| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai 9X và câu chuyện 'Học một đằng, làm một nẻo'

Chủ Nhật 06/02/2022 , 20:52 (GMT+7)

Từng là du học sinh chuyên ngành Công nghệ thông tin - Cơ điện tử của Viện Công nghệ Grennoble (Pháp), nhưng về Việt Nam, anh lại thành công trong vai trò… nông dân.

Đó là chàng trai Đặng Dương Minh Hoàng, SN 1988, chủ Nông trang Thiên Nông với mô hình trồng bơ áp dụng công nghệ cao.

Bước ngoặt

Với diện tích 50ha, trang trại của gia đình Hoàng ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước gồm 12ha bơ sáp Mã Dưỡng, 8ha tiêu, còn lại là cao su. Toàn bộ nông trang được được quy hoạch khá bài bản với đường giao thông, điện năng lượng mặt trời, camera giám sát. Đặc biệt là hệ thống cảm biến, ứng dụng Internet vạn vật (ioT) kết hợp hệ thống tưới, bón phân tự động lắp đặt tới từng gốc cây.

Hoàng kể, sau khi lấy bằng Kỹ sư hệ thống tự động và công nghệ thông tin - cơ điện tử của Viện Công nghệ Grennoble (Pháp), anh đã làm việc tại Pháp một thời gian. Sau đó trở về Việt Nam và có công việc đúng chuyên ngành đã học tại một công ty liên doanh trong ngành dầu khí ở TP.HCM với mức lương 2.000 Đô la Mỹ.

Đặng Dương Minh Hoàng bên vườn bơ công nghệ. Ảnh: Phúc Lập.

Đặng Dương Minh Hoàng bên vườn bơ công nghệ. Ảnh: Phúc Lập.

“Tôi xuất thân trong gia đình nông dân. Không đến mức nghèo, nhưng từ nhỏ đã thấy cha mẹ quá vất vả mà chẳng khá được trong khi có đất sản xuất. Đến khi ra nước ngoài, thấy họ làm nông nghiệp mà mê. Cũng từ đó, tôi luôn nghĩ đến việc phải làm sao để phát huy thế mạnh từ những vườn cây của gia đình mình. Cho nên, khi về Việt Nam, dù làm đúng chuyên ngành trong một công ty tầm cỡ với mức lương thuộc loại cao, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ đến một kế hoạch khác. Đó là quay về làm giàu trên chính mảnh vườn của gia đình mình”, Hoàng kể.

Mặc dù vậy, Hoàng vẫn dự định sẽ làm thêm một thời gian để tích luỹ vốn. Tuy nhiên, biến cố lớn của gia đình đã khiến Hoàng quyết định trở về quê lập nghiệp sớm hơn dự định. Từ khởi đầu khá thuận lợi, việc chuyển đổi sang làm nông nghiệp là cả một bước ngoặt lớn với chàng trai trẻ.

“Gia đình tôi cũng có đất rộng khá rộng, nhưng toàn trồng sao su và tiêu. 2 loại cây từng giúp nhiều người dân Bình Phước đổi đời. Đến khi 2 loại cây này thất thế, cha tôi quyết định chuyển đổi sang trồng cây bơ Mã Dưỡng. Nhưng quá trình chuyển đổi chưa lâu, mọi thứ còn là mớ ngổn ngang thì cha đột ngột qua đời. Nên tôi quyết định về thực hiện tiếp kế hoạch của cha. Đó là năm 2016”, Hoàng kể.

Anh Hoàng cho biết, bơ Mã Dưỡng vốn đã là sản phẩm có chất lượng cao, nhưng khi được trồng theo quy trình hữu cơ thì trái bơ có mùi thơm đặc trưng, béo hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Hoàng cho biết, bơ Mã Dưỡng vốn đã là sản phẩm có chất lượng cao, nhưng khi được trồng theo quy trình hữu cơ thì trái bơ có mùi thơm đặc trưng, béo hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Mặc dù là “tay ngang” làm nông, nhưng nhờ thời gian từng chứng kiến kiểu làm nông nghiệp của châu Âu, thêm những kiến thức về tự động hoá, điện tử đã học được, nên quá trình làm nông nghiệp của Hoàng chỉ gặp ít khó khăn ban đầu, sau một thời gian ngắn, mọi thứ bắt đầu quen dần. Đến năm 2019, những cây bơ đầu tiên do cha anh trồng đã cho thu hoạch. Anh đưa ra thị trường với cái tên thương hiệu “Bơ Mã Dưỡng Ông Hoàng”.

“Mặc dù không học chuyên ngành về nông nghiệp, nhưng hình như anh cũng áp dụng nhiều kiến thức từ chuyên ngành tự động hoá, điện tử học được ở trường vào mô hình?”, tôi hỏi. Hoàng đáp: “Đúng thế. Nếu liên tưởng thì thấy có vẻ ngành tôi học không liên quan đến công việc hiện tại, nhưng thực tế lại liên quan rất nhiều đấy. Đây là mô hình nông nghiệp thông minh, tự động hóa hoàn toàn. Anh thấy đó, toàn bộ trang trại mênh mông như vậy nhưng không cần nhiều người chăm sóc, vì tất cả đều tự động. Đây là mô hình nông nghiệp tiên tiến của châu Âu, giúp tối ưu quản lý và năng suất”.

Hiện nay, 12ha bơ với 2.000 gốc của ông chủ trẻ Đặng Dương Minh Hoàng đang cho thu hoạch cùng với 8ha tiêu, được trồng theo hướng hữu cơ. Hoàng cho biết, một cây bơ trưởng thành cho năng suất từ 150-300kg. Như vậy, mỗi năm sản lượng bơ của nông trại đạt tối đa lên tới khoảng 600 tấn. Giá bán 1kg bơ Mã Dưỡng của trang trại hiện tại lên tới 95 ngàn đồng, tiêu được Công ty Nedspice thu mua với giá 70 ngàn đồng/kg, cao gấp đôi so với giá thị trường.

Trang trại điển hình

Mặc dù không phải người tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao, nhưng nông trại của Đặng Dương Minh Hoàng được coi là điển hình áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất của châu Âu. Đó là công nghệ thông minh IoT (kết nối vạn vật) thay thế sức người. Nông trại lắp đặt wifi, hệ thống tưới tự động, camera giám sát toàn vườn. Cây có nhật ký số để theo dõi và truy xuất nguồn gốc. Thông qua nhật ký số, người tiêu dùng có thể biết được các loại phân bón đã sử dụng, thời gian bón phân, ngày sản phẩm được thu hoạch, phương tiện vận chuyển. “Để đầu tư mô hình này, mỗi ha tốn gần 100 triệu đồng. Nhưng bù lại, hệ thống sẽ tính toán chính xác lượng nước và phân bón cần bổ sung. Người trồng sẽ tiết kiệm được 80% nước tưới; 40% phân thuốc; và hàng trăm công lao động so với cách làm truyền thống. Nước và phân bón đưa đến tận gốc giúp hạn chế việc bốc hơi, năng suất cây trồng có thể tăng từ 20 - 25%. Mặc dù chi phí đầu vào cao hơn so với làm truyền thống nhưng bù lại, giá trị sản phẩm tăng gấp nhiều lần”, anh Hoàng nói.

Toàn bộ quy trình chăm sóc đều được điều khiển bằng hệ thống công nghệ thông minh IoT (kết nối vạn vật). Ảnh: Phúc Lập.

Toàn bộ quy trình chăm sóc đều được điều khiển bằng hệ thống công nghệ thông minh IoT (kết nối vạn vật). Ảnh: Phúc Lập.

“Cây bơ có giá vậy sao anh không giảm bớt cao su, mở rộng diện tích bơ?”, tôi hỏi. Hoàng giải thích: “Thứ nhất là làm từ từ, thứ 2 là vườn cây cao su đó chính là “bức tường” quan trọng để ổn định nhiệt độ, chắn bớt gió, thu hút các loài côn trùng có ích như ong đến thụ phấn vừa ngăn thuốc trừ sâu từ các vườn khác bay vào”.

Hoàng cho biết, do toàn bộ quy trình đều theo hướng hữu cơ, không sử dụng các chất hóa học nên việc chăm sóc không hề đơn giản, cần có kiến thức, hiểu về quá trình sinh trưởng từng giai đoạn của cây, của trái để có những phương án chăm sóc phù hợp, hiệu quả. 

Theo đuổi phương châm kinh doanh “sản phẩm từ nông trại đến trực tiếp tay người tiêu dùng không qua thương lái” nên kênh thương mại điện tử là trợ thủ đắc lực của nông dân trẻ này. Hiện sản phẩm bơ của Hoàng được bán ở nhiều kênh, sàn thương mại điện tử, siêu thị ở Sài Gòn, Hà Nội như Tiki, Lazada, DalatFoodie, Green Food, Foodmap, Wefarmer, Mega Maket, Co.op extra…và xuất khẩu sang Thái Lan, Singapore, Campuchia. “Nông dân thời công nghệ số thì yếu tố chủ động đặc biệt quan trọng, thể hiện ở việc năng động tìm kiếm đầu ra, xây dựng thương thiệu cho sản phẩm, chủ động liên kết phát triển vùng khi có thị trường đủ lớn vì “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, Hoàng nói.

Anh Hoàng cho biết, trong một ngày không xa, sản phẩm bơ 'Ông Hoàng' sẽ có mặt ở những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Hoàng cho biết, trong một ngày không xa, sản phẩm bơ “Ông Hoàng” sẽ có mặt ở những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu. Ảnh: Phúc Lập.

Nói về định hướng phát triển trong tương lai gần, Hoàng cho biết, trong một ngày không xa, sản phẩm bơ “Ông Hoàng” sẽ có mặt ở những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu. “Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kết nối thêm nhiều kênh khác. Hiện tại, tôi muốn tập trung vào phát triển chiều sâu để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, mong muốn của tôi là kết hợp cùng với các nông hộ khác, cấp giống, hướng dẫn phương pháp trồng trọt, chăm sóc để cùng tạo ra hệ sinh thái với chất lượng tốt và phương pháp chăm sóc tối ưu, giúp cho bà con cùng có thu nhập tốt để cải thiện cuộc sống trước mắt, và có thể mang nông sản của Việt Nam vươn xa ra với thế giới”, Hoàng tâm sự.

Trả lời câu hỏi về một lời khuyên dành cho những người muốn khởi nghiệp bằng một mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Hoàng nói: “So với nhiều loại cây khác thì bơ ít bệnh hơn, chi phí đầu tư cũng thấp hơn. Việc trồng loại cây này không khó. Tuy nhiên, cây bơ có trái hay không phụ thuộc lớn vào thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng. Vì vậy, mọi người cần nghiên cứu kỹ về điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để trồng loại bơ phù hợp. Và điều quan trọng nhất là làm gì cũng vậy, cần sự quyết tâm cao, kiên trì. Làm từ nhỏ đến lớn để nếu lỡ thất bại thì thiệt hại ít và đừng nản nếu lỡ thất bại”.

“Mô hình sản xuất của anh Hoàng được đánh giá là một trong những mô hình hay, đạt hiệu quả cao. Qua đó cần quảng bá nhân rộng và giới thiệu cho thanh niên địa phương học tập từ đó tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương.

Bên cạnh đó, Hoàng đã chủ động kết nối các sản phẩm của các mô hình khởi nghiệp trên địa bàn Phước Long và Bù Gia Mập để cùng liên kết trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ cho thanh niên địa phương khởi nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ”, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước.

Xem thêm
Trung ương thống nhất cao phương án kiện toàn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai cá thể khỉ vàng mò vào vườn nhà dân

LÀO CAI Sau khi bắt được hai cá thể khỉ trong vườn, người dân đã bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng để đưa về trung tâm chăm sóc.