| Hotline: 0983.970.780

"Chảo rang" Ba Nang

Thứ Ba 02/03/2010 , 10:31 (GMT+7)

Đời sống của đồng bào Pa Cô ở vùng cao Ba Nang vốn đã khó khăn nay “khát” nước sạch nên càng chật vật hơn.

Từ hơn 5 năm nay 160 hộ dân với gần 900 nhân khẩu tại các thôn Tà Mên, Cóc, Trầm (xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nghiêm trọng. Đời sống của đồng bào Pa Cô ở vùng cao Ba Nang vốn đã khó khăn nay “khát” nước sạch nên càng chật vật hơn.

Sáng "gánh" chữ, chiều gánh nước

Mới vào đầu mùa hạn mà xã Ba Nang như một cái “chảo rang” giữa đại ngàn Trường Sơn. Hàng trăm người đổ xô đi gùi gánh nước “giải hạn”, phần đông trong đó là những đứa trẻ từ 7 đến 15.

Từ trung tâm xã men theo đường mòn dẫn vào các thôn Trầm, Cóc, Tà Mên chỉ hơn chục cây số mà chiếc xe máy của chúng tôi phải “nẹt pô” mất 2 giờ đồng hồ. Tuyến đường vào các thôn trên vốn đã xuống cấp sau lũ, nay đến đầu mùa hạn càng khô khốc, khắc nghiệt hơn. Từ đầu thôn, những phụ nữ và trẻ nhỏ gùi gánh nước từ một nhánh của dòng Krôngklang đi ngược dốc về phía bản. Em Hồ Thị Luyến (14 tuổi, thôn Cốc) nói qua tiếng thở: “Năm nào cứ đến mùa này thì phải đi gánh nước về dùng chú a. Thôn Cốc nằm cao thế nước đâu mà chảy tới được. Trong nhà em có 6 người phải thay nhau đi gánh suốt ngày mới đủ nước sinh hoạt”.

Đi sau lưng chị, bé Hồ Văn Ngơn (7 tuổi) cũng gánh hai… chai nước trà xanh 0 độ lững thững theo sau. Những đứa trẻ vùng cao Ba Nang cứ mỗi sáng sớm hay buổi chiều sau giờ tan học, lại xách những chai nước nhỏ về bổ sung vào lượng nước sinh hoạt của gia đình. Mỗi ngày, những đứa trẻ ở đây với đầu tóc lem luốc, vàng hoe đi chặng đường cả 4 cây số, dưới cái tiết trời nóng cháy da người vẫn cật lực mang nước về dùng.

Do thôn Cốc, Trầm nằm heo hút và cao hơn so với các thôn khác ở xã Ba Nang nên mỗi năm vào mùa này những đứa trẻ lại có công việc mới là đi "phu nước"! Nhìn hàng chục đứa trẻ lầm lũi trong nắng bụi khuất hút sau những căn nhà sàn lụp sụp mà xót xa!. Ban ngày, bố mẹ chúng đều lên rẫy lên nương cả, phần việc còn lại lũ trẻ phải cáng đáng. Nhà chị Hồ Thị Oi có 3 con trai mỗi sáng đều phải thay nhau đi từ sớm để lấy nước. Vừa gánh nước trở về, em Hồ Văn Nẫm (con trai đầu chị Oi) cho hay: “Gánh nước phải đi từ sớm chú à, không đến trưa thì nắng lắm không đi nổi. Ngày nào cũng phải gánh hết không thì đi học về không có nước mà tắm”. Tôi hỏi chị Oi sao có bể nước và đường ống hẳn hoi sao không trữ nước mà dùng? Chị Oi chỉ tay về phía bể, than: “Hỏng hết cả rồi, mới dùng được 2 năm thì nó không chứa nước nữa, chờ nhà nước làm lại thôi”.

Công trình nước sạch… sạch nước

Cái khát nẻ cả môi người đã len lỏi vào vùng “biệt lập” thôn Cốc, Trầm, Tà Mên khi những công trình chứa nước hàng trăm triệu đồng được đầu tư xây dựng tại các thôn trên vừa đưa vào sử dụng đã hỏng.

Thôn Cốc có 51 hộ dân với 279 nhân khẩu. Cứ 2 đến 3 hộ gia đình ở đây đều được đầu tư xây dựng 01 bể nước với hệ thống ống nước dẫn từ nguồn vốn của Chương trình 135 của Chính phủ hay vốn hỗ trợ người nghèo. Thế nhưng, cho đến nay hầu hết hệ thống bể nước, đường ống dẫn đã xuống cấp, hư hại nghiêm trọng!

Dẫn chúng tôi đi quanh thôn, ông Pả Nưm, Trưởng thôn Cốc nói như phân trần: “Trước đây mấy công trình này mới làm xong vẫn dùng được, chỉ nửa năm nay bắt đầu hư hỏng dần. Đặc biệt, vào trận lũ năm 2009 vừa qua, đa số các công trình nước trên địa bàn thôn đều hư hỏng không dùng được. Không có nước dùng, người dân phải đi gánh chứ không biết trông chờ vào ai nữa”.

Đến nhà anh Hồ Luồn, dẫn chúng tôi ra bể nước nằm cạnh nhà, anh ngao ngán: “Nước sinh hoạt cũng không có chứ lấy đâu ra mà trồng trọt, sản xuất. Từ lúc xây cái bể ni gia đình tui tưởng có nước sạch sinh hoạt, bắt tay vào sản xuất chứ ai dè nó mau hư ri à”. Gia đình anh Luồn có 5 người, làm 2 sào ruộng lúa nước vì không có nước tưới nên vụ mùa thất bát liên miên, cứ vào mùa khô là nguy cơ thiếu nước và giáp hạt rất cao.

Ông Vũ Đình Hoè, Chủ tịch UBND huyện Đakrông: Trong trận lụt năm 2009 vừa qua, trên toàn huyện có 58 công trình dân sinh bị hư hỏng, xuống cấp. Hiện tại, đang bố trí ngân sách tiến hành sửa chữa dần. Từ tháng 10/2009 đến nay đã thực hiện tu bổ, sửa chữa các công trình dân sinh qua 3 đợt với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Chúng tôi xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của huyện năm 2010.

Tại thôn Trầm, Tà Mên cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Anh Hồ Văn Nua, Trưởng thôn Trầm nói: “Toàn thôn có 34 hộ dân với 182 nhân khẩu, mỗi hộ gia đình ở đây đều… khát như nhau cả thôi. Mấy ngày nay bà con thôn bản đang lùa trâu đi tìm những ao hồ còn sót lại ít nước, nếu cứ hạn như ri thì chết hết”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các bể ở đây đều nứt nẻ, không còn khả năng chứa nước. Ở vùng cao Ba Nang, những công trình nước sạch không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí trong nhiều năm qua. Toàn xã Ba Nang có gần 100 ha lúa nước và 125 ha lúa rẫy, trong đó diện tích lúa tập trung ở 3 thôn nói trên chiếm gần 1/3 toàn xã. Vì không có nước tưới trong nhiều năm qua làm hàng chục ha đất bị bỏ hoang, người dân khốn đốn trăm bề.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Biệt, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nang thừa nhận: “Những công trình bể chứa nước và đường ống ở 3 thôn Trầm, Cốc, Tà Mên được xây dựng đợt 1 từ năm 2002 và đợt 2 năm 2005 đến nay đã hư hỏng nhiều, do địa hình của 3 thôn cao nên không phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, trạm thuỷ lợi Tà Rẹc, Pa Nang đã bị trận lũ vừa qua cuốn trôi nhiều đoạn, làm hư hỏng nặng. Hiện tại, trước mắt chúng tôi đang chờ nguồn vốn phân bổ của huyện, sẽ khắc phục sớm để bà con có nước sinh hoạt sản xuất”. Về phương án lâu dài, ông Biệt cho biết thêm, chính quyền xã đang tiến hành khoan 2 giếng nước ngầm thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng cho bà con có nước sinh hoạt và sản xuất.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm