| Hotline: 0983.970.780

Chất lượng cá tra giống sẽ được cải thiện

Thứ Sáu 29/07/2011 , 11:16 (GMT+7)

Trong tháng 6 vừa rồi, đã có 15.000 cá tra bố mẹ hậu bị đã qua chọn lọc, có gắn dây kim loại mang số, được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II phát tán đến các trại giống ở ĐBSCL.

Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, ở ĐBSCL có khoảng 200 trại sinh sản cá tra bột và trên 4.000 hộ ương cá tra giống, với tổng diện tích SX giống vào khoảng 2.250 ha.

Sản lượng cá tra giống mỗi năm hiện khoảng 2 tỷ con, dư sức đáp ứng cho nhu cầu nuôi cá tra ở ĐBSCL. Sản lượng cá ra giống tập trung nhiều nhất ở Đồng Tháp (trên 900 triệu con), An Giang (gần 787 triệu con), Cần Thơ (138 triệu con)…

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Đình Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, nếu so số lượng đàn cá bố mẹ với lượng con giống SX ra hàng năm, thì 2 tỷ con giống vẫn là nhỏ. Bởi hiện nay, lượng cá giống bố mẹ khoảng hơn 210.500 con và 166.000 con hậu bị. Nếu SX giống theo đúng quy trình kỹ thuật hiện hành thì chỉ cần 1/3 lượng cá bố mẹ nói trên là đủ để làm ra 2 tỷ con cá giống.

Tại sao bố mẹ nhiều mà con lại ít như vậy? Theo các chuyên gia thủy sản, nguyên nhân chính nằm ở chất lượng đàn cá bố mẹ và kỹ thuật sinh sản, ương cá tra giống hiện nay. Ông Hùng cho biết, tỷ lệ cá bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng tốt là rất thấp, và có tới 57,4% cá bố mẹ hiện nay có nguồn gốc từ ao nuôi cá… thịt. Số cơ sở SX cá tra giống đáp ứng các quy trình kỹ thuật SX giống chưa nhiều, chỉ 19,6% cơ sở SX cá bột và 8,5% cơ sở SX cá giống tuân thủ quy trình ở mức thấp; chỉ 33,3% cơ sở cá bột và 33,8% cơ sở cá giống có học hỏi kỹ thuật từ các lớp tập huấn, còn đa số các cơ sở học kỹ thuật làm cá giống từ cơ sở khác và học cách phòng trị bệnh từ… người bán thuốc.

Do còn hạn chế về trình độ như vậy, lại chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở SX cá bột đã ép cá bố mẹ sinh sản khi còn nhỏ (dưới 2 kg), chất lượng thức ăn nuôi vỗ không được quan tâm, tỷ lệ đực/cái nuôi vỗ thấp (1/4), làm ảnh hưởng tới tỷ lệ thành thục, cá bị tiêm kích tố dục nhiều lần… Những điều này khiến cho kích thước cá bột đang có xu hướng nhỏ dần.

Các cơ sở SX cá giống cũng chẳng khá hơn khi họ còn ít quan tâm tới nguồn gốc, chất lượng cá bố mẹ, chất lượng cá bột. Ở các ao ương, độ sâu mực nước thường không đảm bảo, mật độ ương quá cao (870 con/m2), khiến có tới 98% cơ sở có cá bị nhiễm bệnh cao… Bởi thế, tỷ lệ ương thành công từ cá bột lên cá giống hiện đang rất thấp, chỉ đạt 12,6%.

Chất lượng cá bố mẹ, cá bột, cá giống còn thấp như thế, nên không lạ khi trong 15 ngày đầu thả nuôi cá thịt, tỷ lệ hao hụt bình quân ở các ao nuôi cá tra thương phẩm hiện đang ở mức khá cao là 15%. Trong suốt quá trình nuôi sau đó, cá còn tiếp tục hao hụt nữa, mà nguyên nhân chủ yếu là bệnh tật. Theo PGS.TS Lê Thanh Hùng, khoa Thủy sản (ĐH Nông Lâm TP HCM), dịch bệnh đang gây thiệt hại từ 20-30% sản lượng cá tra thu hoạch và làm tăng chi phí SX từ 600-1.000 đ/kg cá.

Trước thực trạng đó, việc nâng cao chất lượng cá tra giống đang là một vấn đề cấp thiết. Theo ThS Nguyễn Đình Hùng, công việc quan trọng hàng đầu hiện nay là cung cấp ngay đàn cá bố mẹ hậu bị có chất lượng tốt, khả năng kháng bệnh cao… Chương trình SX đàn cá tra bố mẹ hậu bị này đã được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện từ nhiều năm nay, và được Bộ NN-PTNT phê duyệt qua dự án “Chuyển giao công nghệ Sx giống cá tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh ĐBSCL, 2010-2011”.

Trong tháng 6 vừa rồi, đã có 15.000 cá tra bố mẹ hậu bị đã qua chọn lọc, có gắn dây kim loại mang số (DCWT), được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II phát tán đến các trại giống ở ĐBSCL. Khoảng tháng 10 năm nay và tháng 4 năm sau, 85.000 cá bố mẹ hậu bị đã qua chọn lọc sẽ tiếp tục được phát tán tới các trại SX giống cá tra. Điều đáng mừng là các trại SX giống cá tra ở ĐBSCL rất quan tâm tới đàn cá bố mẹ hậu bị đã và sẽ được phát tán trong thời gian tới, và đã hồ hởi đăng ký tiếp nhận toàn bộ 85.000 con cá nói trên.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương hy vọng rằng với lượng cá bố mẹ có chất lượng này, việc SX cá giống cá tra ở ĐBSCL sẽ được cải thiện theo chiều hướng tốt lên trong những năm tới.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.