| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai làm nông trại xanh giữa lòng Hà Nội

Thứ Sáu 01/03/2024 , 07:53 (GMT+7)

Sau nhiều năm lăn lộn học hỏi làm nông nghiệp, giấc mơ về nông trại xanh ở ngay Thủ đô của anh Vũ Văn Đôn đã thành hiện thực.

Học Đại học Hàng Hải nhưng lại đam mê làm nông nghiệp, chàng trai 9x Vũ Văn Đôn đã từ bỏ công việc chuyên ngành. Sau nhiều năm lăn lộn để học hỏi làm nông nghiệp, giờ đây, giấc mơ về nông trại xanh của anh Đôn đã trở thành hiện thực.

Phủ xanh vùng bãi bồi sông Hồng

Nằm cách trung tâm TP Hà Nội chưa đầy 20km, ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (TP Hà Nội), nông trại xanh của anh Đôn ở bãi ven sông Hồng (dưới chân cầu Nhật Tân) nuôi trồng đủ loại từ trái cây đến rau rủ theo mùa như nho hạ đen, nho vàng thơm, dây tây, các loại rau cải, khoai tây và chăn nuôi cừu, dê, đà điểu...

Trước đây, vùng đất này chỉ là những mảnh đất pha cát cằn cỗi, chỉ trồng lạc, đỗ, hiệu quả kinh tế không cao thì giờ đây đã trở thành một nông trại xanh ven Thủ đô.

Vườn nho hạ đen của nông trại anh Vũ Văn Đôn khi vào vụ thu hoạch. Ảnh: Thảo Phương

Vườn nho hạ đen của nông trại anh Vũ Văn Đôn khi vào vụ thu hoạch. Ảnh: Thảo Phương

Tốt nghiệp trường Đại học Hàng Hải, ra trường đi làm nhưng không tìm thấy niềm vui trong công việc nên anh Đôn đã quyết định từ bỏ. Năm 2016, anh cùng bạn lên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) để trồng thử nghiệm dâu tây.

Nói về thời gian khởi nghiệp, anh Đôn chia sẻ: “Thời gian đầu thực sự rất vất vả, khó khăn, thời điểm đó rất ít người làm, người dân trên Mộc Châu họ vẫn chưa tin tưởng, sợ rằng sẽ không bán được sản phẩm. Nhưng may mắn là khí hậu trên đó giúp cây dâu tây phát triển rất tốt, cho năng suất cao. Sau đó, mình nghĩ nên nhân rộng mô hình này về Hà Nội”.

Năm 2020, trở về Hà Nội, anh Đôn đã thuê lại diện tích đất ruộng người dân đang canh tác kém hiệu quả để trồng cây, biến ước mơ nông trại xanh giữa Thủ đô trở thành hiện thực. Nông trại của anh rộng khoảng 8ha, bao gồm 2ha trồng nho hạ đen, nho vàng thơm; 2ha trồng dâu tây; 2ha trồng các loại rau củ theo mùa, trang trại chăn nuôi, phần còn lại là khu vui chơi cho các bạn nhỏ đến tham quan.

Giữa tháng 10 hàng năm, nông trại của anh Đôn vào vụ thu hoạch nho hạ đen. Những chùm nho chuyển sang màu tím sẫm, sai trĩu quả.

Anh Vũ Văn Đôn đã dành 3 năm để trồng thử nghiệm giống nho hạ đen trên mảnh đất ven bãi sông Hồng. Ảnh: Thảo Phương

Anh Vũ Văn Đôn đã dành 3 năm để trồng thử nghiệm giống nho hạ đen trên mảnh đất ven bãi sông Hồng. Ảnh: Thảo Phương

“Nông trại mình đang trồng 4.000 gốc nho hạ đen, đến nay đã cho thu hoạch được 2 vụ, một vụ vào tháng 6 - 7, vụ thứ hai vào tháng 10 - 11 hàng năm. Năm 2023, với 2 vụ thu hoạch, mình thu được khoảng 20 tấn quả”, anh Đôn cho biết.

Ngắm nhìn vườn nho, ánh mắt anh Đôn xa xăm. Anh bộc bạch, năm đầu tiên trồng thử nghiệm giống nho hạ đen, anh và cộng sự đã gặp thất bại. "Không phải cứ trồng là cây sẽ lên. Năm đầu chưa hoàn thiện về quy trình, người ta vẫn nói "trăm tay không bằng tay quen", mình đã tìm hiểu tài liệu rất nhiều, không những tài liệu của Việt Nam mà cả của Trung Quốc nữa nhưng vẫn thất bại. Đôi khi quy trình của mình không sai nhưng nho vẫn không ra quả bởi ảnh hưởng thời tiết, khí hậu, bên cạnh đó còn phụ thuộc vào thời điểm mình tỉa cành đã hợp lý hay chưa", anh Đôn kể.

Những chùm nho hạ đen trĩu quả sau quá trình tìm tòi, thử nghiệm miệt mài của anh Đôn và cộng sự. Ảnh: Thảo Phương

Những chùm nho hạ đen trĩu quả sau quá trình tìm tòi, thử nghiệm miệt mài của anh Đôn và cộng sự. Ảnh: Thảo Phương

Nói về quy trình chăm sóc nho, anh Đôn không ngại chia sẻ kinh nghiệm: “Đầu tiên là giai đoạn bón phân đến cắt tỉa cành phải đúng thời điểm, cần phải cắt đúng cành đang phân hóa và phải đúng độ thì mới ra hoa được tiếp. Tiếp nữa là phải phun phòng bệnh trước khi cắt cành, bởi nếu không phòng bệnh trước, đến thời điểm ra quả nếu nho bị bệnh thì sẽ không thể xử lý được".

Làm nông mang lại giá trị cho cộng đồng

Tiếng lành đồn xa, người dân không chỉ ở Đông Anh mà nhiều nơi cũng tìm đến nông trại của anh Đôn để tham quan, học tập. Không chỉ có các bạn trẻ, các hộ gia đình cuối tuần cũng đưa con đến nông trại để các con hòa mình vào thiên nhiên.

Mỗi buổi sáng, nông trại của anh Đôn đón tiếp khoảng 500 - 700 lượt khách. Khách tham quan chủ yếu là các em nhỏ đến từ các trường mầm non trên địa bàn Thủ đô.

Các em học sinh mầm non hứng thú trải nghiệm vườn nho hạ đen. Ảnh: Thảo Phương

Các em học sinh mầm non hứng thú trải nghiệm vườn nho hạ đen. Ảnh: Thảo Phương

Nối đuôi nhau thành từng tốp đến tham quan nông trại, các em nhỏ được vào vai “em bé nông dân” đào củ khoai tây cho vào những chiếc giỏ, cho đàn dê, đàn cừu ăn cỏ hay ngắm nhìn những chùm nho sai trĩu quả mà trước đây các em chỉ nhìn thấy trong sách báo, tivi.

Hiệu trưởng trường mầm non Kids Care Hạ Định, cô giáo Vũ Thị Mây cho biết, đối với các bé ở nội thành, việc được tiếp xúc với môi trường xung quanh rất quan trọng trong giáo dục mầm non, vì vậy nhà trường muốn đưa các bé đi tham quan trải nghiệm mô hình, ngoài việc tiếp xúc với thiên nhiên, các em được trải nghiệm các hoạt động thực tế để rèn luyện các kĩ năng, giúp học tập tốt hơn.

“Giá trị của trang trại không chỉ là sản phẩm làm ra, mà còn là mô hình trải nghiệm. Mình muốn mang lại giá trị cho khách hàng. Mọi người đến trải nghiệm có thể chụp ảnh, hái nho tại vườn, sản phẩm do chính khách hàng tự thu hoạch, tự thưởng thức sẽ mang lại một cảm xúc khác”, anh Đôn chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.