| Hotline: 0983.970.780

'Châu Âu đa tốc độ' gây chia rẽ châu Âu

Thứ Sáu 08/09/2017 , 11:10 (GMT+7)

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 5/9 cảnh báo một “châu Âu đa tốc độ” có thể gây hiệu ứng "Brexit nhiều hơn" và gây sụp đổ Liên minh châu Âu (EU).

Sáng kiến từ phe “đầu tàu”

Vào tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi thúc đẩy ý tưởng về một “châu Âu đa tốc độ” và nhấn mạnh rằng một số quốc gia tiên phong sẽ dẫn dắt tiến trình hội nhập sâu rộng tại EU, đồng thời đề xuất các kế hoạch bao gồm việc hình thành một ngân sách chung cho khu vực Eurozone đặt dưới sự giám sát của một bộ trưởng tài chính và nghị viện mới của châu Âu, sau khi tiến hành thay đổi cơ cấu quy mô lớn.

16-54-25_4_ben
Hôm 6/3, lãnh đạo của Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, ủng hộ mô hình châu Âu “đa tốc độ” trong hội nghị tại Versailles (Pháp)

Sáng kiến của Tổng thống Emmanuel Macron nhận được sự ủng hộ từ phía nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel ủng hộ vì qua đó, có thể viện trợ các nước thành viên gặp khó khăn trong thực hiện cải cách kinh tế. Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, “một châu Âu với các tốc độ phát triển khác nhau là điều cần thiết, nếu không chúng ta (EU) sẽ chết”.
 

Kịch bản “đa tốc độ”

Việc nước Anh chia tay với EU cho thấy bản thân dự án xây dựng châu Âu không thuyết phục được mọi thành viên của mình trong bối cảnh hiện nay. Viễn cảnh EU tan rã là điều được nhiều lần nhắc đến. Đầu tháng 3/2017, Ủy ban châu Âu công bố cuốn Sách Trắng với mục tiêu tìm ra hướng đi chung cho khối 27 nước, do chủ tịch Ủy ban Jean-Claude Juncker phụ trách, đưa ra 5 kịch bản tương lai của châu Âu ở ngưỡng cửa 2025.

Trong đó, kịch bản thứ 3 được gọi là “dành cho những ai muốn đi xa hơn” hay thường gọi là “châu Âu đa tốc độ”. Tức là khối 27 nước sẽ vẫn tiếp tục tồn tại như hiện nay, nhưng mở ra khả năng cho những thành viên nào có mong muốn phối hợp nhiều hơn trong một lĩnh vực như quân sự, an ninh nội địa hay các vấn đề xã hội. Ví dụ như, 15 nước Liên Âu có thể lập một lực lượng cảnh sát hay công tố chung để điều tra về các tội phạm hình sự xuyên biên giới, các cơ sở dữ liệu về an ninh được kết nối cho phép thông tin được trao đổi mau chóng. Một ví dụ khác, xe nối mạng được sử dụng rộng rãi tại 12 quốc gia thành viên tìm được thỏa thuận về pháp lý và kỹ thuật.

Khái niệm về một châu Âu "đa tốc độ” thực ra đã được cựu Thủ tướng Đức Willy Brandt, lần đầu tiên nói đến vào năm 1974, một năm sau khi Anh gia nhập EU. Khi đó, khái niệm châu Âu "đa tốc độ” đã phản ánh đúng phần nào thực trạng của EU lúc đó. Với các chính sách về đồng euro, khu vực đường biên tự do đi lại, các vấn đề nội khối, bản quyền và những nguyên tắc tài khóa, EU đã hình thành liên minh mềm dẻo giữa các quốc gia theo đuổi hội nhập ở các tốc độ khác nhau. Sự ra đời của không gian tự do đi lại Schengen và Khu vực đồng tiền chung châu Âu cho thấy rõ nhất mô hình một châu Âu "đa tốc độ" đã sớm được thực hiện.

Viễn cảnh “châu Âu đa tốc độ” chính là điều mà cuộc gặp “tiểu thượng đỉnh 4 nước” Pháp - Đức - Ý - Tây Ban Nha họp tại Versailles (Pháp) hôm 6/3/2017, bắt đầu tìm cách đi đến, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng. Tổng thống Pháp khi đó là ông Francois Hollande cho biết ý tưởng này đã được đưa ra từ lâu, song mãi đến thời điểm đấy mới được nghiên cứu kỹ lưỡng.
 

Mâu thuẫn nội khối

Kịch bản thứ 3 “châu Âu đa tốc độ” đang là tâm điểm của mâu thuẫn. Ngay trong tiến trình chuẩn bị bản tuyên bố Roma hồi đầu tháng Ba, thủ tướng Slovakia Robert Fico tỏ thái độ bất mãn. Slovakia cùng các quốc gia trong nhóm 4 nước Đông Âu Visegrad (Hungary, Séc, Ba Lan, Slovakia) lo ngại bị gạt ra bên lề, đặc biệt sau phiên họp riêng giữa 4 nước đông dân nhất châu Âu là Pháp - Đức - Ý - Tây Ban Nha tại Versailles hôm 6/3, để tìm kiếm con đường củng cố nền phòng vệ chung cho châu Âu, tránh sự ngăn chặn của một số nước “cứng đầu”.

Phát biểu hôm 5/9 tại Diễn đàn kinh tế khu vực, vốn được coi là Diễn đàn Davos phía Đông diễn ra tại Krynica (Ba Lan), Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cảnh báo một châu Âu "đa tốc độ" có thể gây hiệu ứng “Brexit nhiều hơn” và gây sụp đổ EU. Cảnh báo trên của Tổng thống Ba Lan được đưa ra trong bối cảnh một số nền kinh tế hàng đầu châu Âu thúc đẩy ý tưởng châu Âu "đa tốc độ” để đối phó với tình trạng trì trệ hiện nay ở lục địa già, cũng như những hệ lụy từ Brexit.

Tuy nhiên, Ba Lan cùng một số nước thành viên Đông Âu như Séc, hiện chưa gia nhập khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đã quan ngại rằng, 19 quốc gia thuộc Eurozone có thể hội nhập một cách nhanh chóng, sâu rộng và bỏ họ lại phía sau. Tổng thống Andrzej Duda cũng cho rằng, EU sẽ trở nên "kém hấp dẫn” khi một số quốc gia có “tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn và có khả năng đưa ra những quyết định quan trọng lớn hơn” lại có thể đưa ra những quyết định về sự thịnh vượng của các quốc gia khác.

Nhưng theo các nhà quan sát, trên thực tế, dù ủng hộ “châu Âu đa tốc độ” hay không, thì EU hiện nay trong một số lĩnh vực, đã vận hành theo nhóm. Ngay từ ngày 9/3, các lãnh đạo châu Âu có kế hoạch “bật đèn xanh” cho việc lập ra một cơ quan công tố châu Âu phụ trách chống tham nhũng (tại các quỹ châu Âu). Cơ quan này bước đầu chỉ liên quan đến một nhóm nước thành viên EU.
 

“Đa tốc độ” hay tan rã?

Ẩn đằng sau 5 kịch bản của Tương lai châu Âu là nỗ lực duy trì bằng mọi giá sự đoàn kết của khối 27 nước. Thực ra, còn một “kịch bản thứ 6” (kịch bản không được nêu ra), khi không có một lựa chọn trong 5 kịch bản được đồng thuận, EU có thể sẽ rơi vào “tan rã hoàn toàn”.

Tờ Il Giornale (Ý) cho rằng, nguyên tắc phát triển “đa tốc độ” của Châu Âu - qua đó phân biệt mức độ hội nhập của từng nước thành viên khác nhau, sẽ không giúp khu vực này thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện tại.

“Động thái này không khác gì đưa thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư. Châu Âu phải thay đổi từ cái cốt lõi, phải cần một hệ thống quy tắc hoàn toàn mới. Với việc phân biệt mức độ hội nhập của các thành viên, họ sẽ chỉ tiếp tục chia rẽ nhau thay vì cùng nhau đi về phía trước”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm