| Hotline: 0983.970.780

Mô hình trồng nho Hạ Đen kết hợp du lịch đầu tiên ở Đông Triều

Thứ Năm 13/07/2023 , 14:06 (GMT+7)

QUẢNG NINH Anh Phạm Huy Cường (thôn Ba Xã, xã An Sinh) là người đầu tiên mạnh dạn đầu tư trồng nho Hạ Đen tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) và bước đầu đã thành công.

Mô hình trồng nho Hạ Đen đầu tiên tại thị xã Đông Triều của anh Phạm Huy Cường. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình trồng nho Hạ Đen đầu tiên tại thị xã Đông Triều của anh Phạm Huy Cường. Ảnh: Nguyễn Thành.

Những năm gần đây, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) là địa phương tích cực trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Hiện nay, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thị xã đã bắt nhịp được tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử như mô hình trồng nho trong nhà màng của anh Phạm Huy Cường (thôn Ba Xã, xã An Sinh). Anh Cường đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng mô hình trồng nho Hạ Đen trên chính mảnh đất quê hương.

Đây là giống nho được trường Đại học Nông lâm Bắc Giang nghiên cứu thành công, có thể trồng được ở các tỉnh thành phía Bắc. Mỗi cây giống có giá 65.000đ. Anh Cường đã trồng khoảng 500 gốc nho trên diện tích 1.500m2 từ đầu năm 2022. Sau hơn 1 năm, cây nho đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, sản lượng đạt 1 tấn quả.

Anh chia sẻ, trước đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch vụ kinh doanh, tổ chức sự kiện của gia đình bị đình trệ, vườn trồng rau màu cũng không đem lại hiệu quả cao, anh đã lên mạng nghiên cứu mô hình trồng nho Hạ Đen của Bắc Giang. Đến nay, vườn nho đã được thu hoạch và bước đầu đem lại hiệu quả, gia đình anh dự tính sẽ đầu tư để mở rộng diện tích trồng nho.

Nói về quy trình chăm sóc nho, anh Cường cho biết, ngay từ đầu, anh đã được các kỹ sư nông nghiệp của trường Đại học Nông lâm Bắc Giang hướng dẫn tận tình, từ cắt tỉa đến lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Ngoài ra, để bổ sung dinh dưỡng cho cây nho phát triển tốt, cho trái ngọt, anh Cường sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây. Để phòng sâu bệnh, nhất là sâu ăn lá, anh pha chế phẩm sinh học như nước tỏi, ớt để phun thường xuyên lên lá cây.

Hiện mô hình trồng nho của anh Cường đã thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm hái nho. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện mô hình trồng nho của anh Cường đã thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm hái nho. Ảnh: Nguyễn Thành.

"Hôm trước, thấy vườn nhà tôi đông người vào mua nho, bên đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm có vào kiểm tra, kết quả là sản phẩm được đánh giá an toàn cho người tiêu dùng. Tôi cảm thấy rất vui khi công sức chăm sóc của mình trong hơn 1 năm qua đã được đền đáp một cách xứng đáng. Bằng chứng là nho thu hoạch đến đâu đều được người dân và thương lái thu mua hết đến đó. Với giá bán tại vườn 120.000đ/kg, vụ vừa rồi cũng cho gia đình tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng", anh Cường hào hứng nói.

Thời gian tới, anh Cường cho biết sẽ mở rộng vườn nho lên 2.000m2, xây dựng mô hình vườn nho kết hợp du lịch trải nghiệm để thu hút nhiều hơn khách tham quan, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái ở địa phương...

Là vùng trọng điểm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, thị xã Đông Triều đã triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững, từng bước hình thành các mô hình nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao.

Ngoài ra, phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch cũng đang là hướng đi mới cho hiệu quả cao. Các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh nói chung và ở thị xã Đông Triều nói riêng đã tạo ra các mô hình hấp dẫn như du lịch trang trại đồng quê, trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân bản địa...

Hiện nay, thị xã Đông Triều tập trung chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành.

Theo đó, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý giám sát, truy xuất nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm, phát triển thương mại điện tử nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực OCOP lên 2 sàn thương mại điện tử của tỉnh là Posmart, Vostro và sàn thương mại điện tử của thị xã (dongtrieumart.vn).

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.