| Hotline: 0983.970.780

Chật vật xử lý 'hung thần' trên biển

Thứ Ba 26/09/2023 , 15:35 (GMT+7)

Tàu giã cào được xem là "hung thần" trên biển với hình thức khai thác tận diệt. Thế nhưng, giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này cũng đang là bài toán khó.

Tỉnh Quảng Nam có đường bờ biển dài khoảng 125km, là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề khai thác thủy sản. Ngoài những tàu lớn đánh bắt xa bờ thì người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh này cũng đang sinh sống bằng các nghề khai thác ven bờ với các tàu có công suất nhỏ hơn.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 185 tàu đăng ký nghề khai thác bằng hình thức giã cào. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 185 tàu đăng ký nghề khai thác bằng hình thức giã cào. Ảnh: L.K.

Mặc dù vậy, những năm qua việc các tàu giã cào hoành hành khiến cho nghề khai thác hải sản gần bờ của ngư dân Quảng Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. Tàu giã cào, nhất là giã cào đôi hành nghề bằng cách thả lưới xuống đáy biển rồi nổ máy cho tàu kéo đi. Do phạm vi của lưới bao gồm cả tầng đáy, tầng mặt nên hải sản to, nhỏ đều bị thâu tóm, san hô bị phá vỡ, hệ sinh thái ven biển bị bức hại.

Không những vậy, các tàu giã cào đều có công suất lớn, theo quy định phải đánh bắt hải sản ở tuyến xa bờ và tuyến lộng thì lại ngang nhiên trái tuyến ở vùng ven bờ. Loại hình khai thác giã cào không chỉ làm nguồn lợi thủy sản suy giảm, hủy hoại môi trường biển mà còn tàn phá các ngư lưới cụ hành nghề của các tàu công suất nhỏ.

Ông Trần Minh Tập (thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho biết: “Trên địa bàn có hàng trăm hộ dân đánh bắt cá nhỏ. Thời gian qua, tàu giã cào hoạt động trái phép đã khiến cho lưới của người dân bị rách không vá được, trong khi nhiều hộ không có vốn để đầu tư mới lưới và ngư cụ. Ngư dân địa phương rất mong ngành chức năng kiểm soát, xử lý, bảo vệ dứt điểm vấn nạn này”.

Xã ven biển Tam Tiến (huyện Núi Thành) là địa phương có tàu hành nghề giã cào nhiều nhất tỉnh Quảng Nam với hơn 70 chiếc. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở ngư trường ven bờ, từ tháng 11/2022, địa phương này đã thành lập Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản sản rạn Bà Đậu. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tổ cộng đồng này đã vận động được một số chủ tàu giã cào đã chuyển sang đầu tư đánh bắt hải sản bằng các nghề lưới vây cá cơm, lưới vây ánh sáng, lưới chụp…

Lực lượng chức năng Quảng Nam phát hiện và xử lý tàu giã cào khai thác trái phép trên vùng biển ở huyện Núi Thành. Ảnh: L.K.

Lực lượng chức năng Quảng Nam phát hiện và xử lý tàu giã cào khai thác trái phép trên vùng biển ở huyện Núi Thành. Ảnh: L.K.

Tuy nhiên, theo một số ngư dân hành nghề giã cào, dù được tuyên truyền, vận động nhưng để chuyển đổi sang nghề khai thác khác là rất khó khăn vì không đủ vốn. Nếu như đầu tư mua lưới, ngư cụ cho các nghề như lưới rê, lưới vây, lưới chụp đều phải tốn đến hàng trăm triệu đồng. Do đó, khi chuyển đổi, họ mong muốn được nhà nước hỗ trợ nguồn lực.

Ông Nguyễn Xuân Uy, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết: “Về việc chuyển đổi nghề cho cá tàu giã cào, chúng tôi rất mong ngành thủy sản tham mưu Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân. Tôi thấy ở nhiều tỉnh thành trên cả nước hỗ trợ với các mức 50 triệu đồng, 100 triệu đồng… cho các tàu giã cào công suất khác nhau đầu tư lại nghề khai thác hải sản thân thiện”.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có 185 phương tiện hành nghề giã cào. Trong đó có 42 thuyền nhỏ giã cào được phép hoạt động ở ven bờ; còn 143 tàu lớn phải đánh bắt ở tuyến lộng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số trên danh sách còn thực chất có không ít tàu lách luật đăng ký đánh bắt hải sản bằng nghề khác nhưng thực chất là giã cào trá hình.

Mặc dù vậy, việc phát hiện, xử lý các tàu giã cào hoạt động trái phép, trái tuyến hiện nay rất khó khăn do khi các tàu hoạt động trên biển khó xác định được khu vực nào là vùng lộng, khu vực nào là vùng ven bờ. Ngoài ra, những tàu này cũng chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chỉ khi lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển phát hiện mới xử phạt.

Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Nam thừa nhận, việc kiểm soát các tàu giã cào vi phạm hiện nay rất khó khăn. Bởi lực lượng thanh tra kiểm ngư của Chi cục rất mỏng, chỉ có 4 người. Trong khi các trang thiết bị, máy móc, tàu thuyền không có nên chủ yếu phối hợp với Biên phòng tuần tra theo từng đợt, mang tính chất tuyên truyền là chính.

“Tỉnh Quảng Nam xác định không cho phát triển thêm, dần dần xóa bỏ các nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường như nghề giã cào. Chúng tôi đang dự thảo xây dựng nghị quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân để tham mưu Sở NN-PTNT lấy ý kiến các địa phương và trình UBND, HĐND tỉnh. Dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành và đầu năm sau bắt đầu triển khai.

Tuy nhiên, do ngân sách Nhà nước có hạn nên mức hỗ trợ cũng hạn chế, khoảng từ 30-50 triệu cho mỗi trường hợp. Do đó, ngoài hỗ trợ thì cũng cần đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền cũng như có các chế tài xử phạt nặng đối với những tàu giã cào hoạt động trái phép”, ông Long nói.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.