| Hotline: 0983.970.780

“Chảy máu” cây nhội tía

Thứ Sáu 27/09/2013 , 10:48 (GMT+7)

Trước đây, cây nhội tía (tên khoa học Bischofia javanica Blume) chẳng hề được lâm tặc ngó ngàng, bởi gỗ của loại cây này thuộc nhóm 6, chẳng có “số má” gì trong hàng lâm sản. Thế nhưng từ khi cây nhội tía được Trung Quốc thu mua giá cao, lập tức chúng lọt vào tầm ngắm của lâm tặc.

Trước đây, cây nhội tía (tên khoa học Bischofia javanica Blume) chẳng hề được lâm tặc ngó ngàng, bởi gỗ của loại cây này thuộc nhóm 6, chẳng có “số má” gì trong hàng lâm sản. Thế nhưng từ khi cây nhội tía được Trung Quốc thu mua giá cao, lập tức chúng lọt vào tầm ngắm của lâm tặc.

Săn lùng

Ông Nguyễn Đình Thanh, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bình Định, nhớ lại: Trong tháng 7 vừa qua, lâm tặc tổ chức khai thác trái phép 4 cây nhội tía tại khu vực 72 Đồi Tranh nằm trên địa bàn xã Đăk Mang thuộc huyện Hoài Ân (vùng rừng giáp ranh với huyện Kbang, Gia Lai). Được tin, lực lượng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bình Định) liền phối hợp với ngành Kiểm lâm tổ chức chốt chặn trên đường ĐT 631, tuyến từ Hoài Ân đi Phù Mỹ qua đèo Mằng Lăng để mai phục lâm tặc vận chuyển những cây nhội tía về xuôi.

Thức trắng 1 đêm, nhưng chẳng thấy những cây nhội tía nói trên được vận chuyển xuống. Sáng hôm sau, tổ công tác lập tức hành quân về Đồi Tranh để tiếp cận hiện trường thì thấy lâm tặc chỉ mới đưa cây lên xe, chuẩn bị chuyển xuống núi, vậy là tổ công tác ập bắt luôn. Trên đường vận chuyển 4 cây nhội tía nói trên về huyện, do đường đèo dốc hiểm trở, chiếc xe chở cây bị nghiêng lật, 1 cây lăn xuống hố sâu mất tăm. “Anh em tổ công tác đi trên xe ấy may mà nhảy xuống kịp, khỏi bị lọt xuống hố, ai nấy đều hú hồn”, ông Thanh nói.


Người canh giữ 2 cây nhội tía phải làm lán trại “gác” cả ngày lẫn đêm

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, sau khi thu giữ, số cây nhội tía nói trên được đưa ra bán đấu giá, một doanh nghiệp trên địa bàn đã đấu trúng với giá hơn 160 triệu đồng. Tuy nhiên, theo giới chuyên buôn bán cây nhội tía sang thị trường Trung Quốc thì đó là một cái giá quá “bèo”, bởi chi phí cho một cây từ lúc khai thác đến khi đưa được ra khỏi rừng phải tốn đến hơn 50 triệu đồng.

Nếu như ở huyện Hoài Ân lâm tặc đang săn lùng cây nhội tía trong những khu rừng sâu thì ở huyện An Lão, loại cây này đang được cho phép khai thác. Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bình Định, ông Nguyễn Đình Thanh cho hay: “Trong thời gian gần đây, UBND huyện An Lão xin ngành chức năng cho phép khai thác tận thu một số cây nằm trên nương rẫy của người dân đang canh tác, trong đó có cây nhội tía”. Theo ông Nguyễn Thanh Sinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão thì hiện nay, trên địa bàn huyện này có đến 3 công ty là Long Quân (An Lão), Đức Hằng (Hoài Nhơn) và Thiên Phú (Đăk Lăk) đang được phép khai thác những loại cây tận thu như ké, nhội tía.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 3 công ty nói trên, Cty Thiên Phú chỉ chuyên “săn” cây nhội tía. Anh Th, một người dân địa phương được Cty Thiên Phú thuê thực hiện khai thác, vận chuyển cây nhội tía trong thời gian qua, cho biết: Sau khi khai thác, những cây nhội tía được vận chuyển ra Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó được đưa sang Trung Quốc bán với cái giá vài trăm triệu đồng 1 cây.

“Chảy máu” nhội tía

Cây nhội tía được bên mua yêu cầu phải là cây sống, và phải đúng quy cách: Cây có đường kính hơn 1 m thì chiều dài từ gốc đến phần ngọn bị cắt phải 13 m trở lên; còn những cây có đường kính dưới 1 m thì chiều dài phải từ 9 m trở lên. Do đó, quy trình khai thác và bảo dưỡng chúng phải được tiến hành rất nghiêm ngặt. Anh Th kể: “Khi khai thác một cây nhội, thường thì tụi tui phải cưa hết các cành, nhánh và ngọn để dễ vận chuyển ra khỏi rừng. Sau đó sử dụng xe múc đào xung quanh thân cây. Trước khi đào, tụi tui phải đổ nhiều đống đất lớn cạnh thân cây để làm “đệm đỡ” khi cây ngã, để tránh trầy xước vỏ. Khi đào, phải điều khiển xe múc sao cho cây phải được ngã về hướng những “đệm” đất. Sau khi cây được hạ xuống, tụi tui sử dụng ván đóng quanh thân, đó là chiếc “áo giáp” bảo vệ lớp vỏ cây, rồi mới dùng xe cần cẩu đưa cây lên xe chở ra bãi tập kết”.


Cận cảnh cây nhội tía

Do yêu cầu của bên mua về quy cách của cây nhội tía là khá cao, trong khi loại cây này thường mọc ở đầu nguồn nên khi được phép khai thác tận thu, có công ty không tuân thủ chỉ khai thác những cây trên đất nương rẫy, mà khai thác “lấn” cả vào rừng sâu. Ông Nguyễn Thanh Sinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, thừa nhận: “Việc khai thác cây nhội tía sai với khu vực cho phép của một số công ty là có, cơ quan chức năng cũng đã xử lý bằng cách thu giữ, sau đó huyện bán thanh lý”.

Tuy nhiên, chúng tôi được biết, phần nhiều những cây nhội tía khai thác sai nơi quy định, được ngành chức năng thu giữ, sau đó lại được bán hóa giá cho chính công ty đã khai thác sai phạm. Điều ấy là động cơ để các công ty mạnh dạn vi phạm, khai thác cây nhội tía bất kỳ ở đâu, không cứ phải trên đất nương rẫy, miễn là có cây ưng ý. Sau đó chỉ cần thêm 1 khoản kinh phí mua thanh lý là có thể “hợp thức hóa” được chúng.

Trong chuyến công tác tại An Lão, tình cờ tôi thấy có 2 cây nhội tía dài hơn 10 m nằm tại khoảng đất trống trước Trạm Kiểm lâm xã An Quang đang bắt đầu khô vỏ. Người đàn ông đang canh giữ 2 cây nhội tía này nói: “Tui được Cty Thiên Phú thuê canh giữ 2 cây nhội này gần 2 tháng nay. Không hiểu vì lý do gì mà cây không được chuyển đi, họ phải thuê tui “gác” 2 cây nhội này cả ngày lẫn đêm, bởi nếu sơ hở, có ai đó chơi xấu cưa đứt vỏ cây là kể như mấy cây nhội này toi mạng”.

Vốn quý của rừng

Theo nhiều chuyên gia trong ngành lâm nghiệp, nhội tía là loại cây chuyên giữ nước, cánh rừng nào có loại cây nhội tía sẽ tạo được môi trường rất tốt. Không chỉ vậy, cây nhội tía còn là nguồn dược liệu quí. Hiện nay tại Trung Quốc, vỏ thân và rễ cây nhội tía đã được sử dụng làm thuốc trị phong thấp, đau nhức xương khớp. Lá nhội tía đang được nghiên cứu để trị ung thư đường tiêu hóa và chữa viêm gan, viêm phổi, viêm hầu họng và dùng ngoài trị mụn nhọt, lở ngứa. Ngành y ở Ấn Độ cũng đã dùng dịch ép của lá nhội tía làm thuốc trị loét.


Lực lượng kiểm lâm bắt giữ 1 vụ vận chuyển cây nhội trái phép tại Trại Me - Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Chi cục KL Quảng Ninh

Theo Đông y, cây nhội tía có vị cay chát, tính mát, tác dụng hành khí, hoạt huyết, tiêu thũng, giải độc. Năm 1963, Bộ môn Ký sinh trùng (Trường ĐH Y dược Hà Nội) nghiên cứu có hệ thống những vị thuốc có khả năng trừ giun sán và các ký sinh trùng, đã phát hiện lá nhội tía có tác dụng mạnh với trùng roi Trichomonas vaginalis. Đơn vị này đã áp dụng điều trị thí nghiệm bệnh ỉa chảy của khỉ do lỵ trực trùng, kết quả đạt 88% trên người; dùng chữa khí hư do trùng roi, kết quả rất nhiều triển vọng.

Ngoài tác dụng về y học, ngày nay nhiều người thường trồng cây nhội tía vừa để tạo cảnh quan, tạo môi trường tốt quanh nhà và theo quan niệm tâm linh, cây nhội tía này sẽ mang lại may mắn cho gia chủ. Ông Trần Trung Miên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Trong những lần đi kiểm tra rừng, mỗi khi mệt mà gặp được cây nhội tía kể như là gặp “thuốc khỏe”. Bởi đứng nghỉ dưới những tán cây nhội tía sẽ cảm nhận được không khí mát dịu hơn so đứng dưới những loại cây cây cổ thụ khác”.

“Ngày 25/9, UBND tỉnh Bình Định có văn bản chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh này chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ tịch thu số cây nhội tía tại huyện Hoài Ân cho Thanh tra tỉnh. Đồng thời chỉ đạo cho Thanh tra tỉnh Bình Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và đề xuất việc xử lý tịch thu số cây nhội tía khai thác trái phép nêu trên”.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.