Việt Nam trước thềm Hiệp định CPTPP có hiệu lực

Thứ Ba 11/12/2018 , 10:05 (GMT+7)

Từ 30/12/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên sẽ chính thức có hiệu lực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành chăn nuôi được đánh giá chịu nhiều áp lực cạnh tranh khi CPTPP được thực thi.

Việt Nam cam kết những gì?

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), về những cam kết chung, Việt Nam áp dụng nguyên tắc một biểu cam kết chung cho 10 nước thành viên còn lại của CPTPP, theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, cụ thể: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế NK với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

15-32-48_su
Bên cạnh thách thức, CPTPP cũng mở ra nhiều cơ hội XK cho sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh của Việt Nam

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Việt Nam cam kết đưa khoảng hơn 98,3% mặt hàng vào lộ trình cam kết xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, lộ trình từ 3-13 năm cho các nhóm sản phẩm còn lại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được lộ trình xóa bỏ thuế NK tương đối dài đối với hai nhóm hàng nhạy cảm là thịt lợn và thịt gà (mặc dù Việt Nam đã có cam kết mở cửa thị trường tại các Hiệp định thương mại tự do trong ASEAN và ASEAN+). Đồng thời, Việt Nam cũng duy trì bảo hộ đối với 3 trong 4 nhóm mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO, trong đó có mặt hàng trứng.
 

Những thách thức đón chờ

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, CPTPP sẽ là thách thức không nhỏ cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Việc xóa bỏ thuế quan sẽ tạo cơ hội để thịt lợn, thịt gà, thịt bò đông lạnh, các sản phẩm từ thịt, sữa… ồ ạt nhập vào nước ta. Trong đó thịt lợn và thịt bò từ Canada, Chi lê; sữa bò và thịt bò từ Úc, New Zealand, thịt gà từ Mêxico…, tạo sức ép cạnh tranh không cân sức với sản phẩm tương tự sản xuất trong nước. Ngành thức ăn chăn nuôi được đánh giá sẽ ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI (thị phần chiếm trên 60%) với nguồn nguyên liệu đầu vào (ngô, đậu tương…) chủ yếu được NK từ các quốc gia khác. Các ưu đãi về thuế nhập khẩu trong CPTPP sẽ tiếp tục củng cố vị thế của các DN sản xuất khối FDI và ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến các DN nội địa của ngành chăn nuôi.

Hiện nay, giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn cao hơn một số nước thành viên CPTPP. Nguyên nhân chủ yếu do SX nhỏ, manh mún, giống vật nuôi chưa đảm bảo, năng suất vật nuôi thấp, năng suất lao động rất thấp, chi phí đầu vào cao do phụ thuộc khá nhiều vào NK (dù xóa bỏ thuế nhưng vẫn phải chịu chi phí vận chuyển, kiểm dịch). Chi phí phòng chống dịch bệnh khá cao trong khi các khoản phí và lệ phí tuy đã bỏ nhiều nhưng vẫn còn chồng chéo. SX - tiêu thụ chưa theo chuỗi nên phí trung gian nhiều. Cơ chế tín dụng đối với ngành chăn nuôi chưa hợp lý như khó tiếp cận vốn vay, lãi suất ngân hàng cao hơn khá nhiều so với nhóm các nước phát triển trong AEC, trong EVFTA, trong CPTPP…

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm trong ngành chăn nuôi nhìn chung vẫn còn thấp. Những nguyên nhân cơ bản do môi trường chăn nuôi đang bị ô nhiễm, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở khu vực chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ, lò mổ thủ công không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y vẫn còn quá nhiều, còn nhiều nông hộ, trang trại chưa thực hành chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP và đảm bảo an toàn sinh học.

Hoạt động kiểm soát sản phẩm NK qua đường tiểu ngạch còn sơ hở, chưa tận dụng các quy định về phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật (SPS, TBT) đối với sản phẩm NK đông lạnh. Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn còn nhiều nguy cơ... Đây là nguyên nhân đang đẩy người tiêu dùng trong nước xa dần với sản phẩm tươi sống, ngon, đậm đà hương vị được SX tại chỗ và buộc họ tiếp cận nhanh hơn với việc tiêu thụ sản phẩm đông lạnh NK. Những thách thức đó làm cho khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi nước ta khá thấp.

Mặt khác, Việt Nam vẫn chưa có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn thấp nên thiếu các DN đầu tàu, dẫn dắt trong quá trình hội nhập. Việc tổ chức SX - tiêu thụ theo chuỗi liên kết giá trị còn lỏng lẻo, việc xây dựng thương hiệu và công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm.
 

Những cơ hội mới

Bên cạnh những thách thức, CPTPP được đánh giá sẽ có những cơ hội nhất định cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể tiếp cận nhanh với các tiến bộ kỹ thuật, KH-CN mới và cách tổ chức SX tiên tiến nhiều nước thành viên có nền chăn nuôi công nghiệp, hiện đại; mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư mới, phát triển chăn nuôi theo công nghệ cao với cùng phương thức SX theo chuỗi giá trị bền vững và theo hướng XK. Việc tham gia CPTPP cũng sẽ tạo áp lực buộc ngành chăn nuôi phải kiên quyết tổ chức lại SX, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững và gia tăng.

Ngành chăn nuôi cần tận dụng trước mọi lợi thế do các cam kết xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm, công nghệ mà Việt Nam đang NK từ các nước thành viên như con giống lợn, gà, vịt, bò sữa, bò thịt; một số nguyên liệu và thức ăn bổ sung, nhiều loại vacxin và thuốc thú y; các trang thiết bị chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, ấp trứng, máy móc, dây chuyền SX thuốc thú y, chế biến thức ăn, giết mổ và chế biến thịt, sữa… Qua đó, góp phần tiếp cận công nghệ cao và giảm chi phí đầu vào. Tham gia CPTPP cũng tạo cơ hội để Việt Nam NK các sản phẩm chăn nuôi đa dạng, sản phẩm qua chế biến với chất lượng tốt, giá cả hợp lý.

"Trong nhóm các mặt hàng chăn nuôi, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế vào năm thứ 11 đối với thịt gà; với thịt lợn tươi vào năm thứ 10 và thịt đông lạnh vào năm thứ 8; gạo xóa bỏ ngay khi CPTPP có hiệu lực; bắp xóa bỏ vào năm thứ 5; thực phẩm chế biến từ thịt xóa bỏ từ năm thứ 8 đến năm thứ 11. Đây được coi như thời gian “vàng” để ngành chăn nuôi thực hiện tái cơ cấu và tổ chức lại SX để giảm giá thành và nâng cao chất lượng. Thói quen tiêu dùng các sản phẩm thịt “nóng”, thịt “mát” của người Việt cũng là “rào cản tự nhiên” để hạn chế thịt đông lạnh NK".

(Ông Nguyễn Quốc Toản)

 

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.